Buổi chiều, lúc ông Trung đi làm về tới nhà, vừa bước vào cửa là mặt mày hầm hầm giận dữ. Ông đi từ trước ra sau tìm thằng Quân nhưng không thấy bóng dáng nó đâu. Chỉ có một mình bà Hiền đang lui cui dưới bếp.
Minh họa: MINH SƠN |
- Bộ thằng Quân đi chơi nữa rồi hả bà?
- Ừa. Hồi nãy con nó xin đi chơi với mấy đứa bạn một chút rồi về.
Lập tức, ông Trung lấy điện thoại gọi thằng Quân, nhưng không liên lạc được. Cơn tức giận trong người ông lại sôi lên sùng sục. Ông lẩm bẩm:
- Thiệt tình con với cái. Học hành không lo. Suốt ngày chỉ giỏi tụ tập bạn bè để chơi bời không hà.
- Lâu lâu mình cũng nên để cho con nó đi chơi với bạn bè chớ.
Ông Trung trợn mắt nhìn bà Hiền, rồi hằn học bảo:
- Bà cứ vậy không hà? Đúng là con hư tại mẹ. Ông bà xưa nói quả không sai mà.
Ông Trung không nói gì thêm. Đi vội vào phòng đóng cửa thật mạnh cho hả cơn giận. Biết chồng đang tức giận, bà Hiền lặng thinh không nói thêm tiếng nào. Xưa nay tánh bà vẫn thế. Mỗi khi có chuyện gì khiến ông Trung giận, không cần biết ai đúng, ai sai, bà luôn là người nhường nhịn trước. Sở dĩ làm như vậy vì bà biết rõ tánh ý của chồng mình hơn ai hết. Ông là người rất nóng tính. Hễ đụng chuyện cái là làm ầm ĩ lên. Hơn nữa, nhường nhịn ông Trung không phải vì sợ chồng, bà chỉ không muốn gia đình bất hòa, xào xáo sẽ không hay. Vả lại, là vợ chồng với nhau nhường nhịn vài ba câu nói có lỗ lã gì đâu.
* * *
Ông Trung là một sĩ quan quân đội. Ông là một người sống rất kỷ luật. Không chỉ trong công tác, mà ngay cả ở trong gia đình cũng thế. Ông luôn vận dụng cái quy tắc “kỷ luật” trong quân đội để giáo dục con cái.
Thằng Quân là đứa con một trong gia đình. Từ nhỏ, nó luôn được cha mẹ yêu thương, chăm lo từ li từng tí một. Bà Hiền chiều con trai một cách vô điều kiện. Còn ông Trung tuy có nghiêm khắc với con, nhưng ông luôn dành những đều tốt đẹp nhất cho con trai mình. Dù bận trăm công ngàn việc, nhưng ông vẫn dành phần dạy dỗ đứa con trai của mình. Ông thường dạy thằng Quân bằng cách gắn ghép nó vào trong khuôn khổ của những quy định trong quân đội.
Thằng Quân có tật thường hay ngủ nướng. Sáng nào cũng vậy, ông Trung vào gọi năm lần bảy lượt mà nó vẫn chưa chịu dậy.
- Ngủ kiểu con, khi vào trong quân ngũ thế nào cũng bị phê bình cho mà coi.
Đến giờ cơm, bà Hiền đã dọn sẵn thức ăn và gọi cả nhà cùng ăn. Vừa nghe tiếng vợ gọi, ông Trung sốt sắng xuống bếp phụ dọn chén, đũa…Xong xuôi, ông vào bàn ngồi chờ. Lúc này, thằng Quân vẫn còn nấn ná nằm trên võng lướt Facebook. Sốt ruột. Ông liền cất tiếng gọi thêm lần nữa. Một lát sau, nó mới chịu xuống ngồi vào bàn ăn cơm.
- Làm việc gì cũng lề mề hà, không nhanh nhẹn gì hết. Con mà vào trong quân ngũ thế nào cũng nhịn đói cho mà coi. Ai mà ở không chờ đợi con hoài…
Nó ngồi vào bàn. Cái mặt chằm dằm chù ụ. Không nói với ai một tiếng nào. Lặng lẽ bưng chén. Lặng lẽ cầm đũa. Lặng lẽ và cơm ăn. Nó cố gắng và thật nhanh cho hết cơm trong chén rồi buông đũa xuống:
- Con no rồi!
