Sao Tháng Tám soi đường ta đi tới

Thứ Bảy, 15/08/2020, 07:47 [GMT+7]
In bài này
.

Cách mạng Tháng Tám thành công khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, là dấu son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Là nguồn cảm hứng mạnh mẽ tạo nên nhiều tác phẩm âm nhạc trong kho tàng các ca khúc cách mạng Việt Nam gắn liền với tên tuổi nhiều nhạc sĩ nổi tiếng.

Đường Võ Nguyên Giáp, TP. Vũng Tàu.
Đường Võ Nguyên Giáp, TP. Vũng Tàu.

ÁNH SAO CỦA ĐỘC LẬP, TỰ DO

Cách mạng Tháng Tám là một trong những sự kiện oanh liệt nhất của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Trong một thời gian ngắn, với khí thế cách mạng sôi sục và trào dâng chưa từng có, dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng đã nhất tề vùng lên giành chính quyền trong cả nước. Những khoảnh khắc hào hùng đó đã ghi dấu lại trong ký ức của nhiều thế hệ người dân đất Việt.

“Mười chín tháng Tám/ Ánh sao tự do đưa tới/ Ϲờ baу nơi nơi, muôn ánh sao vàng/ Máu pha tươi hồng trên lá cờ baу khắp chốn giang sơn/ Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề/ Mười chín tháng Tám/ Ϲhớ quên là ngàу khởi nghĩa/ Hạnh phúc sáng tỏ, non sông Việt Nam” (Mười chín tháng Tám - NS Xuân Oanh)

Ca khúc Mười chín tháng Tám được nhạc sĩ Xuân Oanh sáng tác khi ông hòa vào dòng người đấu tranh giành thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Trong những câu chuyện sau này kể lại, nhạc sĩ Xuân Oanh vừa đi vừa sáng tác ca khúc trên những mảnh báo cũ. Viết đến đâu ông lại hát vang đến đó và cả dòng người cứ thế hát theo ông. Cho đến buổi chiều thì bài hát đã được phổ biến rộng rãi. Cho đến hôm nay, ca khúc Mười chín tháng Tám vẫn vang lên vào mỗi dịp đất nước kỷ niệm ngày Cách mạng Tháng Tám và là một trong những ca khúc bất hủ ghi dấu thời khắc lịch sử của dân tộc.

Trong số những ca khúc vang lên trong những ngày Tháng Tám lịch sử còn phải kể đến hai hành khúc của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước, đó là Lên đàng và Tiếng gọi thanh niên. Giai điệu rộn ràng của ca khúc như lời thúc giục thiết tha dành cho thế hệ thanh niên Việt Nam thời điểm bấy giờ và cho đến ngày nay hai ca khúc này vẫn là ca khúc bất hủ dành cho thế hệ trẻ Việt Nam. Ca khúc Lên đàng trở thành ca khúc chính thức của Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam.

“Nào anh em ta cùng nhau xông pha, lên đàng/ Kiếm nguồn tươi sáng/ Ta nguyện đồng lòng điểm tô non sông/ Từ nay ra sức anh tài/ Đoàn ta chen vai nề chi chông gai, lên đàng/ Ta người Việt Nam/ Nhìn tương lai huy hoàng/ Đoàn ta bước lên đàng cùng hiên ngang hát vang” (Lên đàng - NS Lưu Hữu Phước)

CHIẾN THẮNG MANG HỒN NƯỚC

Đặc biệt phải kể đến bài Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao. Ngay từ khi ra đời, bài hát được coi là bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh. Sau Cách mạng Tháng Tám, ca khúc này được chọn làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và khi đất nước thống nhất (1975), ca khúc Tiến quân ca tiếp tục được chọn làm Quốc ca của nước CHXHCN Việt Nam.

Khi được chọn chính thức làm Quốc ca, phần lời của Quốc ca cũng đã được sửa đổi khác đôi chỗ so với bản gốc Tiến quân ca:

“Đoàn quân Việt Nam đi Chung lòng cứu quốc Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa/ Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước/ Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca…” (Tiến quân ca - NS Văn Cao)

Nhạc sĩ Văn Cao viết bài hát đó trong nhiều ngày tại căn gác số 45 Nguyễn Thượng Hiền vào năm 1944. Và lần đầu tiên Tiến quân ca được in trên trang văn nghệ của Báo Độc Lập tháng 11 năm 1944 bằng bản in đá do chính Văn Cao viết. Nhạc sĩ kể rằng, tên bài hát và lời ca khúc Tiến quân ca là sự tiếp tục từ ca khúc Thăng Long hành khúc ca trước đó.

“Tháp đây! Gươm Thần đâu dưới nước biếc/ Có chăng! Bao người bao nhiêu luyến tiếc/ Này phường này phố cũ/ Này đường về Ô xưa!/ Bóng xưa ngàn năm hồ phai khi tàn mơ” (Thăng Long hành khúc ca – NS Văn Cao)

Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi, sau khi nghe Văn Cao hát Tiến quân ca đã rất xúc động và đề nghị mỗi người viết một bài hát nữa về mặt trận Việt Minh. Sau đó Nguyễn Đình Thi viết bài Diệt phát xít, Văn Cao viết thêm bài Chiến sĩ Việt Nam, cả hai bài hát này đều có sức lan tỏa rộng rãi trong công chúng.

Ngày 13 tháng 8 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chính thức duyệt Tiến quân ca làm Quốc ca của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 17 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít tinh của nhân dân Hà Nội trước Nhà hát lớn, bài Tiến quân ca đã được cất lên lần đầu tiên trước đông đảo dân chúng. Cũng tại quảng trường Nhà hát lớn, ngày 19 tháng 8 năm 1945, trong cuộc mít tinh lớn, dàn đồng ca của Đội Thiếu niên Tiền phong đã hát bài Tiến quân ca chào lá cờ đỏ sao vàng.

Cách mạng Tháng Tám là bài học giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kết hợp đúng đắn các nhiệm vụ chiến lược trong từng thời kỳ cách mạng; bài học về đoàn kết nhất trí phát động sức mạnh toàn dân tộc. Những bài học quý giá ấy vẫn luôn có giá trị thiết thực cho đến hôm nay.

Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã khắc họa khoảnh khắc mùa thu lịch sử đầy hào hùng của dân tộc Việt Nam trong thi phẩm Đất nước:

Ôm đất nước những người áo vải

Đã đứng lên thành những anh hùng

Ngày nắng đốt theo đêm mưa dội

Mỗi bước đường mỗi bước hy sinh

Trán cháy rực nghĩ trời đất mới

Lòng ta bát ngát ánh bình minh

Súng nổ tung trời giận dữ

Người lên như nước vỡ bờ

Nước Việt Nam như máu lửa

Rũ bùn đứng dậy sáng loà.

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

VŨ THANH HOA

 
;
.