Trong vấn đề hôn nhân gia đình, với những sự việc dù không hoặc có lý do chính đáng, trước hết cần phải xem chuyện đó “bình thường như cân đường, hộp sữa”. Mọi việc đâu còn có đó. Bất kỳ mâu thuẫn nào, cuộn len rối cỡ nào cũng có cách tháo gỡ. Nếu thật sự có lỗi, hãy thành thật nhận lỗi. Sự thành thật là một yếu tố cực kỳ quan trọng nhằm “xoa dịu tình hình” đang “cao trào” gây cấn. Mà khi người này đã nhận lỗi, thành thật xin lỗi, thiết nghĩ, người kia không nên “găng” mãi. Bất kỳ điều gì cũng có giới hạn của nó.
Minh họa: MINH SƠN |
Do mê nhậu nên thỉnh thoảng có buổi chiều, anh lại quên nhiệm vụ đón con. Lúc ấy, cô nhóc khóc bù lu bù loa khiến cô giáo phải đưa về tận nhà và không quên nhắc nhở phụ huynh cần “rút kinh nghiệm sâu sắc”. Mọi lời nói của cô giáo, chị truyền đạt đến tai chồng không thiếu một dấu chấm, dấu phẩy, dấu chấm than! Anh gật gù ra chiều thấm thía lắm, ăn năn lắm. Thế rồi, chỉ được vài hôm, sự việc lại tái diễn.
Bực mình quá. Lúc đi làm, chị nhất quyết không thèm nghe bất kỳ cuộc gọi nào của anh như mọi ngày. Liên tục các cuộc điện thoại, chị không nghe máy; nhắn tin chị cũng không thèm trả lời. “Hành hạ” bằng chiêu đó, chị hả hê lắm vì biết tỏng anh chồng đang lo sốt vó nên càng “lên mặt”!
Thế nhưng, chiều đó, chị quay về nhà thấy bốn bề lặng ngắt như tờ. “Ủa, chuyện gì vậy ta?”. Hoảng quá, chị gọi điện thoại, nhắn tin thì gặp ngay cuộc “trả đũa” ngoạn mục. Anh chồng lại “quăng cục lơ”. Mãi khuya, chồng mới lò mò chở con gái về nhà mà người ngợm nồng nặc mùi men.
Thế là một trận cãi vã nổ ra.
Lúc “hờn anh giận em”, người “cao tay ấn” phải biết sử dụng “chiêu trò” chừng mực, đúng liều lượng, đừng thái quá mà đôi khi không lường hết hậu quả. Chị bạn tôi “bật mí”: “Những lúc làm mình làm mẩy ấy, nếu “người ta” vẫn năn nỉ ỉ ôi bằng nhiều hình thức, dù không lộ ra mặt nhưng… trong lòng hả hê, khoái trá lắm”. Nghe kỳ cục chưa? Chẳng kỳ cục gì, vì họ thừa biết do mình đang “có giá”. Tuy nhiên, đừng tưởng cứ “trơ như đá, vững như đồng” là càng “sáng giá”, càng “lên giá”.
Không đâu. Ông bà ta thường dạy: “Già néo đứt dây”.
Có chuyện do sự hiểu nhầm nên anh giận chị suốt mấy ngày liền. Giận cũng đúng thôi, bởi trên Facebook chị đột ngột post: “Xin thông báo làng trên xóm dưới, từ hôm nay, tớ gia nhập hội độc thân”. Chà, hàng trăm like, comment “dội bom” tới tấp vào “nhà” của chị. Lời chia buồn lẫn chúc mừng loạn xà ngầu khiến anh chồng nóng mặt chẳng hiểu mô tê ất giáp! Bạn bè còn điện thoại hỏi han anh nguyên cớ vì sao ra nông nổi đó?
Thật ra, chị tinh nghịch muốn “câu view”, giải “sì-trét” lúc bồng bột đấy thôi. Cảm thấy đùa nghịch ấy quá trớn, chị vội xóa ngay status đó. Nhưng anh vẫn giận. Xin lỗi hết lời, năn nỉ gãy lưỡi nhưng anh vẫn giận cho rằng việc làm ấy xúc phạm đến danh dự cá nhân, mối quan hệ họ hàng, xã hội… Sau khi tuôn một tràng nước mắt tưởng chừng ngập cả biển Đông nhưng anh chồng vẫn quyết không “hạ nhiệt”, thế là chị ẵm con tếch luôn về ngoại!
Nếu có cách giải quyết “cương nhu” hài hòa, sự việc sẽ kết thúc “có hậu”. Chẳng hạn, lần kia cô nàng về quê chơi dăm hôm nhưng không nói trước một câu nên anh đùng đùng nổi cơn ghen rồi… giận. Sau khi nghe những lời “thanh minh thanh nga” cũng xuôi tai, anh bèn “chín bỏ làm mười”, chỉ dặn dò: “Lần sau có đi đâu xa, nhớ báo anh một tiếng để anh an tâm”. Câu nói ấy khiến cô xúc động và yêu anh hơn vì có thương, có yêu nên mới bực bội, trách móc; nếu không, anh ấy chẳng việc gì phải khổ sở, lo âu. Lúc ấy, nếu anh chàng “làm căng” quá chắc chắn cô sẽ “bỏ của chạy lấy người” bởi chưa vợ chồng đã thế, huống gì sau này?
Nhiều người va phải trường hợp này, hầu như ai cũng có tâm lý: “Đã xin lỗi, đã “xuống nước” rồi mà vẫn chưa hài lòng ư? Thế thì làm luôn cho bõ ghét”. Thế là sự hòa giải thêm khó. Tình hình xấu đến độ “đứt đuôi còn nòng nọc” chứ còn gì nữa? Sự bất hòa nào cũng có thể “lập lại trật tự” như trước, nhưng nếu cách xử lý vụng về có thể đẩy cả hai rơi thỏm luôn xuống hố! Nguyên do, không phải họ đã hết yêu, hết thương mà chính là sự tự ái, “cái tôi” lớn quá. Cứ nghĩ người kia sai lè lè, còn mình chỉ từ đúng đến đúng nên mới kiên quyết đến cùng!
Trong đối nhân xử thế, có thể sự kiên quyết ấy chưa hẳn sai, nhưng tình cảm vợ chồng lại khác. Bởi mối quan hệ ấy không chỉ là “lý” mà còn là “tình”. Tình cảm ấy đã từng sâu đậm theo năm tháng nên cần cân nhắc, nhìn nhận vấn đề bằng sự khoan dung hơn. Chính thái độ, cách ứng xử sẽ quyết định sự tồn tại của mối quan hệ đã gắn bó lâu dài. Có thể, chỉ là u ám thoáng qua mà cũng có thể trở thành giông tố ầm ầm. Đừng bao giờ “việc bé xé ra to” để rồi có lúc tự trách: “Giá mà…!”.
LÊ MINH QUỐC