Hồi còn ở quê, ta thèm khát thị thành đến nghiệt ngã. Bao nhiêu viễn cảnh vẽ ra về sự hào nhoáng của chốn phồn hoa: xe cộ nhộn nhịp, lô xô cao ốc, quán xá muôn màu… Ôi, nghĩ tới thôi là thấy lòng bay bổng, hân hoan.
Để rồi khi được bung mình, ta bắt đầu cảm thấy hoang mang... Bao nhiêu năm miệt mài học hành, lao động, ta nào có thời gian, vật chất để tận hưởng những thú vui quý tộc của người thị thành. Mặt vẫn cúi xuống đất để nhìn những mảnh đời ngang tầm phải lứa với mình. Có khi chán nản, bất mãn với cuộc sống hiện tại, lòng lại muốn nổi loạn. Đã đôi lần ta suýt bị cám dỗ bởi những mật ngọt của chốn phồn hoa, suýt sa đà vào thói hư tật xấu. Nhưng rồi, nhớ những lời dạy dỗ vàng ngọc của cha mẹ, ta kiên định bước qua.
Bước ra đường trong ánh đèn rực rỡ của trời đêm ly hương, ta thấy mình là người thành thị và quên đi quá khứ mình là ai. Thậm chí không ít lần ta còn cười nhếch mép với những đứa sinh viên chân dính màu phèn: “Đồ nhà quê”. Nhưng khi quay về phòng, thu mình trong ổ chuột, ta thấy bản thân còn thua cả quê nhà. Bốn bức tường ọp ẹp như cái hộp, nóng hầm hập, thiếu thốn trăm bề. Chạnh lòng với quá khứ. Cảm thấy tủi hờn, vẫn không thoát khỏi mùi rơm rạ, mùi bùn phèn. Ta nhận ra rằng không đâu bằng quê hương mình.
Khi còn trẻ, ta cứ cố chạy kiếm tìm hạnh phúc chốn xa xôi, trong khi điều đó đang hiển hiện ngay trước mắt. Ta cũng như bao người trẻ bỏ làng bỏ quê, bỏ cả những nụ cười thân quen nghĩa xóm tình làng. Nương rẫy, ruộng vườn không người trồng cấy, những bước chân đậm dấu màu phèn cũng phôi phai. Để đến khi gối mỏi chùn chân, ta lại muốn quay về nơi gốc rễ cội nguồn... Lá rụng về cội.
Thế giới phẳng rồi, không còn nghiêng ngả nữa. Nhắc nhau rằng, dù đi đâu, ở đâu, làm gì, cũng xin đừng phụ bỏ làng quê, nơi chôn nhau cắt rốn một thời.
HOÀNG DUY