Bản sắc dân tộc tỏa sáng với ca vũ kịch Tây phương

Thứ Sáu, 26/06/2020, 22:08 [GMT+7]
In bài này
.

Tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du lần đầu tiên được dựng thành vở ballet Kiều vừa công diễn tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh tối ngày 20/6 thu hút đông đảo giới chuyên môn và khán giả đến thưởng thức. Có thể coi đây là một thành quả mới trong việc đưa nghệ thuật ca vũ kịch sân khấu phương Tây giao thoa cùng văn hóa truyền thống Việt Nam. Vở diễn cũng phản ánh khát vọng truyền tải những tinh hoa văn hóa Việt bằng các hình thức nghệ thuật hàn lâm đến gần hơn với công chúng.

ĐƯỜNG ĐẾN CỦA NGHỆ THUẬT HÀN LÂM

NSƯT Hoàng Yến trong một cảnh của vở ballet Kiều.
NSƯT Hoàng Yến trong một cảnh của vở ballet Kiều.

Con đường mang nhạc kịch (Opera), vũ kịch (Ballet) vào Việt Nam đã có từ những năm 50, 60 của thế kỉ trước. Năm 1964, Nhà hát Hợp xướng - Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã biểu diễn vở Núi rừng lên tiếng của Triều Tiên. Đó là những vở opera đầu tiên các nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn. Từ việc sáng tác ca cảnh và ca kịch đã tích tụ trong các nhạc sĩ Việt Nam khát vọng được sáng tác opera. Và người tiên phong là nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ngày 2/9/1965, vở opera đầu tiên Cô Sao của Đỗ Nhuận đã được ra mắt khán giả Thủ đô Hà Nội do Nhà hát Giao hưởng - Hợp xướng Nhạc Vũ Kịch biểu diễn, nghệ sĩ Võ Bài đạo diễn. Tiếp sau là vở Bên bờ K’rông Pa của nhạc sĩ Nhật Lai cũng được biểu diễn vào ngày 26/1/1968. Cũng vào năm 1968, nhạc sĩ Hoàng Việt (cộng tác cùng Lưu Hữu Phước và Nguyễn Vũ) đã viết vở opera Bông sen. Tháng 9/1971, vở opera thứ 2 của Đỗ Nhuận - Người tạc tượng đã được công diễn. Năm 1980, Đỗ Nhuận viết vở thứ 3 là Nguyễn Trãi ở Đông Quan. Năm 1981, nhạc sĩ Nguyễn Đình Tấn viết vở Tình yêu của em. Qua 6 vở opera do chính các nhạc sĩ Việt Nam sáng tác, nền nhạc kịch sân khấu Việt Nam đã khẳng định một tầm vóc mới trong dòng chảy mạnh mẽ của nghệ thuật đương đại.

Với múa Ballet, từ năm 1954 nhà nước đã cử những nghệ sĩ đầu tiên học chính quy chuyên ngành múa Ballet, múa cổ điển tại Bắc Kinh - Trung Quốc. Đây là thế hệ đầu tiên đặt nền móng cho nghệ thuật múa châu Âu ở Việt Nam như: NSND Đoàn Long, NSND Thái Ly, NSƯT Hoàng Châu, NGƯT Hoàng Điệp…

Sau khi trường Múa Việt Nam được thành lập năm 1959, múa Ballet trở thành môn học chính quy, có hệ thống, bài bản. Toàn bộ chương trình, giáo trình, trực tiếp giảng dạy, phụ trách ôn luyện… do chính thế hệ giảng viên đầu tiên học ở Trung Quốc phụ trách. Đây chính là những viên gạch làm nền tảng, cơ sở vững chắc cho nghệ thuật múa Ballet ở Việt Nam hình thành và phát triển. Trong giai đoạn này, nhiều nghệ sĩ múa Việt Nam được cử đi học ở Liên Xô như: Xuân Định, Minh Tiến, Trần Đình Quỳ, Công Nhạc, Kim Quy, Kim Dung, Thu Nguyệt… Năm 1960, hai vở ca vũ kịch Ngọn lửa Nghệ Tĩnh và Tấm Cám là công trình sáng tạo tập thể của nhiều nhạc sĩ đã cố gắng thoát ra khỏi những cách diễn của sân khấu truyền thống để làm rõ nét một hình thức thể loại mới du nhập: Ballet.

