Ông già đưa mắt nhìn ra bên ngoài qua lớp cửa kính. Tuyết rơi trắng xóa. Tuyết bám trên mái nhà đối diện, trên những cành cây trơ lá như những bông hoa trắng khổng lồ. Vài ba người đang miệt mài dọn tuyết dưới sân.
Minh họa: MINH SƠN |
Đã năm, sáu năm hay lâu hơn nữa, ông già không còn nhớ. Ông chỉ nhớ cái ngày thằng con đưa mình vào đây cũng là một ngày tuyết rơi. Nó bảo ông vào viện dưỡng lão cho có bạn còn hơn thui thủi ở nhà với bốn bức tường, đau đầu chóng mặt ai hay. Nó nói cũng đúng. Ở cái xứ này, người ta phải miệt mài cày hai ba “job” thì thời gian đâu dành cho những người già cả như ông. Ông sẽ vào cho có bạn già theo ý nó, theo cách người ở xứ Mỹ. Nhưng hình như nó quên mất một điều trước khi đưa ông vào đây cho người ta chăm sóc. Với dăm ba câu tiếng Mỹ bập bẹ thì ông làm bạn với ai, trò chuyện với ai ngoài cô y tá ngày hai bận đến thăm ông. Đều đặn. Cố gắng hiểu. Nếu bây giờ ông đang ở Việt Nam. Ông sẽ đi sang hàng xóm, bên bình trà nóng hổi mà nói chuyện đông chuyện tây. Chuyện bên xứ này với những con lộ rộng thênh thang nhưng lòng người lạc lõng, những ngôi nhà không bao giờ ngõ sau để có thể thấy khói lam chiều bảng lảng. Ở xứ này người ta chỉ biết tiến lên phía trước mà không cho phép con người ta ngó lại sau hoài niệm. Đúng là khi chưa đi thì muốn đi cho biết, còn đi sang rồi thì đau đáu nhớ quê. Ông già thở dài.
Có tiếng bước chân ngoài hành lang càng lúc càng gần, ông già không buồn quay lại. Chắc cũng là cô y tá chứ ai nào khác... - Someone would like to meet Mr Tam.
Ông già nghe tiếng cô y tá quay mặt lại nhìn. Ông nheo cặp mắt muốn nhìn cho rõ xem ai đến. Lạ quá! Một thiếu phụ người Việt nhưng ông chưa từng gặp bao giờ. Mà cũng đúng thôi. Hơn mười năm sang đất Mỹ, ông đã mất hơn một nửa thời gian sống trong viện dưỡng lão thì có gặp mấy người Việt được đâu.
Người thiếu phụ gật đầu chào ông rồi lên tiếng:
- Bác là bác Tâm. Ngày xưa ở xóm Giá?
- Chị là ai? Sao lại biết tôi? Ông già ngạc nhiên hỏi lại.
Người thiếu phụ cười:
- Con là... con bà Thu ở xóm Giá đây.
Ông già nheo mắt suy nghĩ. Một lát sau dường như đã nhớ ra là ai. Ông reo lên:
- A... bà Thu ở cuối xóm phải không?
Người thiếu phụ gật đầu làm đôi chân mày của ông giãn ra. Hóa ra người cùng xóm với ông ngày trước.
Xóm Giá nằm ven dòng sông Đôi. Hai nhánh sông bắt nguồn từ nơi nào ông không biết nhưng khi đến xóm Giá lại nhập thành một, nên người dân cứ theo đó mà gọi sông Đôi. Hồi còn nhỏ, ông vẫn thường nghe các cụ cao tuổi trong xóm kể về sông Đôi. Nhánh sông bên trái là sông đực, bên phải là sông cái, rồi nhập lại thành đôi. Người dân xóm Giá uống nước sông Đôi, tắm dòng sông Đôi mà lớn sẽ luôn có cặp có đôi dù đời có lận đận bao nhiêu. Sau này lớn lên, ông bắt đầu ngờ ngợ về câu chuyện này. Xóm Giá được mấy người thành đôi. Không phải vì phụ nữ trong xóm cứ phải sống thui thủi một mình nên mới có tên xóm Giá hay sao? Bởi vậy bọn trẻ chăn trâu như ông ngày trước hay đọc “Xóm Giá nằm cạnh sông Đôi/ Đàn bà con gái lại ngồi ngó nhau”.
