Hôm nay, cây nhãn cổ thụ cuối cùng trong khu vườn của ông ngoại đã bị đốn hạ. Tiếng cưa máy rít lên như tiếng xẻ lìa hai thế giới. Những mùn gỗ màu đỏ sậm tứa ra thành chùm dưới lưỡi cưa như máu. Rễ nhãn, cành nhãn bị cắt thành từng khúc sần sùi, ngổn ngang trên đất.
Những người trong họ muốn san bằng khu vườn để xây thêm lăng mộ. Mẹ và dì tôi không phản đối, nhưng rất buồn.
Cây nhãn, đã có mặt từ rất lâu rồi, từ khi ông ngoại vẫn còn là một cậu bé. Nếu có sự vật nào trên đời chứng kiến trọn vẹn cuộc đời của ông ngoại, hẳn là chỉ có cây nhãn. Tôi nhiều lần ước rằng, nó có thể kể cho tôi nghe thật chi tiết về cuộc đời của ông. Nhưng vì là một cái cây, nên nó chỉ trả lời bằng màu xanh đậm của những tán lá làm bóng mát, nó chỉ trả lời bằng những mùa quả ngọt. Nó chỉ trả lời, bằng sự hiện diện, như là vật duy nhất kết nối cuộc đời của nhiều thế hệ trong gia đình, dòng họ. Nó đã sống sót trong khu vườn, khi những cây khác lần lượt bị chết đi, hoặc bị đốn hạ. Nó đã ở lại bên ông, khi những người thân trong đời ông lần lượt rời bỏ ông. Nó vẫn ở đó, trong khu vườn, khi ông mất nhiều năm về trước. Và hôm nay, chính nó bị đốn hạ. Kỷ niệm cuối cùng về ông đã bị xóa bỏ.
Ông ngoại tôi mất khi tôi vừa mới lớn. Ông không sống cùng bà ngoại. Ông cũng không sống cùng gia đình hai cô con gái là mẹ tôi và dì tôi. Ông sống một mình.
Tôi nhớ, thỉnh thoảng ông ghé thăm, chúng tôi sẽ được thưởng thức những chiếc bánh bích quy giòn rụm, thơm lừng đựng trong chiếc hộp sắt màu đỏ. Mặc dù chúng tôi hơi sợ ông, nhưng những hộp bánh mà ông mang tới luôn làm chúng tôi háo hức và chờ đợi.
Mẹ sẽ làm thịt gà đãi ông, mẹ sẽ đi mua rượu nếp từ nhà cô Vân – người nấu rượu ngon nhất vùng. Lúc ngồi ăn, mẹ thường hỏi: “ngon không cha”, ông sẽ trả lời “tàm tạm”. Tàm tạm. Đó là lời khen. Mẹ bảo vậy. Lúc rất hài lòng, ông sẽ nói “tàm tạm” thay vì “rất ngon”, “rất tuyệt”. Ông kiệm lời khen, vì muốn con cái sẽ cố gắng nhiều hơn, để làm tốt hơn. “Tàm tạm” đó cũng là lời khen ông thường dành cho sinh viên của mình. Ông rất nghiêm khắc. Hẳn vì vậy, mà ông sống một mình cho đến cuối đời, trong căn nhà hiu quạnh. Bà tôi, sau khi chia tay ông, đã lấy một người khác, sinh thêm nhiều con và sống hạnh phúc với người chồng sau, mà mẹ và dì tôi vẫn gọi là “cậu”. Cậu chứ không phải là cha, hay là dượng. Bà có nhiều kỷ niệm với chúng tôi. Nhưng tôi không nhớ bà, nhiều như nhớ ông. Ký ức của tôi về ông rất ít ỏi, nhưng đủ mạnh để tôi nhớ hoài. Có lẽ vì cuộc sống cô đơn của ông. Có lẽ vì ông rất đặc biệt.
Ông là người tài hoa, nhưng sống khắc kỷ. Ông nghiêm khắc với chính mình và nghiêm khắc với cả những người chung quanh. Có lẽ vì thế mà ông khó tìm được sự đồng cảm. Ông sống một mình, nhưng nhà cửa, vườn tược luôn được chăm sóc gọn gàng sạch sẽ. Ông lấy việc nghiên cứu và viết sách là đam mê, lấy âm nhạc làm phong phú đời sống. Ông không có bạn thân. Tôi tự hỏi, ông có tình yêu sâu sắc với người phụ nữ nào không? Đối với tôi, đó vẫn còn là một bí mật. Tôi không được nghe kể về bất cứ mối tình nào của ông, ngoài việc, ông từng kết hôn với bà tôi do sự sắp đặt của hai bên gia đình. Tôi tự hỏi, vì sao một người phong độ và tài hoa như ông lại chọn cuộc sống cô độc đến hết đời?
Cây nhãn đã bị đốn hạ. Còn điều gì hiện diện để giúp chúng nhớ về ông nữa không? Tôi chợt nhớ ra cây dương cầm của ông. Mẹ đã cho người mang về và đặt ở góc phòng, cạnh giá sách sau ngày ông mất. Nhưng vì trong nhà không ai biết chơi đàn, cũng không ai có đam mê nên nó vẫn nằm đó nhiều năm nay mà chưa được đụng tới. Tôi mở hộp đàn ra, những phím trắng đã ố vàng. Tôi lấy tuyp kem đánh răng nặn một ít vào miếng khăn ướt rồi lau lên từng phím. Những phím đàn dần trở nên sáng bóng như một nụ cười. Trong tôi chợt bừng lên niềm vui khe khẽ. Có lẽ ngày mai tôi sẽ thử học chơi đàn.
VÂN THƯƠNG