Nhạc sĩ Phó Đức Phương Bao giờ thôi tơ vương?

Thứ Sáu, 25/09/2020, 21:52 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày qua, công chúng yêu nhạc Việt đau buồn khi nhạc sĩ Phó Đức Phương - cây đại thụ của âm nhạc Việt Nam, thành viên của “Bộ Tứ Sông Hồng” lừng danh vừa ra đi trong tiết trời se lạnh của mùa thu Hà Nội. Phó Đức Phương đã bay về cõi Phù Vân nhưng những giai điệu vừa dữ dội vừa dịu êm và còn đầy liêu trai, ma mị của ông còn ngân vang mãi trong trái tim những người ở lại, những giai điệu được chưng cất bởi tài năng, tình yêu tha thiết với quê hương, đất nước.

Nhạc sĩ Phó Đức Phương.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương.

ĐỜI SÔNG KHÔNG HỀ TIẾC VƠI ĐẦY

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944. Quê nội của ông ở Hưng Yên, quê ngoại ở Bắc Ninh - hai mảnh đất có ảnh hưởng sâu sắc đến những sáng tác của ông sau này. “Những cô gái Quan Họ” là sáng tác đầu tay của  khi ông mới 22 tuổi. Ca khúc ra đời khi ông đang học tại trường Âm nhạc Việt Nam ở tỉnh Hà Bắc (cũ). Bài hát sau này đã trở nên phổ biến đến nỗi chỉ nghe câu đầu là mọi người có thể hát theo: 

“Trên quê hương quan họ/Một làn nắng cũng mang điệu dân ca/Giữa mùa lúa thơm cánh cò bay đẹp như trong mộng”.

Nhạc sĩ Trương Quang Lục nhận xét về bài hát này: “Nét độc đáo của bài hát là trong giai điệu hoàn toàn không có dấu vết của một làn điệu dân ca quan họ cụ thể nào, nhưng người nghe lại cảm thấy nét duyên dáng của các cô gái trên quê hương quan họ và cái hồn dân gian của nông thôn miền Bắc bàng bạc trong từng câu hát”.

“Hồ trên núi” là một ca khúc nhạc sĩ Phó Đức Phương sáng tác năm 1971 dành cho bộ phim tài liệu “Sông nước quê hương” của đạo diễn Khánh Dư. Nhạc sĩ sử dụng lối điệp từ kết hợp âm hưởng dân ca quan họ khiến ca khúc như một bức tranh thiên nhiên yên bình. Còn với nhạc phẩm “Huyền thoại hồ Núi Cốc” ra đời năm 1982 xoay quanh đập Núi Cốc ở tỉnh Thái Nguyên, có cốt truyện dân gian về đôi trai gái yêu nhau nhưng không thể thành vợ chồng, hóa thành núi và sông để được bên nhau. Ca từ trong ca khúc giàu hình tượng, cũng kết hợp rất thành công với dân ca quan họ Bắc Ninh qua các câu hát đối nhau.

Nhưng có lẽ “Chảy đi sông ơi” viết năm 1997 và ca khúc “Về quê” viết năm 1998 là 2 ca khúc được đông đảo người nghe yêu thích và đón nhận nồng nhiệt nhất. “Chảy đi sông ơi” được Phó Đức Phương viết cho vở kịch “Thuyền lá” của Nhà hát Kịch Việt Nam, kể về mối tình đẹp nhưng cuối cùng lại phải chia xa. Nhạc sĩ đã kết hợp âm nhạc dân gian và tiết tấu hiện đại, sử dụng nhiều ca từ giàu hình tượng văn học diễn tả tâm trạng nhân vật, tạo được nhiều đồng cảm lớn với công chúng. Với “Về quê”, Phó Đức Phương viết theo đơn đặt hàng cho đoàn quan họ Bắc Ninh để đi hội diễn của Bộ VHTTDL. Nhạc sĩ sử dụng âm nhạc đậm chất dân gian Đồng bằng Bắc bộ, ca từ mang tính hình tượng gợi nhớ hình ảnh làng quê êm đềm, thân thương, gần gũi đi vào lòng người:

“Ơi quê ta bánh đa bánh đúc/Nơi thỏa thơm đồng xanh trái ngọt/Nơi tuổi thơ ta trải qua đẹp như giấc mơ/Ơi quê ta dầu sương dãi nắng/Phiên chợ nghèo lều mái tranh xiên/ Kìa dáng ai như dáng mẹ dáng chị tôi” (Về quê).

