Ngày ấy… mỗi lần gặp, anh thường ghi vào tay chị những lời yêu thương. Chị còn đang đi học, sợ thầy cô và bạn bè phát hiện trêu gẹo nên anh chỉ có thể ghi ở tay.
Minh họa của MINH SƠN |
Lòng bàn tay chị có khi chằng chịt những dòng chữ xanh, đen, đỏ gì cũng đều có cả. Dòng chữ này chưa kịp mờ, dòng chữ mới đã xuất hiện. Có lẽ vì chẳng mấy ngày họ không gặp nhau. Cũng nhiều khi anh tô lại những chữ đã mờ vì thực ra những lời yêu thương cả ngàn năm qua, quanh đi quẩn lại vẫn chỉ vài câu đó. Anh bảo: Bao nhiêu yêu thương vậy mà chỉ chứa trong lòng bàn tay em. Mấy lời đó làm chị cảm động. Bạn bè có trêu cũng không nỡ xóa. Thỉnh thoảng nhớ hoặc giận anh lại xòe tay ra đọc lại những dòng chữ: Anh yêu em. I love you. Nhớ em nhiều. Yêu em mãi… để cho đỡ nhớ và để mà tha thứ.
Mặc kệ ai nói gần, nói xa về tính khí của anh, chưa tốt nghiệp chị vẫn đồng ý cưới. Bạn bè chị không ít người ghen tị vì anh nhiệt tình, việc làm ổn định, kinh tế khá. Chỉ duy nhất cô bạn chung phòng, có cặp mắt cú vọ là lại khịt mũi: Tao thấy tính mày tốt nhưng đoảng, lão ấy thì lại tỉ mỉ cẩn thận như đàn bà nên đâm lo. Chị biết tỉ mỉ cẩn thận là nói tránh của tủn mủn, nhỏ nhặt nhưng chị vẫn cười chống chế: Thì người ta thường tìm những gì người ta thiếu. Lão vậy, tao vầy lấy nhau mới hợp đấy. Người này bù đắp cho những thiếu hụt của người kia, chứ vợ đểnh chồng đoảng thì con chỉ có nước húp cháo!
Cưới nhau năm đầu, chị phải về trường học tiếp. Hai người vẫn ở xa nhau, có khác chăng là trước thì anh chạy xe lên trường, bây giờ thì cuối tuần chị chạy xe về. Cũng đôi khi đầu tuần chị quay về trường với nét mặt có phần mệt mỏi. Bạn hỏi, chị bảo: Không có gì.
Ra trường anh xin được cho chị về làm ở gần nhà. Cuộc sống vợ chồng giờ đây mới thật sự bắt đầu. Thực ra chuyện cũng chẳng có gì to tát. Đầu tiên là chuyện về những đôi dép. Chị chẳng bao giờ quan tâm đến việc để giày dép như thế nào. Có khi vội, cởi giày ra còn vất mỗi nơi một chiếc. Anh thì lại luôn cẩn thận. Vội mấy thì vội, dép cũng phải để ngoài cửa, quay vào trong, nằm song song, khít vào nhau. Bạn bè ngạc nhiên khi thấy nhiều lần vừa bước chân vào phòng, chưa kịp ngồi xuống ghế, chị đã lật bật chạy ra sửa lại giày dép, sợ chúng không ngay hàng thẳng lối. Chị cười ngượng nghịu. Ông chồng tớ suốt ngày bảo: Không có ngày nào anh không phải sắp xếp lại giày, dép cho em! Bạn đi cùng cười bảo: Vớ ông chồng chăm chỉ đảm đang thế, sướng. Chẳng bù cho lão nhà em vung quăng bỏ vãi, suốt ngày đi theo hầu lão. Chị lại cười nhưng bụng nghĩ: Thà là như thế! Ừ thà là như thế chứ đây anh mỗi lần thu dép xong lại gằn giọng: Nhìn cách để giày dép là ra con người. Hỡi ôi! Thật ra thời gian đầu chị đã cáu nhưng cũng cắn răng cười trừ: Ừ, thì anh ngăn nắp sạch sẽ hết phần của em rồi còn gì. Sau đó thì chị bực bội. Người ta thường nói: Nhắc nhở hay khuyên nhủ dù nhẹ nhàng, thì vài lần thôi cũng thành răn dạy, mắng mỏ, mà thiên hạ xưa nay có ai thích nghe răn dạy mắng mỏ bao giờ. Nhất là khi người ấy lại là chồng mình.