Thập niên 80 thế kỷ XX đánh dấu thời kỳ thành lập khoa Múa của trường Đại học Sân khấu Điện ảnh, nhận trọng trách đào tạo giảng viên múa Ballet trình độ đại học. Ba giảng viên tu nghiệp ở Liên Xô gồm Nguyễn Thị Hiển, Trương Lê Giáp, Trần Đình Quỳ góp phần lớn công sức đào tạo những biên đạo múa trình độ đại học. Khoa múa áp dụng những kiến thức nghề từ Liên Xô với hệ thống lí luận kết hợp với những nguyên tắc trong thực tiễn, vừa mang tính kinh điển đồng thời thích hợp với điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Đến năm 1999, Nhà hát giao hưởng Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh dựng vở Lục vân tiên - Kiều Nguyệt Nga (Việt Cường), Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam dựng các vở: Huyền thoại Mẹ (NSND Công Nhạc); Hồng hoang (NSƯT Bằng Thịnh)…

NÀNG KIỀU BAY TRÊN GIÀY MŨI CỨNG

Tác phẩm múa Ballet Kiều (chuyển thể kịch bản và tổng đạo diễn: Tuyết Minh; biên đạo múa: Tuyết Minh, Nguyễn Phúc Hùng; âm nhạc: NS Vũ Việt Anh, NS Chinh Ba) được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đầu tư và phối hợp với Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh (HBSO) trình diễn tối ngày 20/6/2020 tại Nhà hát TP. Hồ Chí Minh. Tham gia biểu diễn trong vở ballet đặc biệt này, có NSƯT Trần Hoàng Yến, Hồ Phi Điệp, Đàm Đức Nhuận; các nghệ sĩ múa trẻ tài năng Đinh Phương Dung, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Phan Thái Bình… ca sĩ Chinh Ba và tập thể nghệ sĩ Đoàn múa HBSO.

Đối với biên đạo múa Tuyết Minh, một tác phẩm thơ như Truyện Kiều nhiều thuận lợi khi chuyển thể sang ngôn ngữ múa, vì thơ vốn giàu hình ảnh và ý tưởng. Với 3 hồi, 15 cảnh, nội dung vở diễn khắc họa hình ảnh 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên và diễn biến của toàn bộ vở được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn. Để có thể tạo nên những tiếng đàn nhiều cung bậc cảm xúc, hai nhạc sĩ Việt Anh và Chinh Ba phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo cho phần âm nhạc. Theo đó, âm nhạc của ballet Kiều sẽ là sự kết hợp giữa nhạc giao hưởng cổ điển và âm nhạc truyền thống như ca trù, xẩm, chèo…

NSƯT Trần Hoàng Yến chia sẻ: Kiều là một vai nặng với chị. Suốt 15 cảnh, chị phải múa trên mũi giày cứng. Vai diễn yêu cầu nhiều kỹ thuật múa phức tạp: múa dân tộc Kinh, chèo, tuồng, ballet kiểu châu Âu... Chị cho biết: “Khác với vai chính trong các vở ballet kinh điển phương Tây, Kiều có những trường đoạn vắt kiệt sức của tôi bởi phải diễn xuất sao cho thấm đượm bản sắc dân tộc”.

Sự hòa trộn uyển chuyển, nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam; sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc phong cách semi classic với âm điệu dân gian, dân tộc Việt Nam; cùng với những hiệu ứng về phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ lột tả sâu sắc tính cách dữ dội của nhân vật, tạo được nhiều cảm xúc cho người thưởng thức. Với những khởi đầu thành công, hi vọng những tác phẩm kết hợp nghệ thuật hàn lâm phương Tây với những hình tượng kinh điển của văn học Việt Nam sẽ được dàn dựng và trình diễn nhiều hơn trên sân khấu nước nhà.

VŨ THANH HOA

;
.