Ngày 11/7, Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu (04, Trần Phú, TP. Vũng Tàu) đã chính thức khai trương đón khách. Vậy là sau nhiều năm chờ đợi, Bảo tàng tỉnh hoàn thành, đưa vào hoạt động đã góp thêm điểm đến văn hóa, du lịch mới, hứa hẹn nhiều hấp dẫn với người dân và du khách.
Khách tham quan các khu trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. |
CÔNG TRÌNH VĂN HÓA XỨNG TẦM
Cùng người dân và du khách tham quan Bảo tàng tỉnh đúng ngày khai trương, chúng tôi cảm nhận được sự bề thế, hấp dẫn của điểm đến mới này. Bảo tàng nằm sát chân Núi Lớn, xung quanh bao bọc bởi nhiều cây xanh, mặt hướng ra Bãi Trước thoáng đãng, thơ mộng. Từng khu trưng bày là những câu chuyện sinh động về điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của vùng đất Bà Rịa-Vũng Tàu từ khi những cư dân đầu tiên đến khai hoang lập ấp đến nay.
Các tổ hợp trưng bày ở lầu 1 mang lại cho khách cái nhìn tổng quan về cảnh quan, thiên nhiên, con người Bà Rịa-Vũng Tàu, với đặc điểm gắn liền sông, biển, đảo, núi rừng. Điểm nhấn của khu trưng bày này là Vườn quốc gia và biển Côn Đảo (huyện Côn Đảo), khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu-Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc) với các loại cây bần, đước, chà là và các loài sinh vật đặc trưng (ốc, bò biển…). Cạnh đó là các mô hình nhà sàn của đồng bào dân tộc Châu Ro, ngôi nhà 1 gian 2 chái đặc trưng của người dân Nam bộ thế kỷ XIX hay khu trưng bày các làng nghề truyền thống tiêu biểu của Bà Rịa-Vũng Tàu (nghề làm muối, làm bánh tráng, chế tác đá mỹ nghệ, nấu rượu…). Những mô hình trưng bày này đã phần nào phản ánh phong tục, tập quán, sinh hoạt truyền thống độc đáo riêng, góp phần tạo nên sắc thái văn hóa phong phú, đa dạng trong quá trình hình thành và phát triển của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trên lầu 2, những tổ hợp trưng bày trận đánh tại pháo đài Phước Thắng, địa đạo Long Phước, nhà tù Côn Đảo, chiến thắng Bình Giã… với những hình ảnh, hiện vật như: tù nhân lao động khổ sai, súng thần công, xe thồ chở gạo đã phản ánh được truyền thống đấu tranh bất khuất của quân và dân Bà Rịa-Vũng Tàu trong cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
Một trong những điểm nhấn, tạo ấn tượng mạnh mẽ với người dân và du khách là Bảo tàng tỉnh đã dành không gian rộng lớn ở lầu 3 để trưng bày các bộ sưu tập cổ vật trục vớt từ các con tàu đắm trên vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. Trong lòng mô hình một con tàu đắm là những bộ sưu tập có giá trị lịch sử, văn hóa và kinh tế như: Bộ sưu tập gốm sứ thời Khang Hy, gốm sứ Pháp, gốm sứ Thái Lan… Điều này là minh chứng cho vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu có vị trí quan trọng, nằm trên tuyến đường giao thương hàng hải quốc tế nhộn nhịp qua nhiều thế kỷ. Trong hải trình đi qua vùng biển này để vận chuyển, trao đổi hàng hóa giữa khu vực Đông và Tây bán cầu, nhiều con tàu đã gặp nạn.
DU KHÁCH HÀO HỨNG
Không gian trưng bày rộng, đa dạng khiến khách tham quan không cảm thấy nhàm chán, ngột ngạt. Ngược lại, ai cũng tỏ ra thích thú trước bộ sưu tập với hàng chục ngàn hiện vật đồ sộ. Mỗi nhóm hình ảnh, hiện vật như kích thích thêm trí tò mò khám phá nơi khách tham quan, càng khám phá càng thêm hiểu, thêm thú vị trước lịch sử. Nếu mỏi chân, khách có thể ghé phòng chiếu để xem phim về tư liệu, hiện vật. Du khách cũng có thể sử dụng 12 màn hình để tra cứu thông tin, hình ảnh về tư liệu, hiện vật trưng bày tại Bảo tàng.