Sau chuyện dép là chuyện trang trí, bày biện nhà cửa. Căn nhà tập thể bốn mươi mét vuông không phải là quá chật đối với hai vợ chồng son nhưng anh lại thích thu gom, nhặt nhạnh, nâng niu, cất giữ tất cả mọi thứ anh thấy, nghĩ hoặc tưởng là cần hoặc sẽ cần cho cuộc sống sau này. Mỗi lần anh nói cái câu mà anh coi như chân lý: Nhìn cách để giày dép là ra con người đó. Chị lại cãi thầm: Nhìn đồ đạc trong nhà là ra tính cách chủ nhân của nó thì có! Nhưng biết anh có nhóm máu A “thù dai nhớ lâu” nên câu nói trên lại nằm im trong ngực. Tuy nhiên, có lúc tức quá chị cũng quặc lại: Sao anh không vất bớt cái đống đồ cũ, ve chai, sắt vụn đi. Em sẽ có chỗ trống để kê cái tủ hoặc cái kệ đựng giày. Đỡ phải sắp xếp linh tinh. Anh cáu: Ai nói với em đó là đồ ve chai, sắt vụn? Chị làu bàu: Cái quạt thì rơi cánh, cái bàn ăn thì gãy chân mà cũng chẳng có ghế để mà ngồi. Mấy cái nồi đồng nồi đất thì thiên hạ bây giờ ai dùng. Mấy cái thùng phi kia nữa… chẳng là đồ ve chai thì là gì?
Mười lần như một, sau mỗi trận cãi nhau về đề tài đó, anh lại hì hụi đi sửa quạt, mua thêm ghế, đánh lại nồi xoong nhưng những thứ đó dù có mới, sạch hơn thì thường vẫn chỉ vất xó không có cơ hội dùng đến. Kết quả là nhà vẫn chật những thứ đồ “bỏ thì thương, vương thì tội” mà không khí trong nhà lại nặng nề. Rút kinh nghiệm về sau chị không cãi nữa.
Đứa con trai thứ nhất, đứa con gái thứ hai lần lượt ra đời trong mười năm tiếp theo… Khi chị sinh con đầu lòng, căn nhà cũ thậm chí rất khó di chuyển vì quá nhiều đồ cũ, mới chất đống lên. Anh chị vay thêm tiền chuyển sang căn nhà mới to đẹp hơn. Người ngoài trông vào, ai nấy đều khen: Gia đình anh chị là nhất!
Đùng một cái, họ hàng, người quen thân nghe tin họ ra tòa ly hôn.
Tại buổi hòa giải đầu tiên của phiên tòa ly hôn, vị thẩm phán chủ trì hỏi chị:
Chị làm đơn ly hôn với lý do chung chung là không hợp. Anh ấy lại nói không có chuyện vợ chồng mâu thuẫn, vậy tòa hỏi lại: Anh ấy có từng ngoại tình, phản bội chị không?
- Dạ, không.
- Anh ấy có bạo hành vợ con không?
- Dạ, không…
- Anh ấy có lo kinh tế cho vợ con chu đáo không?
- Dạ, có!
- Anh chị có hạnh phúc trong quan hệ không?
- Dạ…
Chị khẽ nói:
- Mâu thuẫn giữa chúng tôi không phải là vấn đề chăn gối… Chúng tôi vẫn ngủ chung giường…
- Nếu không có lý do chính đáng chúng tôi không thể giải quyết đơn xin ly hôn của chị được. Anh ấy nói vẫn còn tình cảm với chị và thậm chí chỉ vì tự ái mà ký vào đơn ly hôn.
Chị nói trong uất ức: Tôi không thể chịu đựng thêm được nữa.
- “Nhân vô thập toàn”. Tất cả mọi người đều có điểm yếu và điểm mạnh. Anh chị đã có thời gian yêu thương tìm hiểu và cuộc sống chung mười năm. Tôi nghĩ là chị hiểu câu “khơi trong gạn đục”. Hôn nhân không phải chỉ là yêu thương và chấp nhận những điểm tốt mà còn phải “cải tạo” và chấp nhận những điểm không tốt của đối phương. Chị đã có hai con chung. Hãy nghĩ đến những đứa trẻ!
Tại phiên hòa giải thứ hai:
- Chị vẫn nhất quyết xin ly hôn.
- Chỉ vì nghĩ đến con nên tôi đã chịu đựng đến bây giờ.
- Chị đã phải chịu đựng những gì? Xin chị cứ nói thật. Tôi đã nói nếu không có lý do chính đáng tòa sẽ không giải quyết ly hôn.
***
Đó không phải là một vụ án ly hôn quá đặc biệt đối với vị nữ thẩm phán trẻ. Tuy nhiên nguyên nhân ly hôn thì để lại trong cô một ấn tượng khó quên. Ấy là khi người phụ nữ đó vừa khóc vừa vạch áo lên: Trên lưng, ngực, vai, tay của chị chi chít những dòng chữ. Những vết mực lem nhem mới đè lên cũ, nhiều chữ đã được bôi xóa, tẩy rửa nhưng nhiều chữ vẫn còn có thể đọc được. Ngày 26/3: Kho cá không cho tương. Chiều ngày 26/3 đón con trễ. Ngày 24/3: Lại quên khóa cửa phòng. Tối ngày 21/3 lại cãi chồng… và dòng chữ in hoa rất to đã khá mờ: NHỚ LẤY!
BÙI ĐẾ YÊN