Tại đêm văn nghệ gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung bị ảnh hưởng bởi lũ lụt do Nhà Văn hóa Thanh niên phối hợp Cộng đồng nghệ sĩ tỉnh BR-VT tổ chức tại sân khấu Hoa viên Trưng Vương, TP.Vũng Tàu tối 19/10, hàng trăm khán giả có mặt đã rất xúc động khi lắng nghe ca khúc “Có còn ai không” của nhạc sĩ Hoàng Lương.
“Còn ai không, còn ai không, có còn ai không?” - ca khúc mở đầu bằng 3 câu hát, 3 bè khác nhau, như tiếng gọi vang vọng của lực lượng cứu hộ gọi 13 cán bộ chiến sĩ gặp nạn khi đi cứu nạn, tìm người mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 (Thừa Thiên Huế) và khiến tất cả lặng đi. Tiếp đó là lời gọi đầy tha thiết, với những tia hy vọng được thắp lên, dù rất đỗi mong manh: “Đồng đội ơi! Hãy đáp lời tôi, dù một lời thôi, dù một lời yếu ớt...”.
Những tiếng gọi của lực lượng cứu hộ ngay khi đặt chân đến nơi 13 cán bộ chiến sĩ mất tích. Không còn dấu vết căn nhà mà các anh đã nằm nghỉ lại, tất cả đã bị vùi lấp bởi khoảng bùn đất mênh mông. Tiếng gọi hỏi: “Có ai không...” hy vọng nhận được lời hồi đáp dù là nhỏ nhất. Nhưng không, chỉ có tiếng mưa, tiếng gió vọng về.
Nhạc sĩ Hoàng Lương tên thật là Hoàng Đình Lương, SN 1957, hiện là Chi hội phó Chi hội Nhạc sĩ tỉnh BR-VT. Ông là cái tên quen thuộc với người dân TP.Vũng Tàu, nhất là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật. Sau gần 30 năm sáng tác, ông có “gia tài” khá đồ sộ với hơn 500 tác phẩm các loại và nhiều giải thưởng tiêu biểu. Gần đây nhất là Giải B “Ánh trăng nhà giàn” Liên hoan âm nhạc TP. Hồ Chí Minh năm 2019. |
Ca khúc được sáng tác dựa trên ý bài thơ “Gọi tên anh” của tác giả Bùi Tiến. Những ngày qua, cả nước đều hướng về miền Trung, và những tin tức về thiên tai, lũ lụt khiến người dân cả nước cũng quặn lòng. Bài thơ “Gọi tên anh” xuất hiện trên mạng xã hội ngày 14/10, tạo hiệu ứng cao trong những ngày qua. Và ngay trong đêm bài thơ xuất hiện, tình cờ đọc bài thơ, nhạc sĩ Hoàng Lương đã phổ nhạc rất nhanh, trong trạng thái xúc động mạnh - như lời ông chia sẻ.
Ông tâm sự, ông sáng tác bài hát này “xin được như một nén nhang thắp lên bên hương hồn các anh”, như lời tri ân và chia sẻ với những mất mát, hy sinh của người dân miền Trung nói chung, của những cán bộ chiến sĩ và lực lượng vũ trang trong công tác cứu hộ, cứu nạn. Đặc biệt là các chiến sĩ không quản ngại hy sinh gian khổ, luôn thể hiện tinh thần tất cả vì cuộc sống bình yên của nhân dân, sẵn sàng cứu dân, hy sinh giúp dân khi gặp nạn. Từng giai điệu, cung bậc cảm xúc của bài hát là nỗi lòng là sự nghẹn ngào và đau xót của những người đồng chí đồng đội, khiến bất kỳ ai nghe đều rưng rưng xúc động.
DIỄM QUỲNH