Làng báo cả nước có rất nhiều cây bút nổi tiếng không chỉ trên lĩnh vực thông tin báo chí mà còn cả trong giới văn chương, nghệ thuật. Đối với họ, nghề báo tuy vất vả, cực nhọc, thậm chí là “nguy hiểm” nhưng đã đem lại một vốn sống sinh động, những góc nhìn đa chiều để họ có thể làm phong phú và sâu sắc hơn đam mê thứ hai của mình: sáng tác nên những tác phẩm văn học nghệ thuật.
Nguyễn Thị Khuê (1864 - 1922) có bút danh là Sương Nguyệt Anh là nhà thơ và là chủ bút nữ đầu tiên của Việt Nam. |
THỨC DẬY CÁNH ĐỒNG NGÔN NGỮ
Trong đội ngũ nhà báo hiện nay có rất nhiều người viết văn, làm thơ và ngược lại, rất nhiều nhà văn, nhà thơ cũng đồng thời là những cây bút sắc bén trên các mặt báo khăp mọi miền đất nước. Họ là những nhà báo tài năng và cũng là những thi sĩ tài hoa. Sự thành công của họ ở cả hai lĩnh vực đã cho thấy mối tương quan mật thiết giữa văn học và báo chí.
“Và, anh - người làm báo/ Viết gì về trẻ thơ/ Chiến tranh và cái đói/ Tuổi thơ rét mướt/ Anh đã từng đi qua/ Giờ này/ Bên cạnh chiếc máy chữ của anh/ Đất đai đang cày xới/ Những hạt giống được ngâm ủ trong bùn/ Để sinh ra thứ ánh sáng tốt tươi/ Và anh/Kẻ nông phu cần mẫn/ Thức dậy mỗi sớm mai trên cánh đồng ngôn ngữ/ Bởi niềm tin lành lặn/ Ở con người”. (Nhật ký Nhà thơ, Nhà báo Nguyễn Việt Chiến)
Nếu báo chí nhấn mạnh về tính thời sự, chính xác, hiện thực thì sáng tác văn chương lại hướng đến tính biểu tượng, lãng mạn, ngẫu hứng. Hai đặc trưng đó tưởng như trái ngược nhau nhưng kỳ thực lại bổ sung cho nhau, tương hỗ như hai tính cách cần và đủ để ngòi bút của người viết sắc sảo hơn mà cũng mượt mà hơn.
“Chuyện thế sự quay cuồng chóng mặt/ Tôi trốn vào tháng ba đắp tấm áo sương mù/ Tôi lại về giảng đường bên trang sách học trò/ Đi tìm những tháng ba của tôi thời rất xưa, rất bé”. (Nhà báo, Nhà thơ Huỳnh Dũng Nhân)
Nhà báo rất cần có một tâm hồn thi sĩ, để có những quyết định thiện lành, nhân văn trước những cám dỗ và thử thách muôn mặt của cuộc đời:
“Tự anh nhận ánh nắng/ Tự anh che cho anh/ Tự anh hút mật đất/ Mà xanh cho trời xanh/ Em ơi anh là cỏ/ Nên ngại chi bụi bờ/ Những buồn vui nhân thế/ Anh gửi vào trong thơ/ Anh chỉ là ngọn cỏ/ Một điều rất bình thường/ Nhưng khi cần em ạ/ Cỏ dựng thành biên cương/ Anh chỉ là ngọn cỏ/ Một điều rất giản đơn/ Nhưng em ơi vắng cỏ/ Lấy gì xanh núi non”. (Phận Cỏ - Nhà báo, Nhà thơ Bùi Hoàng Tám)
Đọc thơ của các nhà báo, ngoài vốn sống đầy trải nghiệm, những quan sát độc đáo, còn là sự lạc quan yêu đời với khí chất mạnh mẽ, quyết liệt:
“Đứng lên và bước những đôi chân/ phía trước kia có thể hẹn con đường/ đứng lên nào những thứ quen nằm/ bẹt tư duy lười nhác/ Một đơn âm biết đứng/ có thể gieo ngàn con chữ lên trang/ một búp cây bật nhú/ đội xanh cả bầu trời/ bứt ra khỏi chiếc ghế/ thay đổi thói quen mài nhẵn sự ngồi/ và ngọn sóng quẫy tung thay nhịp vỗ dòng sông…”. (Nhà thơ, Nhà báo Trần Quang Quý)
KẾT NỐI NHỮNG TRÁI TIM THỜI ĐẠI
Henry Luce, một nhà báo và chủ bút nổi tiếng, người sáng lập ra hai tờ tạp chí hàng đầu của Mỹ là Time và Life, đã từng nói: “Tôi trở thành một nhà báo để có thể tiến gần tới trái tim của nhân loại”.
