Bốn mùa mưa vẫn đợi ai

Thứ Bảy, 04/07/2020, 08:10 [GMT+7]
In bài này
.

Thiên nhiên ban tặng cho ta các mùa. Mùa nào cũng có vẻ đẹp riêng tạo nên những cảm xúc độc đáo, ấn tượng khác nhau. Mùa mưa ở Việt Nam thường rơi vào giữa năm, có khi kéo dài đến cuối năm. Mưa là nguồn cảm hứng cho rất nhiều tác phẩm thi ca, truyền tải tâm trạng của tác giả tìm đến sự cộng hưởng cùng người thưởng thức. Mưa vốn là một hiện tượng tự nhiên của thời tiết nhưng nhìn mưa để vui hay để buồn lại chính từ lòng người mà ra vậy.

Mưa đêm ở thành phố Vũng Tàu.
Mưa đêm ở thành phố Vũng Tàu.

DẤU MƯA KỈ NIỆM

Khi cơn mưa đổ xuống gột rửa lại phố xá, tưới tắm lá hoa và vạn vật nhưng cũng có thể xóa nhòa đi những dấu vết cũ. Với thi nhân, cơn mưa có khi tượng trưng cho sự quên lãng của con người, để những kỉ niệm xưa phút chốc nhạt nhòa dấu cũ:

“Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa/ Xoá nhoà hết những điều em hứa/ Mây đen tới trời chẳng còn xanh nữa/ Nắng không trong như nắng buổi ban đầu/ Cơn mưa rào nối trận mưa ngâu/ Xoá cả dấu chân em về buổi ấy/ Gối phai nhạt mùi hương bối rối/ Lá trên cành khô tan tác bay” (Anh chỉ sợ rồi trời sẽ mưa - Lưu Quang Vũ)

Trong tiếng mưa rả rích, những hồi ức cứ ùa về làm day dứt con tim. Người xưa vẫn còn nhưng tình xưa đã khác. Chỉ nỗi nhớ lang thang trong những hạt mưa rơi ngoài thềm lạnh:

“Tháng sáu/ Mưa/ Giá trời đừng mưa/ anh đừng nhớ/ Trời không mưa và anh không nhớ/ anh còn biết làm gì?/ Em như hạt mưa trên phố xưa/ Nuôi kỷ niệm bám hoài trí nhớ/ Kỷ niệm như rêu/ Giẫm vào anh trượt ngã/ tình xưa xa lắm rồi...” (Khúc mưa - Đỗ Trung Quân).

Mưa được ví như nước mắt mà nước mắt thường rơi khi buồn. Mưa còn mang cả những dỗi hờn về một mối tình đơn phương thời vụng dại hình như ai cũng đã từng, tưởng như rất trẻ con, mà đến trăm năm vẫn cứ vọng về xa xót: “Người từ trăm năm/ về như dao nhọn/ ngọt ngào vết đâm/ ta chết âm thầm/ máu chưa kịp đổ/ (thà như giọt mưa/ vỡ trên tượng đá/ thà như giọt mưa/ khô trên tượng đá/ có còn hơn không/ mưa ôm tượng đá)/ thà như giọt mưa/ gieo xuống mặt người/ vỡ tan vỡ tan/ nào ta ân hận/ bởi còn kịp nghe/ nhịp run vồi vội/ trên ngọn lông măng/ (người từ trăm năm/ vì ta phải khổ)” (Khúc tình buồn - Nguyễn Tất Nhiên)

CHO THUYỀN GHÉ BẾN

Nhà biên kịch, đạo diễn Robert Alan Aurthur nói về mưa rằng: “Ngoài trời mưa đang rất to, nhưng bạn mỉm cười nên mưa hóa nhỏ”. Tựu trung thì nắng mưa vẫn là việc của đất trời, của thiên nhiên, chỉ có lòng người mới thành muôn nhẽ.

“Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt/ Trời không mưa anh cũng lạy trời mưa/ Anh lạy trời mưa phong tỏa đường về/ Và đêm ơi xin cứ dài vô tận/ Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến/ Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa/ Hãy gửi cho nhau từng hơi thở mùa thu/ Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ/ Và hãy nói năng những lời vô nghĩa/ Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai/ Hãy để môi rót rượu vào môi/ Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn/ Gió có lạnh hãy cầm tay cho chặt/ Đêm có khuya em hãy ngủ cho ngoan/ Hãy biến cuộc đời thành những tối tân hôn…” (Mưa tháng 6 - Nguyên Sa)

Có lẽ trời mưa cũng là cái cớ để bao mối tình đơm hoa kết trái. Trong tiết trời se lạnh và ướt át khiến lòng người dễ dàng cảm động hơn, mềm yếu hơn. Mưa chính là kẻ “đồng lõa” đáng yêu, là chứng nhân cho biết bao cuộc tình.

“Chiều đang sâu thắm một màu/ tự dưng lộp độp ngang đầu - ồ mưa!/ mưa rào giữa nắng hay chưa/ hạt mưa ném thẳng có chừa ai đâu/ vội vàng ta nấp vào nhau/ mái đầu che lấy mái đầu thoảng hương/ - Em đừng trách nhé, em thương/ nào ai biết được giữa đường gặp mưa!/ tiếng em như tiếng gió lùa/ - thôi, đừng nói giọng người xưa, buồn cười!/ Từ môi mưa giọt xuống môi/ nhấm chung một hạt mưa rơi mặn mà/ áo em ướt lẫn vào da/ tóc lẫn vào gió, gió là sợi tơ/ mắt em trong đến ngây thơ/ trong như nắng giữa mịt mờ mưa giăng” (Mưa trong nắng, nắng trong mưa - Nguyễn Duy)

Mưa đẩy cảm xúc của thi nhân đến tận cùng cung bậc yêu. Trong từng giọt nước nhỏ nhoi ngỡ như vô tri ấy lại chứa đựng một trời thương cảm. Qua lăng kính mưa, mọi thứ thơ mộng hơn, lung linh hơn giống như nhìn từ đôi mắt của người đang yêu vậy.

“hạnh phúc tôi từ những ngày nước lớn/ trời mưa mau tay vuốt mặt khôn cùng/ bầy sẻ cũ hom hem chiều ngói xám/ trời xanh xao chân nhỏ cũng không về/ cây mộng nở từng ngón tay lá nõn/ nôi tương tư cỏ ấm thịt da người/ tôi hiu hắt từ mắt em ngát tạnh/ môi thâm khô từ thuở định xin hôn…” (Khúc thêm cho Huyền Châu - Du Tử Lê)

Lúc này thì không biết mưa từ ngoài thấm vào lòng người hay mưa từ trong lòng người mà ra. Mưa đã kết nối những phận người, để cho tình người quyện vào nhau, gần gũi hơn, thân thuộc hơn.

“Bắt đầu quên hết thảy/ Tình cuối lẫn tình đầu/ Nhớ duy nhất một thứ/ Yêu lần nào cũng đau/ Lòng không còn thiết nghĩ/ Mình đã hôn bao lần/ Chỉ biết nụ hôn cuối/ Mắt nhoè hơn sông ngân…” (Yêu lần nào cũng đau - Nồng Nàn Phố)

Mùa mưa lại đến trên những con phố quen. Những cơn mưa được dự báo trước hay những cơn mưa bất chợt đều đem lại những cảm xúc khác nhau, những vẻ đẹp khó lẫn. Không ai trong chúng ta lại không có những kỉ niệm nào đó gắn liền với những cơn mưa. Vì thế khi ngồi một mình hay giữa đám đông huyên náo thì mưa vẫn khiến lòng ta có những cảm nhận đặc biệt. Và lại nhớ đến Trịnh vào chiều mưa này: “Mưa vẫn hay mưa trên hàng lá nhỏ/ Buổi chiều ngồi ngóng những chuyến mưa qua/ Trên bước chân em âm thầm lá đổ/ Chợt hồn xanh buốt cho mình xót xa/ Chiều nay còn mưa sao em không lại/ Nhớ mãi trong cơn đau vùi/ Làm sao có nhau, hằn lên nỗi đau/ Bước chân em xin về mau/ Mưa vẫn hay mưa cho đời biến động/ Làm sao em nhớ những vết chim di/ Xin hãy cho mưa qua miền đất rộng/ Để người phiêu lãng quên mình lãng du” (Diễm Xưa - Trịnh Công Sơn).

VŨ THANH HOA

;
.