Ai rồi cũng khác

Thứ Sáu, 05/03/2021, 19:54 [GMT+7]
In bài này
.

Tôi có một lời hứa cũ như mấy cái chung cư đã muốn đổ xuống vì thời gian xây dựng quá lâu, đó là đưa em đi chơi sở thú. Lời hứa chạy vòng vòng trên những mái nhà, trôi qua mấy cơn mưa, lách qua mấy hàng cây rồi biến mất, mãi đến nay tôi vẫn chưa đưa em đến nơi đó được. Còn em thì đa sầu đa cảm, xem phim tới đoạn hai người yêu nhau phải chia tay vì bị ba mẹ ngăn cấm, ba cô gái gặp riêng người yêu của nàng, bảo rằng nếu tiếp tục gặp mặt con gái ông ta thì ông ta sẽ làm cho cả gia đình chàng tan cửa nát nhà, thế là em khóc. Ra đường, nhìn thấy mấy người bôi thuốc đỏ khắp nơi, dùng vải cột tay giả bị thương, mếu máo kêu lòng thương cảm, em động lòng. Nói chung em là một cô gái yếu đuối và thương người. Vì thế em giận tôi vì chưa đưa em đi sở thú.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Chính vì em yếu đuối mà tôi yêu em, yêu ngay giây phút gặp lần đầu, yêu không suy tính. Em không hỏi: “Tại sao anh chọn em mà không chọn vô số cô con gái đang vây quanh anh?”. Mà lại hỏi: “Anh có còn yêu cô Yến không?”. Cô Yến mà em nhắc tới không phải là con chim yến hay làm tổ trên nóc mấy tòa nhà cao tầng, mà là cô bạn học cũ của tôi ngày xưa. Ngày xưa, thuở khờ khạo ấy ai lại không từng yêu, không từng xô dạt trái tim mình về phía một nụ cười, về một mái tóc bay bay hay đôi khi chỉ bởi một cái nắm tay rất đỗi vô tình trong đêm hội gặp mặt. Tôi bảo với em: “Đó là quá khứ, điều quan trọng chính em mới là hiện tại”. Em cười, em ôm tay tôi, em ngã đầu lên vai tôi: “Vai anh rộng thật, em sẽ dựa vai anh suốt đời”. Nói thế, nhưng thật ra với em thì người chồng của em phải thật hoàn hảo, có nghĩa là khi đã là chồng của em thì không được tơ tưởng tới bất cứ một nhan sắc nào bên ngoài. Em không hiểu rằng với tôi, dẫu không còn tình yêu với Yến, nhưng Yến là cô bạn tốt. Trong thuở cơ hàn, chính Yến đã lo cho tôi từng gói mì gói khi không còn một đồng dính túi để có một bữa no. Ngay cả khi thi học kỳ, không có tiền đóng học phí, chính Yến đã đóng dùm. Tình yêu thuở sinh viên rất trong sáng và không hề vướng bận một chút toan tính nào. Rồi Yến theo gia đình định cư ở Mỹ, ở môi trường sống mới đó, Yến thành con người khác, giống như tôi đã đọc được đâu đó câu này: “Ai rồi cũng sẽ đổi thay, chỉ là nhanh đến mức choáng váng hoặc là chậm đến mức không nhận ra… Ai rồi cũng khác”.

Rồi tôi nghe tin Yến lấy chồng, là một anh chàng người Việt theo gia đình định cư bên đó trước Yến. Lạ là tôi không buồn, tôi vẫn bình thường đến cơ quan làm việc, vẫn sáng ra quán cà phê quen nhâm nhi từng giọt đắng, vẫn thích đi bộ trên những con phố vắng để dẫm những chiếc lá vàng đang rướn mình muốn chạy theo những giấc mơ. Nhưng trong lòng tôi nhói đau.

Tôi gặp em ở đó, ở chỗ tôi vừa đi qua một thảm lá vàng. Hôm đó em dắt con chó Singer ra khỏi nhà thì bị sút dây, có lẽ nó không quen với tiếng xe cộ nên lao đầu chạy thật nhanh. Em thoáng thấy tôi, em gọi: “Anh ấy ơi, anh bắt dùm con Singer cho em”. Con Singer giờ cũng theo em về nhà mới.

