Như con ong nhả mật cho đời
Bên tiệm cà phê Nghinh Phong, phía trước biển là Hòn Bà, thắng cảnh đẹp của Vũng Tàu. Phía sau là Núi Nhỏ - ngọn Tao Phùng, sừng sững trên cao bức tượng Chúa Kitô dang tay đón bạn bốn phương. Ông Đỗ Xuân Khương một đời cống hiến trong mái nhà Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mũi Nghinh phong (Vũng Tàu). Ảnh: ĐỨC HỢP |
Chúng tôi đều là dân xứ Nghệ, điểm rơi cuối của cuộc đời: Thành phố biển Vũng Tàu, quê hương thứ hai yêu dấu. Ông Đỗ Xuân Khương và tôi đã có nhiều năm làm việc tại thủ đô Hà Nội. Tôi đến TP.Vũng Tàu năm 1987, làm việc tại tờ báo của Đảng bộ địa phương. Ông Đỗ Xuân Khương, Phó Vụ trưởng vụ Phong trào Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đến thành phố biển phương Nam từ năm 1993, làm việc tại Ủy ban MTTQ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ quan báo Đảng và cơ quan Mặt trận Tổ quốc chỉ cách nhau một con đường, sau 5 phút đi bộ đã có thể gặp nhau, hàn huyên công việc và cuộc đời, chúng tôi ngày càng trở nên gần gũi, thân thiết.
Dịp mùa Thu Cách mạng, nước nhà độc lập, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, đến nay tròn 75 năm. Bên biển Nghinh Phong, chúng tôi lặng nhìn biển cả, mỗi người theo đuổi một kỷ niệm. Áp thấp nhiệt đới từ biển Đông chuyển thành bão. Ông Đỗ Xuân Khương nhìn lên bầu trời vần vũ mây đen từ biển, mưa rơi nặng hạt. Ông kể với tôi ký ức một thời tuổi trẻ, một thời hết mình cống hiến, dù nay tuổi đã cao, hoàng hôn cuộc đời, nhưng bao đam mê và ước nguyện vẫn trẻ trung, tươi mới như ngày nào.
Ông Đỗ Xuân Khương nhớ lại:
- Mà cũng lạ, tự nhiên mình được mọi người cho là “Cây sáng kiến”, “Vua đề xuất”. Nghiệm lại, đúng là mỗi khi cảm nhận điều hay, lẽ đúng là y như rằng, tôi lại xin có kiến nghị!
Ở ông, luôn toát lên sự nhiệt huyết, chân thành, trách nhiệm. Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh phân công ông theo dõi cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư”. Nhân kỷ niệm ngày truyền thống của Mặt trận 18/11, ông đề xuất: Tổ chức cuộc thi tìm hiểu MTTQ Việt Nam qua các thời kỳ. Thường trực MTTQ tỉnh chấp thuận tổ chức cuộc thi, giao cho ông biên soạn các câu hỏi và đáp án trả lời. Ban Tổ chức và Hội đồng chấm thi do Thường trực MTTQ tỉnh chủ trì, bao gồm đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, đại diện lãnh đạo Hội Nhà báo tỉnh, các cơ quan báo chí trong tỉnh, Hội Sử học. Cuộc thi thu hút hàng ngàn người, trong đó có nhiều cán bộ, viên chức cơ quan mặt trận huyện, thị trấn, phường, xã tham gia.
Năm 1995, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Người Cao tuổi, Hội Người Cao tuổi Việt Nam được thành lập. Ông Đỗ Xuân Khương được Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh điều động phụ trách công tác Người Cao tuổi tỉnh, với phương châm: “Người Cao tuổi sống vui, sống khỏe, sống có ích”. Ông đề xuất tổ chức lớp tập huấn Dưỡng sinh cấp tỉnh, từ đó nhân rộng ở cấp xã, phường, thị trấn… được nhiều người hưởng ứng, trở thành phong trào rèn luyện sức khỏe - còn sức khỏe “Tiếp tục nhả tơ cho đời!”. Cố Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung tướng Lê Quang Đạo trong lần đến thăm TP.Vũng Tàu đã đến dự bế mạc một lớp tập huấn dưỡng sinh nhận xét: “Phong trào rèn luyện sức khỏe của các bậc cao niên thành phố biển quá hay, thiết thực và bổ ích. Phong trào cần được nhân rộng”.