Nói đến các tác phẩm nổi tiếng của Phó Đức Phương mà chưa kể đến “Trên đỉnh Phù Vân” thì quả là thiếu sót. Ca khúc gửi gắm thông điệp về khát vọng tình yêu, mang âm hưởng dân gian đương đại với tiết tấu nhanh, chậm đan xen làm mê hoặc  người nghe từ đầu đến cuối:

“Mênh mang mênh mang Phù Vân Yên Tử/Vi vu vi vu Trúc Lâm thiền tự/Thổn thức nỗi lòng ai kẻ tình si/Nước mắt tràn mi tìm người trong mộng”.

“Trên đỉnh Phù Vân” đã đưa tiếng hát Mỹ Linh lên một tầm cao mới. Cô đã đưa chất ca trù vào ca khúc, mang đến một “Trên đỉnh Phù Vân” đầy liêu trai, ma mị. Thành công ở trong Nam trước rồi mới đến ngoài Bắc:

“Như cánh chim ngóng trời lồng lộng/Vương vấn yêu đương ta hứng giọt mưa nguồn/Một đời khát khao rút lòng nhả kén sầu/Ta muốn hỏi một câu/Bao giờ thôi tơ vương?” (Trên đỉnh Phù Vân).

Nhạc sĩ Phó Đức Phương sinh năm 1944 ở Hưng Yên, ông qua đời trưa ngày 19/9/2020, sau thời gian chống chọi bệnh ung thư tụy.
Nhạc sĩ Phó Đức Phương  được biết đến với nhiều ca khúc nổi tiếng: “Chảy đi sông ơi”, “Hồ trên núi”, “Trên đỉnh Phù Vân”, “Một thoáng Tây Hồ”, “Huyền thoại hồ núi Cốc”, “Về quê”, “Khúc hát phiêu ly”...
Nhạc sĩ Phó Đức Phương có nhiều đóng góp cho vấn đề tác quyền âm nhạc khi từng là Giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC).

 

GIA TÀI ÂM NHẠC ĐỒ SỘ

Với giới ca sĩ, âm nhạc của Phó Đức Phương là một thách thức để họ chứng tỏ tài năng. Các tác phẩm của ông đã góp phần đưa những danh ca của nền nhạc nhẹ Việt Nam như:  Thanh Lam, Mỹ Linh, Tùng Dương... vào thời kỳ huy hoàng của giọng hát.

Lời ca của Phó Đức Phương đẹp, giàu tính triết lý, trí tuệ, lãng mạn bao nhiêu thì cấu trúc bài hát và giai điệu của ông lại chặt chẽ bấy nhiêu. Nhà phê bình Nguyễn Quang Long đánh giá Phó Đức Phương là một trong những nhạc sĩ có ảnh hưởng sâu sắc đến nền nhạc nhẹ của Việt Nam: “Nhiều nhạc sĩ chỉ có 1-2 bài để đời là đủ để công chúng nhớ họ lâu dài. Trong khi Phó Đức Phương có rất nhiều bài nổi tiếng. Mà thú vị ở chỗ, các tác phẩm của ông không bài nào giống bài nào, vậy mà khi nghe người ta vẫn nhận ra là Phó Đức Phương. Ông là một trong số ít nhạc sĩ không chỉ tạo nên phong cách riêng mà phong cách âm nhạc của ông còn có tác động lớn đến đời sống âm nhạc, tạo ra ảnh hưởng trong nhiều thập niên và tiếp tục ảnh hưởng đến tận bây giờ”.

VŨ THANH HOA

 
;
.