Những ngày giáp Tết, hai bên tuyến đường trung tâm TT. Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) bày bán đủ loại trái cây “độc, lạ” phục vụ nhu cầu mua về chưng Tết của người dân như: bưởi, dưa hấu, dừa vẽ chữ thư pháp nổi, xoài, đu đủ in chữ thư pháp…
XOÀI, ĐU ĐỦ IN CHỮ THƯ PHÁP
Dừng xe trước quầy bán xoài, đu đủ in chữ thư pháp, anh Trần Ngọc Tú (ngụ xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) chọn mua 2 trái xoài, một trái khắc chữ Tài, một trái khắc chữ Lộc về chưng Tết với giá 100 ngàn đồng/trái.
“Trái cây in chữ tuy đắt chút nhưng mang nhiều ý nghĩa tốt đẹp nên hàng năm tôi đều mua về chưng với mong muốn năm mới gặp nhiều may mắn”, anh Tú chia sẻ.
Những trái xoài in chữ thư pháp mang nội dung tốt đẹp, may mắn được bày bán tại TT.Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc. |
Anh Nguyễn Minh Khánh (ấp Bình Thắng, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc), chủ quầy trái cây cho biết, vụ Tết Tân Sửu, anh đã chuẩn bị hơn 1.000 trái xoài và đu đủ in chữ thư pháp theo đơn đặt hàng của thương lái khắp nơi. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, một số đơn hàng tại TP. Hồ Chí Minh bị hủy, nên anh phải mang hơn 200 trái xoài và đu đủ ra bán lẻ.
“Giá bán thấp hơn năm ngoái 50 ngàn đồng/trái nhưng nghe báo, đài thông tin tình hình dịch COVID-19, tôi cũng lo, chỉ mong bán hết sớm để ngày 30 còn dọn dẹp nhà cửa đón Tết”, anh Khánh nói.
“KHOÁC ÁO MỚI” CHO DƯA HẤU
Bên cạnh những trái cây in chữ thư pháp, người bán trái cây còn vẽ chữ thư pháp lên trái dưa hấu, trái dừa, bưởi với những nội dung mang nhiều ý nghĩa may mắn: Tài, Lộc, Phúc, Chúc mừng năm mới… Những sản phẩm này cũng được nhiều khách hàng ưa chuộng.
Một trái dưa hấu được trang trí và vẽ chữ thư pháp. |
Là sinh viên năm thứ hai, Trường ĐH Tôn Đức Thắng (TP. Hồ Chí Minh), chị Nguyễn Thị Ái My (ngụ ấp Thanh Bình, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc) đã có 7 năm trong nghề viết chữ thư pháp. Qua đôi tay khéo léo của chị My, những trái dừa, bưởi, dưa hấu hay lon bia, lon nước giải khát - những vật phẩm thờ cúng dịp Tết trở nên sinh động, nhiều sắc màu và mang những thông điệp ý nghĩa.
Dưa hấu sau khi được trang trí có giá bán từ 350-450 ngàn đồng/cặp (tùy họa tiết), nếu khách mang đến nhờ vẽ chữ thì tiền công từ 70-100 ngàn đồng/trái; bưởi 150 ngàn đồng/trái; bộ 3 lon bia vẽ chữ thư pháp giá bán 100 ngàn đồng.
Dịp Tết Tân Sửu, chị Nguyễn Thị Ái My vẽ chữ thư pháp và trang trí trên gần 200 trái cây các loại. |
“Tranh thủ thời gian nghỉ Tết, tôi mua dưa hấu, bưởi, dừa về rồi phun sơn, vẽ chữ thư pháp phục vụ nhu cầu mua sắm chưng Tết của người dân. Những chữ được khách hàng đặt viết nhiều nhất là chữ Tài, Phúc, Lộc, Khang, An... Trong vòng 8 ngày giáp Tết, tôi đã vẽ chữ trên gần 200 trái các loại, cũng kiếm được một khoản tiền để trang trải cho việc học sau Tết”, chị My vui vẻ nói.
Chị Huỳnh Thị Thảo (ngụ ấp Tân An, xã Phước Tân, huyện Xuyên Mộc) nhận xét: “Các loại trái cây sau khi được trang trí và viết chữ thư pháp trở nên sinh động, truyền tải những lời chúc hay, ý nghĩa đến gia chủ. Đây là món quà ý nghĩa dành tặng người thân và bạn bè trong dịp Tết”.
PHẬT THỦ GIÁ CAO VẪN HÚT KHÁCH
Từ 26 tháng Chạp, bà Phan Thị Bích Trà (ngụ KP.Láng Sim, TT.Phước Bửu) đã bày bán gần 200 trái phật thủ tại khu vực đường hoa trung tâm huyện Xuyên Mộc.
Theo bà Trà, trái phật thủ được bà nhập hàng từ các tỉnh phía Bắc. Năm nay chi phí vận chuyển tăng do dịch COVID-19, phật thủ bán giá cao hơn năm ngoái 30 ngàn đồng/trái (từ 100-200 ngàn đồng/trái, tùy loại lớn nhỏ, hình dáng và màu sắc) nhưng người mua vẫn chấp nhận. Sau khi trừ chi phí, mỗi mùa Tết, bà Trà thu lời gần 10 triệu đồng, đủ trang trải sinh hoạt gia đình trong những ngày Tết.
“Theo quan niệm xưa, phật thủ là loại trái cây dùng để thờ Phật và gia tiên. Phật thủ có mùi thơm, tác dụng lưu giữ thần, Phật và gia tiên trong nhà lâu hơn nhằm phù hộ cho gia chủ nên được người tiêu dùng ưa chuộng”, bà Trà chia sẻ.
Bài, ảnh: ĐINH HÙNG