Bài thơ vừa sáng tác của Nguyễn Hồng Vinh, lời thơ bình dị mà lấp lánh chiều sâu: mượn đặc trưng của từng con sông để nói về đặc tính mỗi con người; nói cái riêng và cái chung của đôi bạn tâm giao Nguyễn Hồng Vinh-Phạm Quốc Toàn. Phạm Quốc Toàn sinh và lớn lên bên con sông Ngàn Sâu-con sông (cùng với sông Ngàn Trươi, Ngàn Phố) chảy vào sông La (Hà Tĩnh) rồi hòa vào sông Lam đổ ra biển cửa Hội, quanh năm hầu như nước xanh trong. Còn Nguyễn Hồng Vinh sinh và lớn lên bên sông Hồng tải nặng phù sa, hòa vào biển qua cửa Ba Lạt nên nước đục cả một vùng biển rộng. Nguyễn Hồng Vinh là nhà báo, nhà thơ, chính khách, nhà quản lý báo chí-văn nghệ nhiều kinh nghiệm.
Phạm Quốc Toàn xa quê, nhập đội quân người lính Cụ Hồ, rồi trở thành nhà báo, nhà văn, đến nay đã có 35 năm gắn bó với TP.Vũng Tàu-nơi có Bãi Trước, Bãi Sau tấp nập du khách bốn phương tắm biển. Nơi đây đã nuôi dưỡng hồn báo, hồn văn, để rồi hôm nay, ông đã có gần 20 tác phẩm dày dặn, với nhiều thể loại: bút ký, hồi ký, truyện ngắn, tiểu thuyết…
Còn Nguyễn Hồng Vinh xa quê, gắn bó 33 năm với khuôn viên cây đa Hàng Trống, từ một phóng viên trở thành cán bộ quản lý và “người giữ lửa” chuyên mục xã luận, bình luận của Báo Nhân Dân. Hơn 10 năm lại đây, ông gia nhập “làng thơ” khi cận kề tuổi thất thập...
Nét chung nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Hồng Vinh và Phạm Quốc Toàn là sự tâm đắc và đồng hành với công thức tác nghiệp báo chí của nhà báo, nhà văn Phan Quang-cây đại thụ cùa báo chí cách mạng Việt Nam là: ĐỌC-ĐI-NGHĨ-VIẾT. Cùng chung suy nghĩ về nghề, cùng lý tưởng dùng cây bút phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, qua rèn luyện thử thách, trái tim họ luôn rung nhịp đập đất nước, hồn báo, hồn văn, hồn thơ mãi xanh cùng năm tháng.
Thật thú vị, khi biết Phan Quang cũng sinh ra và lớn lên bên một dòng sông-sông Nhùng ở tỉnh Quảng Trị. Tôi tự hào khi “con sông nhỏ” ấy đã sinh ra “nhà báo tiêu biểu” Phan Quang-mà đầu năm 2021, khi đã bước vào tuổi 93, Đảng, nhà nước ta đã trao danh hiệu cao quý ấy cho ông nhân Lễ trao Giải báo chí “Búa liềm vàng”!
Trước thềm kỷ niệm 96 năm ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, điểm qua vài nét về đời và nghề của 3 nhà báo, tôi lại liên tưởng tới câu thơ neo giữ trong lòng người yêu thơ của cố nhà thơ trẻ Bế Kiến Quốc dẫn lời bạn bè quốc tế nói về dân tộc Việt Nam ta:
“Sinh ở đâu, mà ai cũng anh hùng?
Tất cả trả lời: Sinh bên những dòng sông!”.
Hà Nội 7/5/2021
ĐINH VIÊN
NGUYỄN HỒNG VINH Nghĩ về những dòng sông Kính tặng nhà báo, nhà văn Phan Quang Tôi sinh bên sông Hồng Ngày đêm tải phù sa Gặp biển nơi Ba Lạt Nước ngầu đỏ một vùng!
Quốc Toàn bên sông Ngàn Gặp sông La trong vắt Hòa vào dòng sông Lam Lặng thầm ra biển lớn
Giã từ đời người lính Anh vào với Vũng Tàu Sông Cỏ May, Cái Mép Gặp biển xanh như ngọc Rộn Bãi Trước, Bãi Sau
Tôi và anh xa nhau Trái tim ta luôn đỏ Hồn văn ta luôn xanh Những dòng sông thân thương Nuôi trang đời nồng thắm
Đất nước ta bao sông Có sông to, sông nhỏ Vẫn luôn nhớ sông Nhùng ** Đã sinh cây đại thụ Của làng báo, làng văn Người ấy là Phan Quang! Hà Nội 6/5/2021 --------------------- *Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo VN. **Phan Quang sinh thành bên sông Nhùng, Quảng Trị. ***Phạm Quốc Toàn (nguyên TBT Báo BR-VT) đã viết cuốn tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (nhà XB VH-VN, 2019). |