Đến tham quan Bảo tàng, anh Vũ Tiến Dũng (360/12/13, Nguyễn An Ninh, TP.Vũng Tàu) cảm thấy rất ấn tượng. Anh Dũng cho biết, Bảo tàng đã khéo léo sắp xếp, trưng bày chân thực, sinh động để làm nổi bật các ngành kinh tế mũi nhọn về dầu khí, cảng biển, du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu. “Bảo tàng đi vào hoạt động không chỉ giúp tỉnh có thêm điểm du lịch mới mà còn là nơi để giáo dục truyền thống lịch sử cho thế hệ trẻ về quá trình hình thành và phát triển của tỉnh từ khi thành lập đến nay. Từ đó, thế hệ trẻ cố gắng học tập, rèn luyện để đóng góp vào sự phát triển của địa phương”, anh Dũng nói.
Mẹ con chị Phan Thị Thùy Dương (khu phố 5, phường Thanh Sơn, TP. Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận) đến TP. Vũng Tàu du lịch đúng ngày Bảo tàng tỉnh mở cửa đón khách. Khi hay tin, mẹ con chị đã cố gắng thu xếp để tham quan Bảo tàng. Chị Dương nói: “Bảo tàng có lợi thế nằm ở vị trí sát biển, rất đẹp. Đây là điều kiện thuận lợi để thu hút khách sau khi dạo vòng quanh biển sẽ dừng chân để tham quan Bảo tàng”.
Ông Trần Anh Thiện, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, kể từ khi mở cửa đến nay, Bảo tàng tỉnh đã đón nhiều đoàn khách du lịch đến từ các tỉnh, thành: TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ, Thanh Hóa, Kon Tum... Bên cạnh đó, nhiều trường học trên địa bàn TP.Vũng Tàu cũng tổ chức đưa HS đến Bảo tàng tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa.
Bảo tàng tỉnh mở cửa đón khách miễn phí đến hết năm 2020. Đây là dịp để Bảo tàng tỉnh quảng bá, giới thiệu đến người dân, khách du lịch về điểm du lịch mới này. Trong thời gian này, Bảo tàng tỉnh sẽ ghi nhận những ý kiến đóng góp của người dân, du khách, các nhà quản lý và chuyên gia… để điều chỉnh cách trưng bày tư liệu, hiện vật cho hợp lý hơn. “Chúng tôi đã giao Ban giám đốc Bảo tàng tỉnh tăng cường quảng bá, liên kết với các DN du lịch, lữ hành để họ giới thiệu, đưa khách vào tham quan mỗi khi đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Cách làm này sẽ góp phần làm đa dạng sản phẩm du lịch, giữ chân du khách lưu lại Bà Rịa-Vũng Tàu lâu hơn”, ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT nói.
BÀ PHẠM THỊ NGỌC DUNG, PHÓ GIÁM ĐỐC VIETRAVEL CHI NHÁNH VŨNG TÀU
Sẽ đưa vào tour tham quan Vũng Tàu
Bảo tàng được đầu tư quy mô, với nhiều khu vực trưng bày. Vị trí nằm sát cụm di tích Bạch Dinh và KDL Hồ Mây, tạo sự thuận tiện cho du khách khi tham quan TP. Vũng Tàu. Chúng tôi kỳ vọng, Bảo tàng tỉnh kết hợp với cụm di tích Bạch Dinh, KDL Hồ Mây, di tích trận địa pháo cổ Sao Mai-Núi Lớn và Bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor sẽ trở thành điểm nhấn đặc sắc trong tour đến TP. Vũng Tàu.
Vietravel sẽ làm mới tour và đưa Bảo tàng Bà Rịa-Vũng Tàu vào lịch trình đến TP. Vũng Tàu, giúp khách có những trải nghiệm văn hóa bản địa lý thú, cũng như có cái nhìn mới về du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
|
Bài, ảnh: THI PHONG-TUỆ LÂM