Trở lại chuyện đi sở thú cũng có lý do. Hôm hai đứa quyết định sẽ về ở với nhau chung một mái nhà, em bảo: “Cả đời em chưa hề thấy con cọp, em mới thấy nó ở trên phim ảnh hoặc tivi”. Tôi cười: “Hôm nào anh sẽ đưa em đi sở thú thăm con cọp”. Nhưng sở thú thì ở tận Sài Gòn, muốn tới Sài Gòn thì phải leo lên xe, phải đi miết trên con đường thẳng tắp, nhìn mù đất mù trời không hề thấy núi, rồi phải đi qua mấy chiếc cầu, phải đi qua bao nhiêu cái chợ. Nói chung là con đường dài ơi là dài, mà em thì không đi được xe đò. Em bảo: “Số em số sướng vậy đó anh, đi đâu thì phải đi xe lửa, đi máy bay hoặc cùng lắm là đi ô tô riêng”. Số em sướng nhưng em lại ở Sóc Trăng, nơi này chưa hề có đường xe lửa và không có sân bay. Vì vậy cách duy nhất là tôi chở em đi bằng xe máy. Nhưng đi xe máy thì nguy hiểm, ô tô riêng thì tiền đâu mà mua? Em cười: “Thôi đợi khi nào có đoàn xiếc về Sóc Trăng lưu diễn cũng được anh há”.

Đoàn xiếc vừa về Sóc Trăng lưu diễn thì Yến cũng về nước. Yến về nước là chuyện bình thường vì Việt kiều hàng năm vẫn về đó thôi. Nhưng Yến là tình yêu cũ của tôi. Bỗng dưng Yến gọi điện: “Anh Tuấn ơi, anh chở giúp em đi chùa Dơi nghe”. Tôi bảo với em: “Mai anh đưa Yến đi chùa Dơi em hén”. Em im lặng, mặc dù em vốn dĩ là cái loa phóng thanh, khi nào em cũng kể đủ thứ chuyện trên đời. Tôi xách xe ra khỏi nhà, em nói: “Anh đi thiệt hà?” Tôi trả lời: “Tối anh về đưa em đi coi xiếc, có đoàn xiếc thú diễn ở sân vận động, nghe nói họ có cả một con hổ biết biểu diễn”.

Em không đi xem xiếc thú. Em ghen, thì ai lại không ghen khi chồng mình lại đi tung tăng với người tình cũ, dẫu người tình ấy đã có chồng và chồng mình cũng đã có mình. Cách ghen của em khiến cho tôi biết rằng không có cái ghen nào giống như cái ghen nào. Em bảo khi tôi về nhà: “Ngày xưa cô Yến thích ăn gì? Anh bảo em nấu mời cô ấy tới ăn”. Tôi nhìn vào mặt em, em nói: “Không sao đâu mà, ai lại không có bạn bè, cô ấy cũng chỉ là bạn của anh thôi, phải không?” Em chủ động gọi điện cho Yến, giọng nói của em rất ngọt ngào như thể em không hề quan tâm rằng tôi và Yến đã từng yêu nhau: “Chiều thứ bảy chị tới nhà em ăn cơm nhá. Em bảo anh Tuấn… tới đón chị nghe”. Tất nhiên là tôi chẳng khờ khạo gì để em nấu ăn một mình mà đi đón Yến.

Buổi cơm tối diễn ra khá thân mật. Yến khá bất ngờ khi trên bàn có những món ăn Yến từng thích. Tỉ dụ như món chả cá thát lát hấp thìa là, mực nhồi thịt chiên, cá thu sốt cà. Yến ngạc nhiên, tôi còn ngạc nhiên hơn. Ngạc nhiên cả là em như vừa mới đi làm tóc về, mái tóc bồng bềnh làm cho gương mặt em rạng rỡ. Em ngồi bên cạnh tôi, dịu dàng gắp thức ăn cho Yến. Em nói như đang rót mật vào tai: “Anh Tuấn nhà em nói rằng ảnh chỉ thích món ăn em nấu. Ảnh bảo rằng ảnh cho em đi sở thú mà vẫn chưa cho em đi”.

Yến lên xe đi Sài Gòn ngày sau đó, em rủ tôi đi tiễn Yến. Xe lăn bánh, lao vào trong những chộn rộn của con đường. Em đưa tay vẫy trong nắng lóa sớm mai. Em đưa điện thoại của em cho tôi xem tin nhắn Yến gởi: “Chị cám ơn em. Chúc em luôn hạnh phúc”. Còn tôi thì nói: “Chiều nay anh đưa em đi xem xiếc thú, cho em thấy con cọp. Không biết có có… giống em không nửa”. Em nắm tay tôi thật chặt: “Ai rồi cũng khác. Anh nhỉ?”

Truyện ngắn của PHAN THỊ TẦN

;
.