Nhìn cử chỉ của nó, bà Hiền biết con trai đang giận lẫy cha nó. Sợ con ăn chưa no rồi nửa đêm lại đói bụng. Ban đêm ban hôm mà ăn uống nữa sẽ không tốt cho sức khỏe. Bà cố năn nỉ nó ăn thêm. Nhưng nó nhất quyết không chịu ăn. Ông Trung thì cứ ngó lơ, mặc kệ:
- Đây là nhà của nó. Nó không muốn ăn thì đói ráng chịu. Hơi sức đâu mà năn nỉ. Làm vậy riết cho nó lừng.
* * *
Từ nhỏ, thằng Quân có ước mơ sau này trở thành thầy giáo dạy Văn. Thế nhưng, lâu nay nó vẫn luôn dấu kín ước mơ trong lòng. Không dám nói ra vì sợ cha mẹ biết sẽ không ủng hộ, nhất là cha.
Năm nay thằng Quân học lớp 12. Từ lâu, nó đã âm thầm chuẩn bị sẵn tâm lý và học rất tốt các môn có liên quan ngành Sư phạm Ngữ Văn. Thế nhưng, ông Trung thì không cần biết sở trường của con trai mình là gì, ước muốn của nó ra sao. Một hai ông bắt buộc nó phải đăng ký ngành nghề theo ước muốn của mình. Ông lý giải:
- Con trai thì phải giống cha. Cha làm trong quân đội thì con phải học ở trường quân đội để sau này nối nghiệp cha. Làm trong quân đội để có cơ hội rèn luyện bản thân…
Kể từ đó, mỗi khi gặp bạn bè trò chuyện, nói về chuyện học hành của con cái, ông Trung đều mang việc học hành của con trai mình ra khoe với mọi người và dõng dạc tuyên bố:
- Sau này, thằng Quân con trai tôi sẽ đăng ký vào học ở Trường Sĩ quan Lục quân 2. Ngành “Chỉ huy tham mưu Lục quân”.
Khi nói về chuyện học hành của con, ông Trung nói một cách say sưa với biết bao chuyện đã dự tính trong tương lai dành cho đứa con trai yêu quý của mình. Những người bạn của ông nghe nói vậy họ đều tỏ vẻ khâm phục. Một người cha đã hết lòng lo lắng cho con trai từng li từng tí một, tỉ mỉ, vạch sẵn con đường tương lai cho con một cách chu toàn.
Đám bạn học chung của thằng Quân đến nhà chơi, thấy nó được cha mẹ yêu thương, lo lắng, chiều chuộng đứa nào đứa nấy cũng trầm trồ khen ngợi và ngưỡng mộ. Có biết bao đứa đã mơ ước được như Quân. Được sống trong cảnh giàu sang. Được cha yêu thương, lo lắng từng chút một.
- Bạn thật là có phước. Ước gì mình được như bạn.
Những người đứng ngoài cuộc thì hết lời khâm phục, ngưỡng mộ và mơ ước được như Quân. Nhưng, đối với nó thì hoàn toàn khác. Nó cảm thấy bực bội, khó chịu hơn là hạnh phúc. Nó không cần sống trong gia đình giàu sang, cũng không quen với sự lo lắng “quá mức” của cha. Nó chỉ ước sao sống mà được tự do làm điều mình muốn làm. Tự do thực hiện ước mơ, hoài bảo của mình thì dù có sống trong cảnh nghèo khó cũng thấy vui và hạnh phúc biết mấy.
* * *
Đến tối, gần mười một giờ đêm mà thằng Quân đi chơi vẫn chưa về. Điện thoại thì không liên lạc được. Vợ chồng ông Trung đều thấp thỏm, lo âu. Hai tay chống nạnh, đi tới đi lui miệng ông lầm bầm:
- Lần này nó về, tôi sẽ cho nó biết tay tôi.
