Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý Bộ VH-TT-DL chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan lập hồ sơ các di sản văn hoá phi vật thể: Mo Mường (tỉnh Hòa Bình) và Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam (tỉnh An Giang), trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đệ trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới.
Trong nghi lễ thực hành Mo Mường thường xuất hiện âm thanh của chiêng Mường. |
Theo các nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, “Mo” có nghĩa là xướng lên theo những làn điệu nhất định những bài cúng, những khúc Mo nhòm (tả cảnh), những “cát” Mo (một trường đoạn) kể trong các nghi lễ phục vụ đời sống của từng gia đình và cộng đồng. Còn về mặt danh từ, là để chỉ những người làm nghề Mo (ông Mo) và những bài Mo, những áng Mo...
Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam diễn ra từ ngày 22 đến 27/4 (âm lịch). Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam được thực hiện theo nghi thức truyền thống, gồm: lễ phục hiện rước tượng bà từ đỉnh núi Sam xuống miếu thờ, lễ Tắm bà, lễ Thỉnh sắc thần ông Thoại Ngọc Hầu và 2 vị phu nhân, lễ Túc yết, lễ Xây chầu, lễ Chánh tế và lễ Hồi sắc. Năm 2001, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam được Bộ VH-TT (nay là Bộ VH-TT-DL) công nhận là lễ hội cấp quốc gia. Từ đó, ngoài phần lễ truyền thống, phần hội được tổ chức sôi nổi với các chương trình sân khấu hóa, tuần lễ văn hóa - thể thao, trò chơi dân gian, trình diễn văn nghệ dân tộc, múa lân - sư - rồng… phục vụ nhân dân và du khách.
Ngày 19/12/2014, Lễ hội Vía Bà chúa Xứ Núi Sam đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.
CHÍ KIÊN