Khu đồi cát thênh thênh nắng. Cái nắng trải dài phả hơi nóng rực. Bà Hạ vận áo đen đứng lặng im thả tầm nhìn về phía xa. Cách một dải cát trước mặt bà là chiếc lô cốt đứng trơ mình lầm lì dưới nắng. Những vết sẹo lồi lõm, lỗ chỗ, vặn vện trên bức tường bê tông màu đen ấy là bằng chứng cho cuộc chiến ác liệt trong quá khứ. Đoạn, bà khuỵu xuống, tay nắm chặt lấy ngực.
Minh họa: MINH SƠN |
- Vậy là mẹ đã tìm được nơi ông ngoại con nằm!
Bà kéo con gái ngồi xuống cạnh mình, quệt nước mắt, rút từ túi xách ra cuốn sổ tay bìa xanh màu quế lâm đã sờn biên, lấy tấm ảnh đen trắng kẹp ngay ngắn chính giữa cuốn sổ đưa cho Bình. Tấm ảnh chân dung người đàn ông đã cũ, mờ nét theo tháng năm.
- Đây là ông ngoại con! Mẹ chưa từng gặp ông, chưa từng được gọi tiếng cha nào kể từ khi sinh ra. Ngày ông mất, mẹ hơn hai tuổi, trong mẹ chẳng có ký ức gì về ông ngoại ngoài tấm hình này.
- Thôi, cô đừng khóc nữa, dù gì thì giờ đây cũng biết được cha mình ở đâu, coi như an lòng rồi.
Người đàn ông mặc bộ đồ xanh tiến đến gần và nói. Ông đặt tay lên vai bà vỗ vỗ cảm thông.
- Cám ơn anh!
Bình đỡ mẹ đứng lên, bà Hạ cúi đầu cảm tạ người đàn ông kia rồi rút từ túi xách chiếc phong bì đưa cho ông.
- Tôi từ xa đến lạ nước lạ cái, chú đã giúp tôi mong chú thương cho trót, chú cầm tạm số tiền này lo lễ cho tôi rước cha về quê hương thờ cúng, thiếu bao nhiêu tôi đưa thêm. Còn phần chú tôi sẽ gửi chú thêm để cảm ơn những ngày qua chú đã giúp tôi.
- Chị đừng nói thế, giúp được chị chúng tôi sẵn lòng!
- Cám ơn anh!
- Ấy, chị lại nói cám ơn rồi. Thôi chị vào trong cho mát. Tôi và mấy anh em nữa sẽ giúp chị lo phần hậu sự ở đây. Ngoài này nắng nóng, ở đây chi cho khổ!
- Cám ơn anh! Cha tôi mà. Anh cứ mặc tôi nhé!
Chiều nắng như đổ lửa. Gió Lào thổi cuốn theo hơi cát làm cái nóng càng hanh hơn. Mồ hôi tứa ra ướt đầm lưng, bết dính tóc. Bà Hạ tay cầm bó nhang đưa ngang ngực, khấn vái điều gì đó chỉ đủ bà nghe, vái ba vái rồi cắm bó nhang xuống cát. Bãi cát trước mặt trải dài thăm thẳm, những hạt cát tựa vào nhau thành thảm trắng tinh. Cát cũng có linh hồn. Linh hồn của cát là linh hồn của chính đời người, của những đắng chát, mặn mòi mồ hôi, của những ngọt ngào cây trái… Bà Hạ quỳ xuống, cẩn trọng bốc một nắm cát, nhẹ nhàng đặt vào bình sành nhỏ trên chiếc khay lót vải trắng đã chuẩn bị sẵn kế bên. Bà nâng niu như thể đang nâng chính một linh hồn. Mà đúng! Với bà, nắm cát ấy có linh hồn thực sự.
- Được rồi! Người đàn ông mặc trang phục xanh nhanh tay đậy miệng chiếc bình sành rồi cẩn thận gấp miệng của tấm vải lót lại ngay ngắn, bọc thêm ngoài lớp vải vàng, cột thắt chu đáo. Đâu vào đó, ông và mấy người đàn ông nữa, người bê bình sành, người bát nhang, dĩa trái cây đặt lên ô tô giúp bà, người đi sau rải vàng mã. Họ làm một cách kính cẩn, trang nghiêm. Bà Hạ khẽ quẹt mi. Bà mở giỏ lấy chiếc phong bì đã chuẩn bị sẵn trao cho nhóm người giúp bà lo việc cha.
- Cái này tôi xin gửi các anh uống nước. Thật là không phải, nhưng mong các anh nhận cho tôi an lòng.
- Chỗ chị em với nhau cả, chị đừng khách sáo thế!
- Thật may mắn vì gặp được các anh. Cám ơn các anh nhiều. Đây là số điện thoại tôi. Sau này có gì khó khăn cứ gọi cho tôi. Bây giờ tôi phải xin phép đi cho kịp!
- Chào chị. Chị và cháu đi đường bình an nhé!