Một lát sau, thằng Quân về tới. Vừa bước vào cửa, ông Trung liền mắng cho một trận. Nó tỏ vẻ thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Đi ngã tới ngã lui. Người nó nồng nặc mùi rượu:
- Mấy đứa bạn học chung lớp với mày giờ người ta đã vào học đại học rồi. Còn mày thì sao hả? Học hành không ra trò trống gì hết. Suốt ngày cứ tụ tập ăn nhậu say xỉn. Nhìn không có ra cái hệ thống gì cả.
- Mặc kệ con.
Quân quơ tay, quơ chân tỏ vẻ bất cần. Ông Trung tức giận, nhào tới tát vào mặt nó một bạt tai... Đánh con mà tim ông đau như cắt, tay run lẩy bẩy. Bà Hiền liền can ngăn: “Đừng ông! Con nó xỉn quắc cần câu rồi. Có gì để ngày mai nói!”. Xong, bà dìu con trai vào phòng ngủ. Nó tức tối không chịu đi. Nằm ì trên bộ sa lông, quần áo xốc xếch, khóc lóc kể lể đủ thứ chuyện.
Hôm nhà trường thông báo làm hồ sơ đăng ký tuyển sinh đại học. Đã đến lúc Quân phải nói cho gia đình biết rõ sự việc để bắt đầu thực hiện ước mơ của mình. Nó mang ý định của mình bày tỏ cùng với cha mẹ với mong muốn được cha mẹ cảm thông và ủng hộ. Lúc ấy, bà Hiền thì vui vẻ không ý kiến gì “Tùy con hà. Con muốn học ngành nào thì học. Miễn con thích là được”. Nhưng, ông Trung ngược lại. Vừa nghe con trai nói ước mơ của mình muốn trở thành thầy giáo dạy Văn, ngay lập tức ông liền nổi giận lôi đình. Ông nhất định ngăn cản, không cho nó đăng ký vào học ngành sư phạm. Ông cho rằng:
- Nghề thầy giáo lương có được bao nhiêu đâu. Lương có ba cọc ba đồng thì làm sao nuôi sống nổi gia đình?...
- Nhưng, con thích.
- Con thích, nhưng mà cha không thích. Cha không cần biết, con phải làm hồ sơ đăng ký ngành “Chỉ huy tham mưu Lục quân” của Trường Sĩ quan Lục quân 2 cho cha. Cha nói rồi nghen, không được cãi lại. Nếu cãi lại cha sẽ bỏ mặc luôn cho biết.
- Thôi con! Cha con chỉ muốn tốt cho con thôi hà. Hãy nghe lời cha đi con! Nghen con! - Bà Hiền năn nỉ.
Lại là quân đội ư! Quân đã chán ngấy cảnh sống lúc nào cũng khắc khe, quy tắc. Ông thì quen nên làm được. Nhưng nó thì không. Lâu nay nó chịu đựng như thế đã đủ lắm rồi. Nó thích cuộc sống được tự do hơn, được làm theo ý thích của bản thân. Nhưng vì thấy bà Hiền khóc lóc, năn nỉ ỉ ôi nên tạm thời nó thuận theo ý của cha. Nó miễn cưỡng làm hồ sơ đăng ký ngành “Chỉ huy tham mưu Lục quân” của Trường Sĩ quan Lục quân 2 đúng như ước muốn của ông Trung.
Quân cảm thấy tiếc nuối và bứt rứt trong lòng vì không thực hiện được ước muốn của bản thân. Thế là ước mơ trở thành thầy giáo của nó đã bị dập tắt. Đối với nó, không được thực hiện ước mơ của bản thân thì việc học hành chẳng còn ý nghĩa gì nữa. Nó mất hết động lực để học. Nó không quan tâm gì đến việc học hành nữa. Cho nên việc học của nó càng ngày càng trở nên sa sút. Nó thường xuyên trốn học, tụ tập bạn bè đi chơi. Kết quả, nó không trúng tuyển vào Trường Sĩ quan Lục quân 2 như ông Trung hằng mong muốn. Kể từ đó, Quân sa chân vào những cuộc ăn chơi trác táng.
- Tui ra thế này cũng nhờ hồng phúc của ông đó. Chẳng phải sao?
