Gió heo may len lỏi về trên phố, những tia nắng đầu ngày rải lên khu vườn màu vàng ruộm, đã vào thu. Ông dò dẫm ra vườn. Cây lộc vừng trước nhà trút gần hết lá, trên giàn từng chùm thiên lý nở rộ rơi lả tả xuống sân. Lọ mọ một lúc ông cũng mở được chiếc lồng chim, cho vào cái bát nắm gạo rang trộn trứng. Chú Khứu Mun nghiêng đầu, xòe chiếc đuôi duyên dáng, chốc chốc nghển cổ ngóng lũ sẻ đang lích rích trên cao.
Đến giờ đi làm, chị Thùy dắt xe ra cổng không quên quay lại dặn:
- Bao giờ đồng hồ điểm 9 giờ, bố nhớ tắt giúp con ấm thuốc.
- Vầng, tôi nhớ rồi, chị cứ đi đi! - Ông ngẩng lên trả lời con dâu.
Minh họa: MINH SƠN |
Chị Thùy khép cổng, tiếng then sập vào cánh cổng sắt bật ra tiếng rít to và đanh. Lần nào tiếng động ấy cũng khiến ông giật mình. Ông lập cập đến góc vườn khiêng chiếc ghế, cháu gái sửa soạn đi học thấy vậy nhanh nhảu chạy ra:
- Ông để đấy cháu làm, mấy việc này ông để cháu!
- Cháu lo đi học kẻo muộn.
Ông nhìn gương mặt cháu gái loáng thoáng qua màn sương mờ đục. Sau trận ốm nặng mắt ông mờ dần, giờ thì ông không nhìn thấy gì ngoài chút nắng ban mai.
Chú Khứu Mun cất tiếng gọi bạn, chiếc đuôi xòe ra đập lên đập xuống nhẹ nhàng, điệu bộ trông thật đáng yêu. Ông kéo chiếc ghế lại gần, lấy cây sáo trúc giắt sau lưng ra mân mê một lúc rồi bắt đầu thổi. Tiếng sáo ban đầu dìu dặt, càng về sau càng réo rắt. Chú chim nghiêng đầu chăm chú lắng nghe, đôi mắt xinh đẹp chớp chớp có vẻ như chú đã quen với giai điệu này. Đàn chim sẻ thôi ríu ran, sà xuống sân nghe ngóng. Ông say sưa thổi cho đến khi mồ hôi rịn ra chảy thành dòng hai bên thái dương ông mới giắt ống sáo vào lưng, nhấp ngụm nước chè tươi trong cái ấm hãm từ sáng sớm.
- Nào! Ban Mai - Ông gọi chú chim bằng cái tên âu yếm.
- Bây giờ nghe ông hát nào! - Ông lại nhấp thêm ngụm nước chè rồi cất giọng khàn khàn, ông hát một ca khúc xưa cũ về mối tình của chàng Trương Chi. Tiếng hát khàn đục, đứt quãng Ai qua bến giang đầu tha thiết, nghe sông than mối tình Trương Chi… Ban Mai chăm chú lắng nghe, nó nghiêng cái đầu nhỏ xinh nhìn ông, đôi mắt chớp chớp như hiểu ông đang kể cho nó nghe về một đêm trăng trên sông Thương. Đang hát ông dừng lại ôm ngực ho, tiếng ho khù khụ khiến Ban Mai chăm chú nhìn. Dứt cơn ho, ông lại nhấp ngụm nước chè.
- Nào, hát theo ông đi! - Ông ngân nga Ngồi đây ta gõ ván thuyền…
Ban Mai là chú chim tinh khôn, nó nghiêng đầu nhìn ông rồi ho khù khụ sau đó cất giọng khàn khàn Ngồi đây ta gõ... Hát đến đó nó ngưng, nhìn ông chờ đợi. Gió đưa từng chiếc lá lộc vừng rơi lả tả xuống chỗ ông ngồi, lúc này ông mới sực nhớ đến ấm nước thuốc của con.
- Thôi chết! - Ông hốt hoảng đứng lên, đôi chân run run ông lập cập vào nhà, cây gậy đi trước dẫn đường.