Sông Đôi ngày đó có một bến đò nằm ngay đầu xóm, bến đò xóm Giá. Giữa thời loạn lạc, những chàng trai xóm Giá cứ lần lượt ra tiền tuyến nên những người chèo đò đưa khách qua sông cũng toàn là phụ nữ. Họ đưa người đi sang sông rồi ở lại bến đò mong ngóng người về. Lầm lũi. Đáng thương.
Ông già cũng từng nối gót ra tiền tuyến khi tuổi đời vừa mới đôi mươi, để lại lời hẹn với cô thôn nữ chèo đò tên Nhàn; Đợi tôi. Chiến tranh kết thúc, tôi sẽ về nhà cưới Nhàn.
Chiến trận liên miên, những lần hành quân hết nơi này đến nơi khác đã chia cắt liên lạc giữa ông với Nhàn. Đến ngày ông giải ngũ cũng là lúc ông quyết định ở lại kết duyên với cô hộ lý từng chăm sóc ông ngày nào. Cuộc sống sau ngày giải phóng khó khăn cộng với ở quê cũng không còn ai nên chưa lần nào ông về lại. Giờ nghe người thiếu phụ nhắc lại đến xóm Giá. Bao nhiêu ký ức cũ lại ùa về.
***
Ông già quyết định về Việt Nam, mặc cho thằng con ông khi biết chuyện không đồng ý. Nó bảo ông tuổi đã gần bảy mươi, đi lại khó khăn, giờ ở Việt Nam cũng đâu còn ai thân thích thì về làm gì? Ở trong viện dưỡng lão có buồn quá thì Giáng sinh nó đón về rồi sang đầu năm mới vào lại trong đó. Mặc kệ. Nó không làm thì ông nhờ cô y tá lo thủ tục, mua vé máy bay cho ông về Việt Nam. Cái quyết định này của ông chỉ diễn ra sau khi Thủy vào thăm ít hôm.
Thủy bảo hồi còn ở xóm Giá vẫn nghe kể chuyện ngày xưa trong xóm, cả câu chuyện của ông và bà Nhàn. Bà Nhàn giờ cũng chỉ ở một mình sau khi chồng mất, không con không cái, chiều chiều lại hay ra chỗ bến đò cũ mà ngồi hóng mát. Không biết bà còn nhớ nghề, nhớ bến đò hay nhớ người xưa, dù rằng chỗ đó bây giờ người ta xây cầu Đôi bắc ngang rồi. Mà ở xóm Giá ai cũng nghĩ ông chết trong chiến tranh chứ nào ngờ dạt sang tận bên này. Hôm gặp đồng hương ở Seattle, con trai ông cũng có mặt nên biết ông ngày xưa từng ở xóm Giá. Vậy nên Thủy mới vào viện dưỡng lão thăm khi tiện đường ghé ngang đây.
Chiếc taxi khởi hành từ sân bay đưa ông già gần bảy mươi tuổi về lại quê xưa. Cậu tài xế vừa lái xe vừa nói: Bây giờ ở Việt Nam không thiếu thứ gì. KFC, Burger King, Pizza Hut chễm chệ trên nhiều góc phố. Starbucks, Mc Donald’s, 7Eleven cũng vào. Rồi Mango, Zara, H&M... Vài năm nữa, metro xây xong, chắc chắn cũng không thua kém xứ người là bao. Ông gật gù tỏ vẻ đồng ý dù rằng cái “xứ người” trong ông nó cũng chỉ bé như lòng bàn tay. Ông có đi đâu nhiều ngoài quanh quẩn mấy tuyến phố ở Seattle rồi... viện dưỡng lão.
Xe chạy gần tới nơi, ông kêu người tài xế cho ông xuống bến đò xóm Giá. Nhìn bộ dạng ngơ ngác của cậu tài xế, ông bật cười. Ông quên mất là bến đò không còn. Bây giờ phải xuống cầu Đôi mới đúng. Xóm Giá rồi sông Đôi bây giờ ra sao? Ông già cũng không hình dung ra được nữa. Không biết có chút gì giống ngày xưa khi ông từng ở đây không? Ông già tự nhiên thấy hồi hộp.
