Trở về...

Thứ Bảy, 05/09/2020, 08:02 [GMT+7]
In bài này
.

Ngôi nhà của chị Lan nằm trong một xóm nhỏ, thưa người. Xung quanh nhà những cây cau, những hàng dừa quanh năm che mát rượi. Trước sân có trồng hai cây trứng cá. Dường như ngày nào nó cũng rụng lá vàng và những trái chín nằm lăn lóc dưới đất. Bé Na vẫn thường hay ngồi lượm mấy trái trứng cá chín rồi chơi một mình, hay những buổi được mẹ đút cơm cho ăn. Thỉnh thoảng cũng có lúc mấy con chim đến đậu rồi tung tăng nhảy múa kêu ríu rít trên cây làm bé Na đưa mắt theo nhìn.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Con lộ phía trước nhà của chị Lan khá vắng, ít người qua lại. Thỉnh thoảng cũng có người bán bánh, bán rau ngang qua. Nhưng tất cả chẳng có gì đọng lại. Chỉ khác tiếng rao của người bán muối. Cứ độ năm hoặc bảy ngày thì tiếng rao ấy lại đi ngang nhà một lần. Với cái loa nhỏ để trên xe có gắng điện cùng với vài dạ muối. Vậy là ngày ngày chạy rong ruổi theo các con đường mà rao bán. Lúc thì buổi sáng, khi thì buổi trưa hoặc chiều. Không hiểu sao cứ mỗi lần cái âm thanh “Ai mua muối hôn...” ấy vang lên thì với chị là nghe như có gì đó xa xăm, khắc khoải, mơ hồ...

***

Đang giấc ngủ trưa, chị Lan mơ màng trong giấc chiêm bao thấy mình gặp lại Thanh sao bao năm dài xa cách. Thanh bây giờ cũng phong trần, đen sạm vì phải gồng lưng dãi nắng dầm mưa như bao người khác. Lan mừng rỡ. Chị muốn chạy đến kéo Thanh lại với mình. Chị sẽ tha thứ hết những chuyện đã qua. Bởi người đàn bà khác lấy mất của chị người chồng, của bé Na người cha. Nhưng rồi chị lại đứng khựng lại. Bởi lòng tự trọng của một người phụ nữ. Tình yêu còn vương vấn. Nỗi giận vẫn chưa tan. Thanh không nói gì, mà cứ đứng đó lặng thinh. Chị đợi một hồi lâu thì...: “Em ơi! Cho anh xin miếng nước. Trời nắng nóng quá đi ngoài đường nãy giờ mệt thiệt!”. Giọng nói ấy làm ngực Lan đánh thình thịch. Chị giật mình bật dậy khỏi chiếc võng. Trước mắt chị không phải là Thanh mà người bán muối vẫn thường đi ngang qua cửa nhà. Chị bình tĩnh lại, rồi chậm rãi đi rót cho anh ly nước.

- Trời nắng nóng quá hay anh ngồi nghỉ chút rồi hả đi.

- Cảm ơn em, nhưng mà anh quen rồi. Cái nghề này ngày nào cũng vậy. Cứ chạy suốt ngoài đường có mấy khi được ở trong mát đâu.

- Anh đi bán vậy còn chị ở nhà làm gì?

Câu hỏi của Lan vô tình làm khuôn mặt đang ướt mồ hôi kia bỗng như hiện nét buồn:

- Mấy năm trước vợ chồng anh móc ao nuôi tôm. Nuôi được mấy vụ đều thất bại. Vợ chồng vì tiền bạc túng thiếu mà cự cãi với nhau suốt. Vợ anh không chịu nổi vất vả nên ôm con gái gởi về bên ngoại, rồi đi thành phố kiếm việc làm. Nghe đâu đang ở với ông chủ quán phở gì đó. Nghe tin anh buồn quá, rồi anh cũng bỏ quê mà đi bán muối sống qua ngày.

Quân đi từ nãy giờ rồi mà Lan vẫn còn ấn tượng về cái dáng vẻ bề ngoài của Quân và khuôn mặt nữa. Có nét gì đó hao giống Thanh, nhưng có lẽ hơi lớn tuổi hơn chút. Bây giờ Thanh đang làm gì và đang ở đâu? Chẳng có một chút manh mối nào cả. Từ khi người đàn ông phụ bạc ấy dứt áo ra đi là biệt tin luôn. Nhìn thấy Quân - người đàn ông phong trần với chiếc xe cà tàng ngày ngày đi bán muối xuôi ngược qua những con đường, trong suy nghĩ của chị, biết đâu ở một nơi nào đó Thanh cũng đang đi bán muối ngày ngày vất vả. Biết đâu cuộc sống quá khó khăn nên chẳng dám về mà gặp lại đứa con mà Thanh đã tạo ra.