Dưới bếp mùi khen khét đã bốc lên khắp nhà, ấm thuốc cạn khô. Đồng hồ điểm mười một giờ trưa, tiếng xe máy của chị Thùy đã về đến ngõ. Vừa vào nhà nghe mùi thuốc khét nồng chị hốt hoảng lao vào bếp.
- Chết thật! Sao lại thế này! - Chị rền rĩ:
- Con đã nhờ bố tắt ấm thuốc giúp con lúc chín giờ cơ mà!
- Bố… bố xin lỗi… Mải ngoài vườn bố quên khuấy mất - Ông khò khè nén cơn ho ngước đôi mắt mờ đục nhìn con dâu.
Chị Thùy bỏ vào trong, cánh cửa phòng đóng sầm lại. Ông giật bắn mình, lập cập chống gậy ra hiên...
Ông lại nhớ bà. Ngày còn sống bà chăm ông lắm, bà hiểu ông đến từng hơi thở. Mỗi ngày bà biết nấu cho ông khi thì bát canh rau, lúc lại bát cháo hành… Có lúc ông bảo “Mình hiểu tôi cứ như mình ở trong lòng tôi vậy”. “Ừ thì tôi không trong lòng ông thì ở trong lòng ai?”. Bà âu yếm nhìn ông cười. Vậy mà bà bỏ đi, bà đi trước chẳng đợi ông theo cùng. Bốn năm không có bà bên cạnh, bốn năm ông thấy mình cô độc, dù ông đang sống cùng một nhà với con trai, con dâu và cháu nội. Con trai thương ông nhưng nó bận rộn, công tác xa nhà suốt, cô cháu gái ngoan hiền nhưng sao lấp được chỗ trống trong ông?...
Ông giương đôi mắt mờ đục nhìn ra vườn. Dưới giàn thiên lý nhác thấy ông, Ban Mai lại ho khù khụ rồi cất giọng khàn khàn Ngồi đây ta gõ… Ông mỉm cười mà mắt nhòa đi. Ừ, Ban Mai hiểu ông, an ủi ông đấy mà!
Tiếng bát đĩa loảng xoảng từ bếp vọng lên, con dâu ông vào bếp, chị đang trút nỗi bực dọc.
- Đan đâu! Xuống mà dọn cơm ra, bố sắp về rồi đấy! Ôi sao mà tôi khổ thế này!
Ngồi ngoài hiên ông nghe mà ứa nước mắt. Con trai ông về, vào đến cổng nhìn thấy bố anh kêu lên:
- Ôi, sao bố ngồi đây, nắng chết!
Nói rồi anh dìu ông vào nhà.
Ông yên lặng cố nuốt cho hết bát cơm chứ lòng ông buồn như chấu cắn. Chị Thùy cũng ăn qua loa rồi vào phòng.
- Bực hết cả người, sáng nay đi làm đã nhờ bố trông giúp ấm thuốc, vậy mà về đến nhà ấm thuốc đã cạn khô - Chị Thùy lại rền rĩ.
- Bố già rồi nên dễ quên, mắt cũng không còn thấy được. Em hãy hiểu và thương bố nhiều hơn - Anh Quang nhìn vợ buồn rầu.
Chị Thùy yên lặng nhìn ra cửa, dưới giàn thiên lý, Ban Mai cất giọng khàn khàn Ngồi đây ta gõ… Hát xong nó lại ho khù khụ. Chị bật cười.
- Anh xem kìa, con Ban Mai nó bắt chước bố giống hệt.
- Ngày anh còn nhỏ nhà mình dưới quê, có một lần bố cõng anh đi qua cánh đồng, nhìn thấy trên cành cao có một cái tổ chim anh nằng nặc đòi bố trèo lên lấy xuống cho anh.
- Thế bố có trèo lên không? - Chị Thùy nhìn chồng chờ đợi.
- Không, bố bảo rằng trong tổ có chim mẹ và chim con, lát nữa chim bố về không thấy vợ con đâu nó sẽ buồn. Thế rồi bố đền cho anh một chùm sim hái được trên đường. Bố bảo trong gia đình khi một người mất đi, người còn ở lại sẽ là người buồn đau.
