Sau Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, cách đây hơn 73 năm, ngày 20/3/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết tác phẩm “Đời sống mới”, Người ký bút hiệu là Tân Sinh.
Lúc ấy, xã hội còn nhiều lạc hậu, lề thói, sinh hoạt mang dấu ấn của một đất nước bị nô lệ, kém phát triển. Nước nhà độc lập, tự do, việc giáo dục, vận động tư tưởng cán bộ, nhân dân ta sống “cần, kiệm, liêm, chính” là việc làm rất quan trọng và cần thiết để xây dựng một chế độ mới ưu việt và tiên tiến. Tác phẩm “Đời sống mới” của tác giả Tân Sinh ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu bức xúc của bối cảnh xã hội lúc bấy giờ.
“Đời sống mới” được viết dưới dạng những câu hỏi và trả lời giản dị, dễ hiểu. Tác phẩm chỉ rõ mục đích của việc xây dựng đời sống mới trong các ngành, các cấp, các cơ quan, trường học, xí nghiệp, đơn vị bộ đội cho tới từng gia đình, cá nhân: từ em bé đến cụ già, từ công nhân, nông dân, viên chức đến tất cả các thành viên khác trong cộng đồng xã hội. Vì vậy, tác phẩm đã có tác động tích cực trong việc xây dựng đời sống mới, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cách mạng. Tác giả Tân Sinh đã định nghĩa rất rõ ràng thế nào “Đời sống mới”:
“HỎI: Sao gọi là đời sống mới
ĐÁP: Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới.
Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Thí dụ: ta phải bỏ hết tính lười biếng, tham lam.
Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi cho hợp lý. Thí dụ: đơm cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi.
Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước.
Cái gì hay, thì ta phải làm. Thí dụ: Ăn ở cho hợp vệ sinh, làm việc cho có ngăn nắp.
Làm thế nào cho đời sống nhân dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đòi sống mới. (Đời sống mới _ tr.8)
Điều đặc biệt và nổi bật như một chân lý, là mặc dù tác phẩm này ra đời cách đây gần 73 năm (1947), nhưng bây giờ đọc lại vẫn thấy mới, rất cần thiết và bổ ích. Chúng ta thấy vẫn còn tươi nguyên giá trị với các nội dung, phương châm và biện pháp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra. Giá trị của tác phẩm rất gần gũi, sát hợp và quý báu với những kinh nghiệm vận động quần chúng trong bất kỳ thời điểm, tiến trình của lịch sử… Bởi “Cần - Kiệm - Liêm - Chính…” là tiêu chí mà hầu như lúc nào, con người nào cũng phải phấn đấu để tiến bộ, nhằm xây dựng một xã hội phồn vinh, ấm no và hạnh phúc!
Trong trang 34_35 , ở đoạn cuối của chương XVII, Bác Hồ viết: “Đời sống mới cũng có những người làm gương, những nhà làm gương, những làng làm gương. Khi trông thấy hiệu quả tốt tươi, thì chắc những nơi khác sẽ hăng hái làm theo. Nếu miệng thì tuyên truyền bảo người ta siêng làm, mà mình tự ý mình ăn trưa, ngủ trễ; bảo người ta tiết kiệm , mà tự mình xa xỉ, lung tung, thì tuyên truyền một trăm năm cũng vô ích”.
Đất nước ta đang trong tiến trình đổi mới, tiến lên công nghiệp hoá, hiện đại hoá; kinh tế thời hội nhập cùng với sự phát triển không ngừng của các mặt đời sống xã hội tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng phát sinh những khó khăn, thách thức và bức xúc… Ta càng thấy và chiêm nghiệm sâu sắc những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách đây hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn còn nguyên những giá trị, mà tính giáo dục nhân văn, định hướng còn thấm đẫm trong từng trang viết của Người.
Đời sống mới bao giờ cũng mới và cần thiết cho xã hội, cho mọi người. Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất tâm huyết khi viết những dòng mở đầu:
“…Tôi mong đồng bào ta mỗi người có một quyển Đời sống mới để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới.
Như thế, chúng ta nhất định sẽ tiến bộ lớn”.
Tác phẩm “Đời sống mới” của tác giả Tân Sinh (Hồ Chí Minh) do Nhà xuất bản Trẻ và Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia tái bản năm 2010, hiện có ở các nhà sách cả nước.
HOÀNG THÁM