Nhà thơ - nhà báo nữ đầu tiên của Việt Nam: Sương Nguyệt Anh; chủ bút báo Nữ giới chung - tờ báo quy tụ nhiều cây bút có tiếng ở Sài Gòn dạo ấy. Tòa soạn báo đặt tại số nhà 155 đường Taberd, Sài Gòn (nay là đường Nguyễn Du, quận 1, TP.Hồ Chí Minh). Ngày 1/2/1918, tờ báo ra số đầu tiên.
“Thiên hạ ngày nay trí mở mang/ Tấc đất ngọn rau tràn dưới mắt/ Đai cơm bầu rượu chật ven đàng/ Vui lòng thánh đế nơi xe ngựa/ Xót dạ thần dân chốn lửa than”. (Than vua Thành Thái - Sương Nguyệt Anh)
Lịch sử dân tộc Việt Nam gắn liền với bao cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Lúc này, vai trò của các nhà báo - nhà văn, nhà thơ càng thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết. Họ là những chiến sĩ trên mặt trận thông tin, những người kết nối tinh thần và tình yêu giữa những trái tim nơi tiền tuyến và hậu phương:
“Các nhà báo ngày ấy ra mặt trận/ Tuổi thanh xuân như trang giấy trắng tinh/ Tuổi chớm yêu thư tình chưa kịp viết/ Các anh viết về nhân dân trước khi viết cho mình/ Những dòng tin thấm máu và nước mắt/ Thước phim quay trong chớp lửa mù trời/ Các nhà báo ngày ấy ra mặt trận/ Ca bài ca người lính tuổi hai mươi...” (Các nhà báo ngày ấy ra mặt trận - Nhà thơ, Nhà báo Mạnh Lê).
Đã có nhiều những nhà báo hiến dâng tuổi thanh xuân và cả máu xương của mình cho quê hương, đất nước:
“Trận đánh lớn biết mình không ở lại/ Thước phim quay nhanh xin đồng đội cầm về/ Nói với mẹ chiến trường mây trắng lắm/ Con vẫn kịp gọi Người trước lúc ra đi!” (Các nhà báo ngày ấy ra mặt trận - Nhà thơ, Nhà báo Mạnh Lê).
Nơi chiến trường khốc liệt bom rơi, đạn nổ nhưng cây bút vẫn đồng hành cùng cây súng để kịp “ra lò” những thông tin kịp thời nhất, chính xác nhất:
“Cây bút và cây súng/ Thời trẻ trung ngày nào/ Vàm Cỏ Đông bèo nổi/ Rừng Tây Ninh bom gào.../ Lửa đạn găm trang viết/ Sự sống treo lửng lơ/ Anh không rời trận tuyến/ Trang báo vẫn ra lò!”. (Tặng nhà báo Kim Toàn (Cao Kim) - Nhà báo, Nhà thơ Nguyễn Hồng Vinh)
PSG.TS Ngô Văn Giá nhận định: “Nhìn từ phía viết văn, nghề báo giúp cho người làm văn chương có một cảm quan hiện thực bén nhạy, tinh tế, sự dấn thân mạnh mẽ, vốn liếng ngôn từ sống động, cập nhật, hiện đại; một tinh thần trẻ và năng động. Nhìn từ phía nghề báo, năng lực văn chương giúp cho người làm báo kỷ luật ngôn ngữ cao độ, khả năng liên tưởng dồi dào, lối viết biến hóa và linh hoạt, ý thức về cái tôi phong cách của người cầm bút thường trực; và nhất là khát vọng sáng tạo những tác phẩm có sức sống lâu bền với cuộc đời”.
Quả vậy, những nhà báo đồng thời còn là những nhà thơ, nhà văn vẫn hàng ngày đem đến cho người đọc những thông tin kịp thời và cả những cảm xúc thăng hoa, những ý nghĩa cao đẹp mà cũng rất thiết thực, gần gũi của cuộc đời này.
VŨ THANH HOA