Nhiều lần ôm con vào lòng rồi hát ru cho con ngủ trên chiếc võng đong đưa, Lan lại nhớ đến Thanh. Rồi lại nhớ về mối tình đầu cũng đầy lãng mạn, với những lần hò hẹn tâm tình bên bờ sông, dưới ánh trăng quê lấp lánh. Hai nhà cách nhau chẳng có bao xa nên cứ thường gặp nhau mà tâm sự chuyện lứa đôi. Thanh hứa khi cưới nhau rồi thì anh sẽ cố gắng siêng năng hơn cả thời trai trẻ. Sẽ làm lụng từ sáng cho đến tối để kiếm thật nhiều tiền. Và đổi lại thì Lan phải sinh cho Thanh một bầy con đầy đủ gái trai. Để mỗi khi đi làm về tuy mệt lả người nhưng đổi lại được bầy con nó quây quanh í ới rằng: “Bữa nay đi làm cha có mệt lắm không? Có bẻ ổi về cho con không?” Ăn cơm xong lên giường nằm xem ti vi, nhưng tụi nhỏ cứ bu lại, đứa thì đè bức tóc, đứa thì nhổ râu. Dù rằng bảo chẳng được yên nhưng mà lòng thì lại thấy vui và ấm áp. Còn mẹ của tụi nhỏ thì vừa cười tươi khúc khích vì hạnh phúc nhưng miệng vẫn luôn can khuyên: “Cha đi làm về mệt, mấy đứa con đi chỗ khác chơi cho cha được nghỉ ngơi!”. Mơ ước ấy những tưởng đã thành sự thật khi bé Na chào đời trong căn nhà mới được cất xong. Khi không Thanh bỗng thay lòng đổi dạ từ khi gặp người phụ nữ xa lạ ấy. Rồi cả hai cùng dắt nhau đi xa để trốn chạy sự níu kéo của Lan và gia đình người thân hai bên.

***

Lên bốn tuổi bé Na rất hiếu động và lanh lợi. Những lúc ôm choàng lấy mẹ, con bé cứ hay hỏi: “Mẹ ơi! Cha con đâu rồi? Sao con không được gặp cha? Con muốn gặp cha, con muốn có cha!”. Những câu nói ngây thơ của con nhỏ như làm cho chị đứt từng đoạn ruột. Chị cứ an ủi với con rằng: “Cha con đi làm ăn xa chưa về. Khi nào về được thì cha con sẽ về mà thăm con”. Chị biết câu nói dối của mình chẳng thể thuyết phục được con. Hơn nữa, con bé cũng mỗi ngày thêm lớn. Nó sẽ nhận ra rằng, không có người cha nào đi làm ăn xa mà biệt tăm biệt tích như vậy. Nhiều khi chị muốn thốt lên với con là: “Cha của con đã chết rồi!”. Nhưng nói vậy thì quá ác mồm. Và lỡ một ngày nào Thanh hối cải ăn năn mà quay về với chị với con thì sao?!

***

Cứ mỗi lần nghe văng vẳng ngoài đường vang lên giọng rao: “Ai mua muối hôn...” thì Lan lại nhớ về Thanh. Quân - người đàn ông bán muối kia không họ hàng thân thuộc với Thanh vậy mà lại có nét giống Thanh. Từ lần đầu ghé xin ly nước, Lan thấy từ ánh mắt và giọng nói kia ngỡ là Thanh chứ không phải ai khác. Bé Na mới ngày nào còn ẳm trên tay mà giờ đã lớn chừng ấy rồi. Có lần con bé hỏi mẹ:

- Mẹ ơi! Cha con ở xa mà cha con làm nghề gì vậy hả mẹ?

- Cha con hả! Ờ thì... cha con chắc cũng làm nghề bán muối như chú Quân thường đi bán ngang nhà mình vậy đó!

- Mà cha con có giống chú ấy có bộ râu mép trên môi không?

- Ừ thì hồi đó thì không, còn bây giờ thì mẹ cũng không biết nữa!

Cứ vài hôm Quân lại chạy xe đi bán muối ngang qua. Cứ mỗi lần nghe tiếng rao “Ai mua muối hôn…” từ xa là bé Na lại chạy ra vẫy tay mời Quân vào nhà nghỉ mệt. Con bé nói muốn có cha. Nghe mẹ nói cha của nó cũng làm nghề bán muối và cũng có nét giống chú Quân đây. Nên con bé cũng muốn xem Quân là cha của mình. Chị thì không muốn giữa chị và Quân quen biết nhiều hơn bởi chuyện miệng đời và cả với gia đình bên chồng nữa.

Thấy con bé dễ thương và rất quý mến mình nên Quân cũng thường ghé vào mua quà bánh cho bé Na. Quân quan tâm làm chị càng thêm khó xử. Chị thương con, nhưng giữa chị và Quân thì không thể thân thiết hơn, bởi chị hiểu thế nào là hạnh phúc. Nó không thể trộn lẫn với nỗi đau. Trong ngôi nhà nhỏ này, hai mẹ con bên nhau thì vẫn vui vẻ bình thường. Bên nội, bên ngoại vẫn luôn tới lui vì ai cũng xem bé Na như là bảo bối.

***

Một ngày như mọi ngày. Tiếng chim hót yên bình trên cành trứng cá. Ngọn gió thổi lao xao qua những hàng dừa. Vệt nắng chiều nghiêng dài phía sân. Con mực chạy ra sân đứng sủa inh ỏi. Bé Na chạy ra phía sau nhà kề vào tai mẹ thỏ thẻ: “Mẹ ơi! Có chú lạ nào vô nhà mình kiếm mẹ kìa. Nhìn giống  chú Quân lắm. Chú ấy kêu con lại cho chú ôm một cái. Nhưng người lạ nên con sợ. Mẹ ra xem có phải chú ấy là cha về tìm con không?”. Nghe con nói thế, thêm lần nữa ngực của Lan lại đánh thình thịch. Chị linh cảm là Thanh chứ không ai khác. Người đàn ông tệ bạc ấy cuối cùng cũng đã chịu về gặp con của mình!

LÊ VĂN TRƯỜNG

;
.