Kể từ khi mùa dịch đợt mới trỗi dậy lên mạnh mẽ khách sạn nơi nó làm lại bắt đầu đóng cửa. Trận dịch không chừa một ai mà những ngành liên quan đến du lịch dường như càng bị ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, nhất là khách sạn. Chủ nó cầm cự mãi cuối cùng cũng không thể trả nổi phí điện, nước và cả lương nhân viên, thế là qua một tin nhắn thông báo giản đơn nó thành người thất nghiệp.
Nó soạn tin nhắn gửi ba nó: “Con làm về rồi nhen ba, kể từ hôm nay con tạm ở nhà không đi làm nữa”. Từ khi mẹ nó mất sau một cơn bạo bệnh nhà chỉ còn hai cha con, ba nó dạy cho nó thói quen hễ làm việc gì hoặc đi làm về phải nhắn tin để ba nó khỏi lo. Thói quen của sự quan tâm chẳng liên quan đến nghĩa vụ nên nó luôn vui vẻ thực hiện, nhưng lần đầu tiên nó cảm thấy đột nhiên tin nhắn trở thành gánh nặng cho ba nó. Tiếng tin nhắn ring ring của ba nó hồi đáp, nó bật lên xem mà mắt chợt đỏ hoe: “Ba biết rồi, cơm ba nấu sẵn trong chạn. Con đừng suy nghĩ gì cả để đó ba lo…”. Nó không nói với ba chuyện bị cho thôi việc nhưng ba nó dường như đoán biết được tất cả.
Ba nó dù mái đầu đã bạc nhưng vì muốn con cái học hành đến nơi đến chốn nên ông không màng sức khỏe lao vào làm việc. Nhất là sau khi mẹ nó sinh ra nó chưa được bao lâu thì bị vướng bệnh và qua đời, khi nó còn đỏ hỏn, ông ở vậy nuôi con trưởng thành. Nó luôn cố gắng học hành thật tốt, sau khi tốt nghiệp thì đi làm ở khách sạn, mức lương cũng khá, nó nghĩ rằng sẽ có đủ kinh tế để nuôi ba nhưng ông vẫn không chịu nghỉ làm, ông luôn cho rằng có nhiều biến cố không lường trước được. Và có vẻ đợt dịch này chính là sự biến cố lớn nhất nó đang gặp phải.
Ba luôn là thần tượng của nó. Từ bé ông đã là người nuôi dạy nó trưởng thành với những bài học đắt giá. Khi còn bé, nó vẫn luôn hay ganh tị với những đứa trẻ con nhà giàu, nhưng ba nó luôn nói với rằng: Có những người sinh ra ở vạch đích, lại có những người bắt đầu ở vạch xuất phát. Nhưng cuộc sống này vốn dĩ luôn có sự công bằng, con cần chấp nhận vị trí của mình và nỗ lực để thu hẹp khoảng cách, chứ không phải đổ lỗi cho số phận. Khi con đứng ở vạch đích lúc đó con sẽ hiểu mọi nỗ lực thu hẹp khoảng cách của mình là có ý nghĩa.
Ban chiều khi ba nó đi làm về đã thấy bữa cơm nóng chuẩn bị sẵn, dường như thấy bộ mặt căng thẳng của nó ba nó đùa:
- Thế là thời gian tới ba được ăn cơm nóng do con gái nấu rồi, lúc nào cũng bắt ba đi làm về nấu cơm con gái mới chịu về hết. Ông cố gắng vui đùa để con gái bớt cảm thấy trở thành gánh nặng trên vai ba.
Ông làm bảo vệ cho một khu chung cư, sau phòng bảo vệ ông tự xây cho mình một khu vườn nhỏ, ở đó trồng đủ loại bầu bí, lại thêm ít rau, thi thoảng ông lại hái chúng về cải thiện bữa ăn cho nhà. Nay ông về mang thêm ít rau, lại thêm vài ổ bánh mì, ông ghẹo nó:
- Con gái đừng có lo, cứ ở nhà có ba nuôi, có rau này, lại thêm bánh mì này, ba mang về nuôi con gái.
- Thế ra nuôi con chỉ rau với bánh mì sao con lớn nổi.
Tiếng cười rền vang cả một góc nhà. Mùa dịch không biết khi nào mới cạn, ở nhà thì giữ sức khỏe cho mình, bảo vệ bản thân nhưng cũng không kiếm được tiền nên nó không khi nào thôi nghĩ mình là gánh nặng. Ba nó lúc nào cũng thấu hiểu, ngoài những lúc đùa vui ông cũng hay tâm sự như những người trưởng thành. Có bận đi làm về, ông dẫn nó ra ngoài sân, nơi những chậu cây cảnh mà ông dành thời gian vun xới bắt đầu ra những mầm non khóe cành, vừa tỉa ông vừa nói với nó:
- Nếu có những lúc con cảm thấy cuộc sống mình bế tắc thì con hãy nhìn những cây này. Chúng rồi sẽ lớn lên, sau đó già đi và rụng lá nhưng chúng vẫn luôn mạnh mẽ sống dù biết như vậy. Vì trải qua được những mùa rụng lá thì sẽ lại đến những lúc đâm chồi.
Nó cứ thế ở nhà vài tháng cho tới khi được gọi đi làm lại. Khi kinh tế chuyển mình hồi sinh và mọi dịch bệnh dần vào vòng kiểm soát nó lại đi làm. Ba nó ăn mừng nó bằng một bữa canh nấu bằng rau ba trồng sau phòng bảo vệ.
Nó luôn biết, những bữa rau ba mang về sẽ không thể nào đủ để nuôi nó được vì đó chỉ là vườn rau nhỏ cải thiện bữa ăn dăm bữa, bánh mì ba mua cũng không thể thành bữa chính được nhưng thứ mà ba nó cho nó thời gian đó chính là sự động viên lớn nhất để nó qua được thời kì khó khăn. Thứ mà ba nó “nuôi” nó khi ấy chính là sự hy vọng, được ông “nấu” từ tình yêu thương vô bờ bến mà ông dành cho nó.
HUYỀN TRÂN