Khai hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu
Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu năm nay diễn ra từ ngày 2 đến 4/10 (từ ngày 16 đến 18/8 âm lịch). Với nhiều nội dung đặc sắc ở cả phần lễ và phần hội, Ban tổ chức kỳ vọng Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu sẽ thu hút đông đảo du khách thập phương về dự.
Đoàn diễu hành trên đường phố với mô hình cá Ông trong Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu. Ảnh: THÙY VÂN |
Lễ hội Nghinh Ông bắt nguồn từ tín ngưỡng vật tổ của cư dân vùng ven biển. Những người dân vùng ven biển tôn thờ cá Ông (cá Voi) thành một vị thần linh thiêng, là chỗ dựa tinh thần mỗi khi gặp sóng to gió lớn, thuyền bị đắm, con người đối mặt hiểm nguy. Hàng năm, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, bà con cư dân ở các làng chài đều tổ chức lễ hội Nghinh Ông: Xã Bình Châu (huyện Xuyên Mộc), thị trấn Phước Hải (huyện Đất Đỏ), thị trấn Long Hải (huyện Long Ðiền), TP. Vũng Tàu với ý nghĩa cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, được mùa cá tôm.
Trong đó, lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu từ năm 2010 đã được nâng cấp về quy mô, đặc biệt là phần hội với nhiều trò chơi dân gian để thu hút khách du lịch. 9 năm qua, từ khi được nâng cấp về quy mô, hoạt động diễu hành trên bộ và các trò chơi dân gian, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu ngày càng trở thành một lễ hội hấp dẫn, thu hút sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân.
Phần lễ vẫn giữ truyền thống với những nghi thức trang nghiêm. Ở phần hội, người dân, du khách thỏa sức hòa vào không khí náo nhiệt của những trò chơi dân gian mang đậm nét đặc trưng của nghề biển: đan lưới, câu cá, kéo co, đẩy cây… Các trò chơi dân gian của lễ hội không chỉ thể hiện những nét đẹp văn hóa miền biển mà còn đáp ứng được nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân địa phương và hấp dẫn khách du lịch. Đặc biệt, những điệu hát, điệu múa trong lễ hội như: hát bội, hát bả trạo hay những màn trình diễn văn hóa đặc trưng của đám hội là múa lân - sư - rồng và đám rước, diễu hành từ biển Bãi Trước qua một số tuyến đường chính về Đình thần Thắng Tam với mô hình sinh vật biển và cá Ông cũng góp phần tạo nét hấp dẫn của Lễ hội.
Ông Trương Văn Khôi, Trưởng Ban quản lý di tích Đình Thắng Tam cho hay, những năm trước, người tham gia lễ hội chủ yếu là ngư dân trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Từ khi lễ hội được nâng cấp, rất đông người dân và khách du lịch trong và ngoài nước đến đình thần Thắng Tam cúng viếng, tìm hiểu và tham dự lễ hội. “Năm nay, lễ hội diễn ra đúng dịp cuối tuần nên chúng tôi kỳ vọng sẽ thu hút nhiều người đến dự hơn những năm trước”, ông Khôi bày tỏ.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND TP. Vũng Tàu, Trưởng Ban tổ chức lễ hội, năm 2000, Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu đã được Bộ VHTTDL chọn là 1 trong 15 lễ hội cấp quốc gia. Hiện nay, tỉnh BR-VT đang đề nghị Bộ VHTTDL đưa Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Thông qua việc tổ chức lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu, UBND TP. Vũng Tàu muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, giáo dục giới trẻ ghi nhớ các phong tục, tập quán tốt đẹp của cha ông. Đồng thời, TP. Vũng Tàu cũng hướng đến mục tiêu đưa Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu thành sản phẩm du lịch đặc sắc của địa phương, qua đó thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến Vũng Tàu.
“Lễ hội năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt: ngành du lịch đã và đang chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Hiện nay, dịch bệnh tuy đã được kiểm soát nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ. Vì vậy, Ban tổ chức cũng chú trọng thực hiện biện pháp phòng chống dịch, bảo đảm lễ hội diễn ra chu đáo, trang trọng an toàn. Đây cũng là dịp để thu hút du khách đến với địa phương, góp phần tăng lượng khách và doanh thu cho ngành du lịch”, bà Thu Hương nhấn mạnh.
AN NHIÊN
Phần lễ của Lễ hội Nghinh Ông Thắng Tam Vũng Tàu gồm các hoạt động: Nghinh Ông trên biển với nghi thức nghinh long vị Ông Nam Hải trên biển. Theo đó, đoàn tàu thuyền xuất phát từ cảng Cầu Đá tiến về hướng mũi Nghinh Phong, đến trước khu vực miếu Hòn Bà thì dừng lại tiến hành tế lễ. Sau khi làm lễ xong, đoàn tàu trở về bờ rồi hòa cùng đám rước diễu hành qua các tuyến đường: Quang Trung-Bacu-Trần Hưng Đạo-Hoàng Hoa Thám về Đình thần Thắng Tam. Trong những ngày diễn ra lễ hội có các nghi thức: cúng giỗ Tiền hiền và các anh hùng liệt sĩ; lễ thỉnh sắc thần từ ngôi Tiền hiền vào lăng Ông; chánh lễ cúng tế Ông Nam Hải; lễ xây chầu đại bội; trình diễn tuồng cổ. Phần hội gồm các trò chơi dân gian diễn ra vào 8 giờ 30 ngày 2/10: thi câu cá tại bờ kè biển nhà ga cáp treo Vũng Tàu. Phần hội khai mạc lúc 16 giờ ngày 3/10 tại Công viên Cột cờ (Bãi Sau) với các môn: kéo co nam nữ; đẩy cây nam; cờ caro trên cát, đan lưới. Phần hội sẽ bế mạc vào 19 giờ ngày 4/10. |