Về thăm nhà sau những tháng ngày bôn ba nơi đất khách, chợt cảm thấy thanh thản đến lạ kỳ. Ba, mẹ và những người thân trong gia đình dù ít nhiều thay đổi nhưng nhìn họ vẫn khỏe mạnh làm lòng tôi thêm vui. Vết chân chim hằn trên trán, đuôi mắt của những người mà tôi yêu quý dường như tan biến đi bởi những cái ôm hôn thắm thiết. Ba cốc đầu tôi bảo: “Tính không về nhà luôn hả ông tướng”. Mẹ thì trách yêu: “Tóc mẹ bạc hết rồi đây này”...
Buổi sáng ra thăm vườn, cốt là để hít thở bầu không khí trong lành của phong cảnh làng quê mộc mạc. Bất giác nhìn mẹ ngồi róc từng bó lá dừa làm tôi nhớ da diết cái tuổi thiếu thời để đầu trụi lủi. Vẫn góc quê ấy, nơi làm việc của mẹ mỗi buổi sáng-chiều. Hồi đó, anh chị em tôi hay quẩn quanh bên góc sân này nô đùa. Mẹ thì ngồi chặt củi, chằm lá, chằm nón, đan rổ... say mê. Khoảng sân thật lý tưởng để mẹ làm bao nhiêu là việc. Sở dĩ mẹ chọn chỗ này vì phía sau có cả rừng trái cây nào là ổi, xoài, mận... sẵn sàng che nắng khi ông mặt trời chói chang. Cả những lúc tôi buồn ngủ, cũng có cánh võng sẵn sàng đong đưa mát mẻ. Góc quê còn là nơi gói bánh, phơi mứt lý tưởng vào dịp giỗ, Tết. Dù vậy cũng thật khó chịu với lũ gà phá bỉnh, hay khiến công việc của mẹ rối tung lên.
Góc quê còn là nơi để mẹ trồng những loại dây leo ăn trái. Khổ qua, dưa leo, bầu, bí trở nên xanh mướt hơn nhờ bàn tay khéo léo, đảm đang của mẹ. Cả một không gian trong lành sau lưng nơi mẹ ngồi làm việc, được mẹ rào chắn kỹ càng để ngăn không cho lũ gà, vịt vào rỉa đọt. Thỉnh thoảng tôi vẫn lén mẹ thò tay vô hái những quả dưa leo bé tí đưa lên miệng nhai rào rạo. Mẹ trồng chẳng những để cải thiện bữa cơm gia đình mà còn mang ra chợ bán. Dù rau ngày đó bán chẳng được mấy xu nhưng đủ để mẹ mua quà bánh và cho tiền anh chị em chúng tôi đi học mỗi ngày.
Đã nhiều lần ba đề nghị mẹ chuyển chỗ để xây nhà kho, chứa nông cụ và phân thuốc. Mẹ không đồng ý. Đơn giản vì mẹ thích làm việc ở chỗ này. Nó vừa là một kỷ niệm đẹp, vừa là hình ảnh quen thuộc để mẹ lao động hiệu quả hơn. Mẹ bảo ba: “Tôi quen chỗ này rồi ông ạ. Ngồi làm ở đây tôi thấy thoải mái hơn, vui hơn. Cứ nghĩ tới lũ con mình hồi lúc nhỏ chạy tung tăng quanh sân là tôi hạnh phúc lắm. Đừng xây bất cứ thứ gì ở đây nghen ông!”. Ba chiều ý mẹ nên thôi.
Giờ thì mẹ già rồi, không còn trồng rau, cũng chẳng đan chằm được nữa. Nhưng đều đặn mỗi ngày mẹ vẫn ra góc quê ấy để róc lá dừa, chặt củi mang vào nhà bếp. Mẹ bảo: “Mẹ làm không phải vì tiết kiệm tiền gas mà mẹ muốn chính nơi đây mẹ thấy tụi con hồi thơ bé. Giờ lớn hết rồi, đứa nào cũng bỏ ba bỏ mẹ mà đi xa”. Tôi nghẹn đi vì câu nói ấy. Lòng tự hỏi, người trẻ kiếm tìm gì ở một nơi xa quê, xa những kỷ niệm đẹp, xa những người luôn yêu thương ta? Quẩn quanh mãi vì danh vọng, vì tiền tài, để đến một ngày lá rụng cũng trôi về cội về nguồn.
TRUNG THÀNH