Từ phong trào tập dưỡng sinh, ông Đỗ Xuân Khương lại có sáng kiến và đề xuất tổ chức “Hội khỏe Người Cao tuổi”; “Liên hoan văn nghệ Người Cao tuổi”. Sáng kiến và đề xuất này được cấp trên chấp thuận, đưa vào Nghị quyết và chương trình hành động của các cấp MTTQ trong tỉnh. Cơ quan Mặt trận phối hợp với Sở VH-TT, Phòng VH-TT các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện, thu hút hàng ngàn hội viên Người Cao tuổi tham gia. “Hội khỏe Người Cao tuổi” và “Liên hoan văn nghệ Người Cao tuổi” có tiếng vang trong cả nước, nhiều cơ quan báo chí truyền thông ca ngợi, tổ chức nhân rộng điển hình trong Hội Người Cao tuổi Việt Nam.
Ông Đỗ Xuân Khương còn có đề xuất phối hợp với Báo Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức Hội nghị biểu dương phong trào “Ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Gương sáng tuyển chọn từ các phường xã, thôn ấp, được giới thiệu rộng rãi trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, sau đó tập hợp in thành tập sách cẩm nang về những tấm gương “Hoa giữa đời thường - nét đẹp cao quý”, được nhiều cộng đồng dân cư tổ chức học tập.
Lăn lộn với phong trào, cảm nhận những điều chưa phù hợp trong thực tế, ông đề xuất với các cơ quan có trách nhiệm những kiến nghị hợp lẽ đời. Tháng 11 năm 2008, ông có thư kiến nghị Chủ tịch nước sáp nhập các đoàn thể, các Hội quần chúng vào tổ chức MTTQ Việt Nam, để hoạt động có hiệu quả, thiết thực, giảm đầu mối, tiết kiệm biên chế, kinh phí, trụ sở, phượng tiện làm việc. Cùng thời điểm, ông có thư kiến nghị Bộ Nội Vụ việc tổ chức các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp nên cùng một ngày để tiết kiệm thời gian, công sức, kinh phí. Những kiến nghị như vừa nêu được Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan có trách nhiệm hoan nghênh và đều có thư phúc đáp. Nói có sách, mách có chứng, ông lần giở trong túi áo, chuyển cho tôi xem thư hồi âm của Văn phòng Chủ tịch nước, ngày 4/11/2008 và thư phúc đáp của Bộ Nội Vụ ngày 17/11/2008.
Phóng tầm mắt ra biển, giọng nói của ông thêm hào hứng:
- Một đời cống hiến, tôi được nghỉ hưu theo chế độ. Nhưng nào mình có chịu ngưng nghỉ. Cái nghiệp cứ vận vào, cái chân cứ bước ra ngõ, chẳng chịu ngồi yên.
Năm 2008, Hội Bảo trợ Người khuyết tật - Trẻ mồ côi - Bệnh nhân nghèo (NKT-TMC-BNN) TP.Vũng Tàu mời ông làm Phó Chủ tịch Thường trực Hội. Ông đã không quản tuổi cao, còn sức còn cống hiến, đảm nhiệm công việc bằng tất cả tấm lòng dành cho những người yếu thế trong xã hội. Việc đầu tiên và trước hết, ông đã cùng Chủ tịch Hội Kim Ngọc Phưởng - người bạn già thân quý luôn cùng nhau, bên nhau trong mỗi bước đường công tác, xuống cơ sở nắm lại hoàn cảnh những người cần “bảo trợ”, cùng các cấp chính quyền thực hiện chính sách “bảo trợ” theo quy định. Hội trực tiếp vận động các mạnh thường quân, các doanh nhân xây dựng Quỹ “Tấm lòng Vàng” chăm lo - giúp đỡ những hoàn cảnh khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nhân nghèo đặc biệt khó khăn. Hội nghị “Trẻ mồ côi hiếu thảo” TP.Vũng Tàu được tổ chức, động viên khen thưởng những gương sáng các em vượt khó học tập, tu dưỡng, rèn luyện tốt. Vài năm nay, ông xin nghỉ công việc của hội, hoạt động nhẹ nhàng ở phường và khu phố.
Ông Đỗ Xuân Khương bước qua tuổi 84, viên mãn một mái ấm gia đình đủ ông và bà, 8 người con trai - gái - dâu - rể; 9 cháu nội ngoại. Ngôi nhà ông tại 34/18 đường Xô Viết Nghệ Tĩnh, TP.Vũng Tàu luôn đầy ắp tiếng cười - bên bàn cờ tướng cuối tuần cùng nhóm bô lão láng giềng, củ khoai và bát nước chè xanh không thể thiếu nhau. Tuổi cao chí bền, ông Đỗ Xuân Khương sống vui, sống đẹp, một mẫu mực “con ong nhả mật cho đời!”. Thật quý lắm thay!
Bút ký: QUỐC TOÀN