Những ngày này, đến công trình Bảo tàng tỉnh, chúng tôi được trải nghiệm một không gian văn hóa, lịch sử hấp dẫn, độc đáo với hàng ngàn tư liệu, hình ảnh, hiện vật quý giá, đẹp mắt. Công trình được người dân và du khách mong chờ này sẽ mở cửa vào tháng 7/2020 với kỳ vọng tạo thêm sản phẩm văn hóa, du lịch mới cho Bà Rịa-Vũng Tàu.
Thành viên Hội đồng nghiệm thu hoàn thành công tác trưng bày nội thất thuộc dự án Nhà Bảo tàng tỉnh tham quan các khu trưng bày tại Bảo tàng vào ngày 16/6. |
Ngôi nhà mới của Bảo tàng tỉnh (số 4, Trần Phú, TP. Vũng Tàu) được xây dựng trên khuôn viên khu đất có tổng diện tích 18.159m2. Nhìn từ xa, tòa nhà nổi bật ven triền Núi Lớn, mặt hướng ra biển Bãi Trước. Không chỉ đẹp mắt bởi hình thức bên ngoài được thiết kế với 4 tầng chính và 3 tầng gác tháp, phần “nội dung” vừa hoàn thiện chắc chắn sẽ khiến khách tham quan hài lòng.
Trên diện tích hơn 2.855m2 là hàng ngàn hiện vật, tư liệu, hình ảnh được bày trí công phu, tỉ mỉ, đẹp mắt đến từng chi tiết. “Lạc bước” vào đây, khách tha hồ ngắm nghía 40 tổ hợp tư liệu, hình ảnh, hiện vật theo từng mảng nội dung về: Biển Côn Đảo, Rừng Bình Châu - Phước Bửu, Khảo cổ, Các làng nghề truyền thống, Địa đạo Long Phước, Nhà tù Côn Đảo, Chiến thắng Bình Giã… Ở đây có những khẩu súng, khẩu thần công, chiếc xe bò, bộ xương cá voi, ngôi nhà sàn của người dân tộc Châu Ro, ngôi nhà 1 gian 2 chái đặc trưng của người dân Nam bộ thế kỷ XIX…
Một bộ sưu tập gốm sứ cổ được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. |
Đằng sau mỗi hình ảnh, hiện vật là những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, kinh tế, xã hội của mảnh đất Bà Rịa-Vũng Tàu từ xưa đến nay. Những người ưa thích đồ cổ nên đến mô hình con tàu đắm bằng gỗ tại Bảo tàng để ngắm nghía những bộ sưu tập cổ vật quý hiếm trục vớt từ các con tàu đắm ở vùng biển Bà Rịa-Vũng Tàu như: cổ vật Hòn Cau, gốm sứ Pháp, cổ vật Lộc An, gốm sứ Trung Quốc… Đây cũng là một trong những điểm nhấn tại Bảo tàng tỉnh để thu hút các nhà nghiên cứu, du khách thích tìm hiểu lịch sử, văn hóa. Khách cũng cảm nhận được sự mênh mông mà thú vị của đại dương khi trong lòng chiếc tàu là một đáy biển thu nhỏ, có dòng nước chảy quanh co với những sinh vật biển sinh động.
Ngoài trưng bày tư liệu, hiện vật ở dạng “tĩnh”, Bảo tàng tỉnh còn có sự “chuyển động” khi ứng dụng công nghệ thông tin qua việc bố trí 12 màn hình, giúp khách dễ dàng tra cứu thông tin, hình ảnh về các tư liệu, hiện vật. Ngoài ra, còn 2 màn hình tivi chiếu các phim ngắn nội dung nói về các tư liệu, hiện vật. Ông Nguyễn Đình Trung, Giám đốc Sở VH-TT cho biết, Sở VH-TT (chủ đầu tư công trình Bảo tàng tỉnh) đã phối hợp với các đơn vị liên quan để thực hiện 20 đầu phim (thời lượng từ 4-15 phút/phim) công chiếu phục vụ khách tham quan khi Bảo tàng mở cửa.
Bộ sưu tập súng thần công thế kỷ XVI được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh. |
Đến tham quan thực tế để đánh giá, góp ý tại cuộc họp Hội đồng nghiệm thu hoàn thành công tác trưng bày nội thất thuộc dự án Nhà Bảo tàng tỉnh vào ngày 16/6, ông Lưu Thanh Danh, Chủ tịch Hội đồng Điêu khắc, Hội Mỹ thuật Việt Nam đánh giá cao về quy mô và cách bố trí tư liệu, hiện vật tại Bảo tàng tỉnh. Ông cho rằng, Sở VH-TT đã biết tận dụng thế mạnh về biển của tỉnh để đưa vào Bảo tàng những tư liệu, hiện vật thể hiện ở các mô hình minh họa về cụm công nghiệp thủy sản, du lịch, cảng biển, giàn khoan dầu khí… Qua đó, khách cảm nhận được về một vùng đất giàu mạnh, phát triển mạnh mẽ. “Bảo tàng đã cho tôi sự thích thú, thỏa mãn về mặt mỹ thuật, cách bố trí hiện vật, hình ảnh thoáng, không tạo cảm giác rối rắm cho người xem. Các khu trưng bày có sự chuyển tiếp từ “tĩnh” sang “động”, từ mảng màu tối sang sáng, tạo nên những nhịp điệu cảm xúc khi xem”, ông Danh hào hứng nói. Còn họa sĩ Lê Minh, hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng khá hài lòng về cách tạo hình chân thực, sống động, đẹp mắt để khắc họa về người nông dân trên ruộng muối, người thợ rèn, thợ chế tác đá, người tráng bánh tráng… ở khu trưng bày về làng nghề truyền thống của Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ông Nguyễn Đình Trung cho biết thêm, đầu tháng 7/2020, Bảo tàng tỉnh mở cửa phục vụ khách tham quan. Bảo tàng sẽ phục vụ miễn phí người dân và du khách tham quan đến hết năm 2020, sau đó, mới tổ chức bán vé. “Khi đi vào hoạt động, từng tháng, từng năm, chúng tôi sẽ lấy ý kiến góp ý của người dân, du khách, các nhà nghiên cứu khoa học, lịch sử... để tiếp tục chỉnh sửa, bổ sung các hình ảnh, hiện vật để Bảo tàng ngày càng sinh động, mới lạ, hấp dẫn khách hơn”, ông Nguyễn Đình Trung nói.
Bảo tàng tỉnh nằm sát khu di tích lịch sử Bạch Dinh. Đến Bảo tàng tỉnh và di tích Bạch Dinh, khách vừa được chiêm ngưỡng những hiện vật, tư liệu quý, vừa được phóng tầm mắt ra xa để ngắm phố phường, ngắm biển Bãi Trước Vũng Tàu. Vì thế, khi Bảo tàng tỉnh đi vào hoạt động, cùng với di tích Bạch Dinh hứa hẹn tạo ra một cụm tham quan hấp dẫn, góp thêm điểm nhấn du lịch mới để thu hút khách trong và ngoài nước đến với Bà Rịa-Vũng Tàu.
Bài, ảnh: CẨM NHUNG