Xe từ từ chuyển bánh. Bà mở cửa sổ ngoái nhìn lần nữa nơi mà cha mình đã nằm nghỉ bấy lâu. Những người đàn ông thu dọn đồ đạc ra về, nắng chiều xô bóng người thành từng vệt dài lêu khêu trên cát.
* * *
Pleiku ngày trở gió. Những cơn dốc phủ đầy sương. Từ sáng sớm, ông Chiến đã ra dọc theo những con đường trên phố bán vé số dạo. Ông người miền Trung lên Tây Nguyên từ sau hòa bình lập lại. Là thương binh hạng 3/4, mất một cánh tay, khuôn mặt biến dạng vì mảnh đạn găm vào, mỗi khi trái gió trở trời những chỗ ấy vẫn làm ông rấm rứt không ngủ được. Ông sống bằng nghề bán vé số dạo và nhận đan những món đồ lưu niệm bằng tre nứa cho các shop nhỏ lẻ trên phố. Hằng ngày, người qua đường vẫn thấy ông cưu mang những đứa trẻ đánh giày bằng chiếc bánh mì sáng hay hộp cơm trưa. Đều đặn cuối tháng ông dành một phần tiền trợ cấp thương binh mua gạo chở đến Bếp cháo từ thiện của viện nhi tỉnh. Đôi người vẫn chặc lưỡi lắc đầu khi thấy một ông già đã tật, khổ lại còn thích giúp đỡ nguời khác. Họ đâu biết trong thân tâm ông làm những việc đó chẳng phải vì thích mà nó xuất phát từ cái tính nhân từ, sống sẻ chia, cưu mang lẫn nhau giữa người với người. Với ông, được sống để trở về từ trong bom rơi đạn nổ đã là may mắn quá đỗi. Hà cớ gì người với người sống mà không thương nhau?
Đều đặn mỗi tháng ông không bỏ buổi sinh hoạt Đảng nào của tổ dân phố nơi ông trọ. Những phong trào tổ phát động ông tham gia nhiệt tình, còn vận động những người xung quanh mình cùng làm. Mỗi lần có cơ hội nói chuyện với lớp trẻ về Đảng, về Bác, ông nói bằng cả sự say mê, bằng cả niềm tự hào. Mắt ông bao giờ cũng sáng lên, nét mặt rạng ngời như thể chính ông vừa có được thứ gì đó rất đỗi đẹp đẽ.
Từ ngày quen ông, bé Bình vẫn thường lui tới phòng trọ của ông để xem đan lát. Nó mê mệt những chiếc giỏ, bình bông tinh tế mà ông Chiến dùng một tay để tạo ra. Nó bảo “ông giỏi hơn cả mấy chú thợ của mẹ con luôn ông ạ!”. Rồi nó mang chuyện ông Chiến cụt đan lát về kể với mẹ. Đến thăm ông, bà Hạ ngỡ ngàng khi thấy mọi thứ trong căn phòng trọ của ông đều làm từ tre. Những gốc tre người ta đào lên vứt đi, ông nhặt về, đẽo dũa và kết thành cái bàn, cái ghế, đan thành cái rổ… để dùng. Bà Hạ mừng rỡ như bắt được vàng, bấy lâu nay, xưởng mỹ nghệ của bà vẫn cần một người thợ khéo tay như ông. Bà kể cho ông nghe những khó khăn của mình và xin ông giúp bà đến xưởng làm.
- Chú đừng bán vé số nữa, chú về giúp cháu với!
Lần lửa mãi rồi ông Chiến cũng đồng ý dọn đến khu tập thể dành cho nhân viên trong xưởng mỹ nghệ của bà Hạ sống, một phần cũng vì khu nhà trọ giữa lòng thành phố bị giải tỏa. Ông già rồi không thể cứ nay đây mai đó mãi.
Những món đồ ông Chiến làm được bà Hạ đưa ra thị trường giới thiệu. Có đoàn khách Tây lên thăm, ngỡ ngàng trước tài năng của ông Chiến, mỗi người chọn lấy vài món ưng ý để mang theo về nước họ. Bà Hạ khấp khởi trong lòng về dự án sắp tới.
Chiều đến, ông Chiến thường đăm chiêu về phía những con dốc. Phía ấy, sương đang giăng phủ đầy lối, lòng ông dấy lên nỗi khắc khoải về đứa con gái chưa một lần gặp mặt. Nhìn mẹ con bà Hạ đôi lúc ông có cảm giác rất đỗi gần gũi... Nhớ ngày con bé gặp tai nạn trên đường đi học về và được ông đưa vào bệnh viện, nó cứ ôm ghì lấy ông vì sợ hãi, thấy nó đau ông cũng không cầm được lòng. Từ ngày ấy, nó cứ gọi ông là ông ngoại. Hai từ ông ngoại xoáy vào ông những cảm xúc êm ái đến lạ kỳ. Nhiều lúc ông ước “giá mà nó là cháu ông thật!”