Nghe thằng con nói sốc, cơn nóng giận trong người ông Trung lại trào dâng. Ông giơ cánh tay, nhào tới định tát nó thêm một bạt tai nữa cho hả cơn giận. Nhưng bà Hiền đứng ra ngăn cản kịp thời.
- Con nó say mèm rồi. Hơi sức đâu mà ông trách con hổng biết nữa à. Có gì để ngày mai nó tỉnh rượu rồi dạy nó.
- Được rồi. Bà đưa nó vào trong phòng ngủ đi!
* * *
Sáng hôm sau do có công việc ở cơ quan cần giải quyết gấp nên ông Trung rời nhà từ sáng sớm. Lúc này, thằng Quân vẫn còn ngủ trong phòng. Đến lúc, thức giấc người nó mệt mỏi, uể oải. Bà Hiền thuật lại chuyện xảy ra hồi tối cho nó nghe. Nó giả vờ không hay, không biết chuyện gì đã xảy ra.
Chiều cơm nước xong xuôi, thằng Quân nhận được cuộc điện thoại của đứa bạn rủ rê đi chơi. Nó lại năn nỉ bà Hiền cho nó đi uống cà phê với mấy đứa bạn xong rồi sẽ về liền. Vì thương con nên bà Hiền chấp nhận, nhưng bà vẫn cẩn thận căn dặn:
- Đi nhớ tranh thủ về sớm nghen con. Kẻo hông thôi cha con về mà không thấy con ở nhà là không yên với ổng đâu á. Chuyện hồi hôm ổng còn chưa tính sổ với con nữa đó.
- Con biết rồi mà. Con đi một lát sẽ về ngay.
Đến tối, ông Trung sắp về tới nhà, mà thằng Quân vẫn chưa chịu về. Bà Hiền đi tới đi lui nhìn đồng hồ mà thấp thỏm lo sợ bị chồng trách mắng. Bà liên tục gọi điện cho con. Ban đầu gọi nó còn bắt máy nghe, gọi riết rồi nó tắt máy luôn. Rồi chuyện gì đến cũng sẽ đến. Ông Trung vừa về đến nhà liền tìm thằng Quân ngay lập tức:
- Thằng Quân đâu rồi cà?
Thấy bộ dạng bà Hiền lúng ta lúng túng như gà mắc thun. Cứ ấp a ấp úp không nói thành lời. Ông đoán biết là nó lại đi chơi nữa rồi. Ông quát thật to:
- Bà nói đi! Nó đâu rồi?
- N…ó…
- Lại tụ tập đi chơi nữa rồi chớ gì? - Ông Trung đập tay lên bàn nói với vẻ giận dữ.
Rồi ông lấy điện thoại gọi. Nhưng vẫn không liên lạc được thằng Quân.
Suốt cả đêm, vợ chồng ông Trung hết đi ra rồi đi vô chờ tin con trai. Nhưng đợi mãi đến sáng vẫn không thấy nó quay trở về. Hai người cứ trách móc lẫn nhau. Ông Trung thì bảo tại vợ không biết dạy con, chính sự nuông chiều con quá mức của bà nên nó mới hư. Còn bà Hiền thì lại cho rằng: tại ông quá khắc khe với con. Nó chịu không nỗi nên mới bỏ nhà đi tụ tập với bạn bè.
Trong lúc, hai vợ chồng cãi vã thì bỗng có cuộc điện thoại của công an phường gọi đến thông báo: Anh Quân đang bị công an tạm giữ vì liên quan đến vụ sử dụng trái phép chất ma túy...
Vừa nghe đến đây, ông Trung ngã khuỵu người. Tinh thần ông suy sụp hoàn toàn. Chỉ vì muốn tốt cho con, mà ông bắt buộc con phải thực hiện theo ý muốn của mình. Nhưng không ngờ lại ra cớ sự như vầy. Ông ôm đầu thầm trách bản thân:
- Cũng tại mình mà thằng Quân nó mới ra nông nỗi này. Quân ơi! Cha đã sai rồi. Đáng lý ra cha phải để cho con tự do thực hiện những điều mà con thích. Không nên ép con thực hiện sở thích của cha…
Truyện ngắn của NGUYỄN VĂN DÔ