.

Chiếc nón mẹ tôi

Cập nhật: 07:07, 12/09/2020 (GMT+7)

Mẹ tôi như bao nhiêu người mẹ quê khác và tôi thường thấy mẹ mình bên cạnh chiếc nón lá. Chiếc nón theo mẹ tôi từ buổi sáng tinh mơ ra đồng đến những buổi trưa mẹ về với rơm rạ quanh nhà, lo cho con bò, góc sân và lúi húi nơi góc bếp rồi sau đó gọn gàng ở một móc treo trong góc nhà vào đêm, để hôm sau lại tiếp tục những chuỗi ngày như thế. Chiếc nón thân thương gắn với người đàn bà quê, những công việc đồng áng, ruộng vườn, gà qué, cơm nước. Đôi chân, tay tất bật không ngơi nghỉ. Ở đó, mẹ tôi lau những giọt mồ hôi, tiện tay tháo nón ra ngồi nghỉ ngơi, quạt nhẹ. Vòm nón mang lại hơi mát, quạt đến đâu mát đến đấy. Chiếc nón lá mẹ để bên chiếc võng trưa hè nghỉ trưa. Chiếc nón bên dưới một gốc cây nghỉ chân sau một đoạn đường dài. Chiếc nón thấp thoáng đâu đó giữa ruộng đồng, giữa rẫy chiều nắng như nung người. Ở đó, những chiếc nón nhấp nhô trên cánh đồng rộng mênh mông quê nhà, có thể là mẹ ở thửa ruộng này, khi ở thửa ruộng khác, chỉ cần thấy chiếc nón lá và dáng hình của mẹ là tôi có thể nhận ra.

Chiếc nón gắn liền với những công việc lao động. Và chiếc nón cũng gắn với những dịp trọng đại của đời người: tiễn người về đất mẹ. Tôi nhớ tục lệ xưa, khi đưa tiễn người đã khuất, thường phải đội nón, những dòng người đưa tiễn trong chiếc nón lẳng lặng đi theo sau người đã mất đã để lại dấu ấn đậm nét trong kí ức tôi. Và mẹ còn kể, ngày theo cha về làm dâu, mẹ cũng được rước dâu, kèm theo một chiếc nón, gọi là nón cưới. Bây giờ, hình ảnh chiếc nón điệu đà hơn khi làm duyên cho những thiếu nữ khi khoác lên mình chiếc áo dài mềm mại, chưa biết đến nỗi vất vả của cuộc đời. Từ lúc lớn lên cho đến khi khuất núi, chiếc nón luôn đồng hành với những số phận người.

Tôi sống ở thành phố, ít thấy chiếc nón lá xuất hiện, hoặc nếu có cũng đành cho khách du lịch mua làm quà. Lâu lâu đi chợ tôi thấy những bà, những mẹ đã lớn tuổi đầu đội nón, bận đồ bà ba và xách giỏ đi chợ. Hình ảnh này chỉ còn lại ở những người lớn tuổi ở thành phố. Một nếp sống nhẹ nhàng xưa cũ. Tôi thường phơi đồ trên sân thượng, và cái nắng gắt khiến tôi nhớ chiếc nón lá, hình như đâu đấy giữa trưa mẹ tôi đội nón phơi đồ, đội nón tất bật ra bếp, đội nón ra rẫy thu hoạch. Tôi về xin mẹ chiếc nón, đội vào và thấy thân thương. Biết bao người đàn bà lẳng lặng lo cơm nước cho chồng con, lo ruộng vườn, lo những điều gì đấy không phải cho riêng mình đều ẩn gương mặt sau chiếc nón. Có gì đấy thật đẹp, và cũng đầy hy sinh. Thương làm sao, nón lá!

THÙY TRANG

.
.
.