***
Ông già chọn một góc hơi khuất trong quán cà phê nằm gần chân cầu để đưa bà Nhàn vào. Thường thì quán cà phê này chỉ dành cho những người ra sông câu cá giải trí vào đây ngồi uống nước, hay đám choai choai tán dóc với nhau. Từ đây ngó sang bến đò cũ, nay là công viên cây xanh chỉ một khoảng vài mươi mét. Ông đi trước, bà khép nép theo sau cố tránh cặp mắt tò mò của mọi người. Ông nhìn bà Nhàn cười:
- Mình ngồi nói chuyện bình thường chứ có khuất tất gì đâu mà bà ngại. Làm như mấy chục năm về trước không bằng?
Bà ngượng ngùng khẽ bảo:
- Cái ông này... ở xứ Mỹ rồi học cách của người Mỹ. Chứ xứ mình nó kì lắm. Ai đời già cả lại ngồi quán xá thế này.
- Thế già thì không được ngồi quán xá, không được ngồi nói chuyện với nhau hả? Mà ngồi đây tôi với bà mới có thể nhìn bến đò cũ được. Xóm mình giờ khác quá bà nhỉ?
Bà Nhàn gật đầu. Ngay cả bà sống đây cả đời người còn nhìn thấy huống hồ chi là người gần năm mươi năm mới tìm về chốn cũ như ông. Hôm ông đến tìm, bà cũng không nhận ra là ai? Hồi yêu nhau chỉ là những cô gái chàng trai mười tám đôi mươi còn giờ tóc trắng da mồi, cũng như xóm Giá, sông Đôi bây giờ khác hẳn. Mái nhà lụp xụp được thay thế bằng những ngôi nhà kiên cố khang trang, con đường cứ đến mùa mưa là sình lầy tận cẳng chân cũng đã bê tông hóa. Rồi đám lau sậy um tùm ven sông biến đâu mất tích, thay vào đó là bờ kè. Chỉ có gốc đa cổ thụ mà ngày xưa khách đi đò hay ngồi nghỉ vẫn còn, nay nằm bên trong công viên.
Người phục vụ bước tới. Ông gọi cho mình một ly cà phê và một ly trà Lipton cho bà. Bà cằn nhằn:
- Già rồi uống cà phê không tốt đâu.
Ông phì cười:
- Thì bà phải cho tôi uống cà phê bên mình chứ về lại bên đó đâu còn dịp uống.
Bà Nhàn nhìn ông buồn buồn:
- Lúc nào ông về lại bên đó?
- Chắc cuối tháng này... Giọng ông già trầm hẳn xuống. Từ ngày về Việt Nam, ông thấy vui, sức khỏe cũng tốt hơn hẳn. Ông hết đi thăm láng giềng xưa thì ghé đến thăm bà, giúp bà dựng lại cái chuồng gà, vun mấy liếp rau. Về đây dang nắng mà ông chẳng bệnh tật gì, khác xa hồi ở bển cứ dăm hôm là đổ bệnh dù ngồi yên một chỗ trong viện dưỡng lão.
Bà Nhàn hỏi tiếp:
- Sao không đợi ăn Tết bên này luôn rồi hẳn về?
- Tôi cũng muốn ở lại đây ăn Tết nhưng không kịp. Thôi thì sang năm...
Bà Nhàn nhìn ông không giấu được vẻ vui mừng:
- Ông tính sang năm về tiếp à?
- Không phải về tiếp mà về luôn. Tôi sang đó thu xếp rồi về đây làm đôi bạn già với bà có được không?
Bà liếc xéo ông tựa như hồi mới biết yêu:
- Việt kiều không muốn lại muốn về đây làm nông dân.
Ông lại cười:
- Nông dân thì dù có đi đâu cũng vẫn là nông dân. Đâu cứ khoác lên mình bộ trang phục khác, ở xứ khác thì mình thay đổi được. Mà tuổi già có đi đâu rồi cũng muốn về lại quê hương, về lại sông Đôi.
Cả hai ông bà cùng nhìn ra sông Đôi. Vài tia nắng buổi chiều còn sót lại chiếu xuống loang loáng, nhuộm vàng khúc sông. Câu chuyện về sông Đôi mà ông già nghe hồi bé thêm lần nữa quay về trong trí nhớ của ông. Bên tai ông, bản nhạc Xuân từ chiếc loa trong quán cà phê lại vang lên rộn ràng…
NGÔ QUỐC VIỆT