.

Từ trong làng đá

Cập nhật: 18:58, 04/12/2020 (GMT+7)

Chập choạng chiều tôi đi trong gió, nghe rõ bên tai mình từng tiếng lách cách, leng keng. Bóng núi nghiêng nghiêng giang tay ôm choàng bóng tôi, bóng đá. Tôi trong làng đá.

Làng đá Phước Hòa (Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu) nằm dọc theo QL51, tuổi vừa xấp xỉ năm mươi, có vẻ quá trẻ con khi so cùng Non Nước, Bửu Long... Bên này gió thổi rào rạt, sóng nước mênh mông từ dòng sông Thị Vải. Bên kia sừng sững đỉnh núi Ông Trịnh che nắng, che mưa. Tựa hồ làng đá nằm giữa để “cha núi mẹ sông” ôm ấp vào lòng ngày một lớn lên, được ghi tên trên bản đồ những làng nghề trong nước. Gọi là làng nhưng làng đá Phước Hòa không nằm ở quê mà trong phường, trong phố; không tụ lại quây quần mà rải rác từ lộ vào sâu chân núi. Làng thời nay đã khác làng xưa...

Từ trong làng đá, tôi nghe đá khóc, đá cười, đá thầm thì nhớ núi. Những khối đá ngủ quên trong lòng núi triệu triệu năm bỗng một ngày được bật lên mà đem cưa, đem xẻ. Đá vụn vỡ; đá lách cách, leng keng, lẹt xẹt dưới đôi tay người theo từng quai búa, lưỡi cưa... Từng mảng rơi xuống đất lạo xạo bước chân như mảng da, lớp thịt vừa bong ra khỏi cơ thể của mình. Đá đau. Rồi khi đá xuất hiện trong hình hài mới thì lấp lánh long lanh. Đá lại mỉm cười. Đá lột xác như cách người ta phẫu thuật thẩm mỹ để biến một cô vịt xấu xí thành nàng tiên, có quằn quại cũng là điều hiển nhiên trước lúc mỉm cười.

Từ trong làng đá, tôi thấy muôn sắc muôn màu; đá xám trắng Phước Hòa, đá đen Huế, đá xanh Thanh Hóa, đá đỏ Bình Định, đá ruby Ấn Độ, đá tím Mông Cổ,... tụ về đây rồi sau này tỏa đi muôn hướng. Đá bước vào nhà. Đá ra công viên. Đá đến chùa chiền. Đá viền hè phố. Đá sang tận trời Âu xa xôi hay về nơi người đang yên nghỉ. Bàn tay, khối óc và cả những những giọt mồ hôi được vắt kiệt đến giọt cuối cùng của người thợ, nghệ nhân mà “thổi hồn” vào đá. Miệt mài, tỉ mỉ trên từng chi tiết nhỏ. Nếu không hiểu và yêu liệu rằng người ta có thể? Hiểu đá thì mới biết vân đá, thớ đá nằm đâu mà chiều theo ý đá. Yêu đá thì mới đưa tâm mình vào đá, cho đá có cốt có thần. Đá là tri kỷ, người yêu.

Có lần tôi hỏi anh Minh, người trong “nghề” đã hơn hai chục năm: Có bao giờ anh nghĩ chuyện bỏ nghề hay không?. Anh cười: Như cái nghiệp rồi em. Làm sao bỏ được. Chỉ khi mình không còn sức nữa để làm.

Ừ... Đã là cái nghiệp thì cả đời gắn liền với đá; từ ngày đôi tay mình biết cầm máy mài, máy cắt, cái đục, cái búa, cái nêm đến khi không còn nhấc lên được nữa. Chẳng ai trong số những người thợ đá làng đá có thể biết mình làm ra bao nhiêu cái bàn, cái ghế, bức tượng trong đời mình. Nhưng biết đâu có một ngày bước đến ngôi chùa hay thánh đường nào đó để hướng lòng mình về đấng thần linh. Bất chợt nhìn những pho tượng đá uy nghiêm tại đó lại thấy những nét thân quen, sẽ lại mỉm cười, ngày đó ta làm nay lại nơi đây.

Từ trong làng đá, tôi ngước lên nhìn. Thấp thoáng phía xa vài dãy nhà nằm gần chân núi. Dân “ngụ cư” tứ xứ đổ về; Nam Định, Ninh Bình, Nghệ An, An Giang, Đồng Tháp,... quây quần thành từng xóm nhỏ. Mái lá vẹo xiêu trong gió chiều hun hút, lất phất lơ phơ theo những mảnh đời phiêu dạt về đây, bỏ lại nơi quê mẹ già, vợ trẻ, con thơ mà chấp nhận sống đời tạm bợ. Yêu đá!...

Người ta gọi những người thợ đá trong làng nghề là “nghệ nhân”. Hai tiếng ôi sao mà cao quý, vinh dự đến thế. Nhưng mấy ai nhìn thấy “nghệ nhân” đang gò mình trên từng bức tượng, cái lư,... trong một không gian tràn ngập bụi bẩn. Đá bám lên đầu trắng thêm màu tóc. Đá chui vào người để lại tiếng ho sặc sụa giữa đêm dài trở lạnh. Đá vắt kiệt sức người. Người làm đá đau, người cũng đau vì đá.

Tôi đứng lại khi màn đêm buông xuống. Tiếng ồn ào cũng thưa dần khi những ngọn đèn đường bật sáng. Lớp bụi đá vẫn còn quyến luyến chưa tan mà cuộn dưới bóng đèn như một màn sương mỏng. Trên núi, tiếng chuông chùa ngân lên từ nhặt đến thưa nhắc nhở một ngày đã qua đi, tạm rời xa những xô bồ để tìm giây phút an nhiên.

Từ trong làng đá, liệu rằng có được an nhiên...

QUỐC VIỆT

.
.
.