* * *
Đèn sân khấu tắt. MC chương trình “Vòng tròn” vừa đọc, giọng chị vừa run run xúc động. Đoạn, chị phải dừng lại mấy giây. Khán giả theo dõi những hình ảnh trên màn hình cũng rưng rưng theo.
Phía khán đài, bà Hạ vẫn chăm chú dõi về màn hình. Bà đã thôi cái ý định tìm cha từ ngày bốc nắm cát về thờ. Trong ý nghĩ bà thì cha đã hy sinh thật rồi. Nhưng một hôm, cuộc điện thoại từ chương trình gọi về làm bà xáo trộn hết cả mọi giác quan.
Bà òa lên nức nở khi thấy hình ảnh người đàn ông cụt một tay xuất hiện trên màn hình, bên cạnh là những chiếc giỏ, rổ được làm bằng tre. Phải mất một chặp, Bình mới dìu được mẹ lên sân khấu. Ông Chiến xuất hiện. Ngỡ ngàng. Bàng hoàng.
Những giọt nước mắt ứ động kìm nén trong lòng suốt bao năm nay cứ thế tuôn chảy. Bà Hạ và ông Chiến tỳ vào nhau khóc. Nước mắt thấm ướt hết vai áo nhau, ướt cả miếng thịt lồi nhu nhú dưới cái tay áo lủng lẳng của ông Chiến.
Giây phút ấy, mọi thứ như vỡ òa. Cả hạnh phúc, cả đau đớn, cả vui sướng lẫn những tủi hờn.
Cái đêm đơn vị hành quân từ Bắc vào chiến trường Quảng Trị, lúc ngang qua nhà, ông đã xin thủ trưởng cho ông mười phút chạy về nhà chỉ để nhìn mặt vợ. Ấy thế mà vừa về đầu ngõ đã nghe bà con hàng xóm bảo vợ ông trở dạ khó sinh đã chuyển xuống bệnh viện tuyến huyện. Chỉ mười phút thì làm sao ông có thể xuống huyện thăm vợ con. Nhiệm vụ đất nước thì không thể chậm trễ. Thế là lỡ một lần gặp nhau và lỡ cho đến tận bây giờ. Ngày hòa bình ông trở về quê với bao hồi hộp, mong mỏi nhưng cũng vừa lúc vừa chạm đầu ngõ thì dì Tư chạy ra, ôm lấy ông mà khóc lấy khóc để:
- Thằng Chiến. Thằng Chiến phải không?
- Con đây dì ơi! Con về rồi đây!
- Răng chừ mi mới về? Bao năm qua mi ở mô? Răng không tin tức chi về hết?
- Dạ, chiến tranh mà dì, đơn vị con thay đổi chỗ ở liên tục. Hết vào Nam rồi lại về Trung. Mấy lần con gửi thư về mà không thấy vợ con hồi âm? Vợ con con khỏe không dì?
- Người ta nói mi chết rồi! Giấy báo tử cũng gửi về rồi. Con Tâm chờ mi đằng mấy năm không một tin tức. Răng mi về muộn rứa?
- Muộn! Là răng dì?
- Mẹ con con Tâm theo theo người ta lên Tây Nguyên lập nghiệp một năm nay rồi!
Ông ngược vào Tây Nguyên tìm vợ. Dì Tư bảo vợ ông lên KBang cùng với mấy người trong xã. Ông cầm miếng giấy nhỏ ghi địa chỉ lần tìm. Nhưng đến KBang, tìm được người quen thì họ lại bảo vợ con ông đã chuyển về Bình Phước. Ông lại lặn lội lên Bình Phước. Ở đây ông nhận được tin vợ mất do sốt rét. Con gái ông được một người trên Gia Lai nhận nuôi. Ông lại tất tưởi quay trở về Gia Lai. Nhưng bao năm rồi ông vẫn không có tin tức gì của con bé. Ông ở lại Gia Lai sống bằng đồng trợ cấp thương binh và ngày ngày bán vé số dạo trên các con đường phố Pleiku nuôi hy vong gặp con gái.
Có lần ông về KBang nhưng cũng chẳng ai biết gì. Ngày con gái ông được người ta nhận nuôi nó vẫn còn quá bé để ghi nhớ những thứ quanh mình. Một lần xem tivi ông biết đến chương trình “Vòng tròn”, ông đã viết thư gửi đi. Còn bà Hạ thì vẫn luôn đinh ninh rằng cha mình đã mất. Không ngờ rằng bấy lâu nay, họ đã gặp nhau, sống ngay cạnh nhau… MC trao cho bà tờ giấy xét nghiệm kết quả ADN mẫu tóc của bà và ông Chiến. Mọi thứ trước mắt nhòe đi...
* * *
Nắng đổ giọt tí tách trên những chiếc lá tre trước sân. Những chú sẻ nâu sà xuống đâu chơi. Căn nhà bà Hạ rộn ràng tiếng người thăm hỏi.
TRƯƠNG THỊ CHUNG