Chị Thùy nhìn chồng, chợt nhận ra chồng chị bắt đầu già đi, những sợi tóc bạc nhiều hơn, nếp nhăn trên trán cũng hằn sâu hơn.
- Khi anh còn nhỏ, bố là cả thế giới của anh, bố yêu lao động, yêu gia đình và nhân hậu. Bố dạy anh bằng cách riêng của bố, anh ngưỡng mộ sự trong trẻo và thư thái trong tâm hồn của bố - Chồng chị thủ thỉ như đang nói với chính mình.
Ngoài vườn từng chiếc lá vàng rời cành rơi xuống buồn thiu. Thoảng hương hoa sữa nồng nàn theo gió heo may đang len lén qua cửa. Chị nép vào anh yên lặng.
* * *
Tỉnh dậy sau một giấc ngủ dài, ông ra hiên. Chiều muộn. Trong làn gió chớm thu ông nghe được cả tiếng lá rơi thật khẽ. Ông tựa cửa nhìn vào khoảng không vô định. Ông lại nhớ bà. Có lẽ bà giờ đã là một thiên thần có đôi cánh bay xa, bà hạnh phúc, gương mặt tươi tắn đang nhìn xuống ông mỉm cười. Những tia nắng còn sót lại của buổi chiều đang nhảy múa bên hiên. Ông đến bên Ban Mai, dạo này nó đã biết hát nhiều câu. Thấy ông, nó lại nghiêng đầu, đập đập đôi cánh hát than mối tình Trương Chi. Có tiếng cười khúc khích ở phía sau, cô cháu gái chạy ra ôm lưng ông nũng nịu:
- Ông yêu Ban Mai hơn cả cháu!
Ông cười, những nếp nhăn chồng chéo trên gương mặt giãn ra.
- Nếu ngày nào đó cháu thấy cô đơn, hãy nuôi một chú chim và dạy nó hát. Khi cháu buồn nó sẽ hát cho cháu nghe những lời cháu đã dạy nó, rồi cháu sẽ thấy mọi thứ đi qua thật nhẹ - Ông thủ thỉ.
- Ông lại nhớ bà phải không?
- Ừ… trên kia bà đang đợi ông - Ông ngước nhìn đám mây bằng đôi mắt mờ đục.
…Ông ốm nặng, bỏ ăn, Ban Mai cũng buồn ủ rũ. Hôm qua tự dưng ông khỏe lại, ăn được lưng bát cháo ông đòi ra vườn. Đến bên cái lồng nhốt Ban Mai ông run run mở cửa.
- Nào, bay đi Ban Mai! Bay đi nào! - Ông nặng nhọc thốt lên, giọng khàn đặc.
Ban Mai được thả, nó sung sướng đập đôi cánh liệng một vòng như tạm biệt ông rồi bay vút lên cao. Ông lắng nghe tiếng hót của nó xa dần.
Ông vào nhà, đến bậc thềm chân chực khuỵu xuống. Bỗng có tiếng ho khù khụ, ông quay lại. Ban Mai đang đậu trên giàn thiên lý, nó nhìn ông bịn rịn, xòe chiếc đuôi duyên dáng rồi cất tiếng hát Ngồi đây ta gõ… Nó hát đi hát lại câu ông đã dạy nó vào ngày đầu tiên. Ông ngồi xuống bậc thềm, gọi cháu gái mang cho ông cây sáo. Ông chầm chậm thổi, tiếng sáo thánh thót nghe như tiếng nước róc rách bên mạn thuyền… Ban Mai sà xuống đậu trên vai ông hát sông than mối tình Trương Chi… Tiếng sáo vừa dứt, ông gục xuống.
Vợ chồng con trai về đến nhà ông đã chìm vào giấc ngủ. Ông đi thật nhẹ, gương mặt thư thái như đang dạo chơi cùng bà trên phố, cây sáo vẫn nắm trong tay, môi ông chụm lại như đang thổi, dạy Ban Mai hát bài “Trương Chi”.
VŨ NGỌC GIAO