Mấy bữa nay, đêm nào Bảo cũng về khuya, mệt tới mức không kịp nói chuyện với ai một câu, chỉ ăn vội bát cơm cầm hơi rồi tắm rửa đi ngủ. Sáng hôm sau, guồng quay công việc lại tiếp tục và cứ lặp đi lặp lại như vậy mà thậm chí Bảo không nghĩ mình có thể thoát ra được.
Minh họa của: MINH SƠN |
Mùa hè này có lẽ sẽ kéo dài hơn mọi năm khi trận dịch về làm cả nhà Bảo trở nên khốn đốn. Những nhân viên bình thường vẫn cười nói với nhau nhưng các đồng nghiệp của Bảo bỗng trở nên siêng năng, cần mẫn hơn một cách lạ thường. Họ khao khát được khẳng định mình, đến độ Bảo không còn nhận ra bất kỳ ai trong số họ, khi sự chây lười vốn là bản tính cố hữu và sự đùn đẩy vốn là thói quen nơi cửa miệng. Trận dịch này đánh sập công ty Bảo một cách dễ dàng khi nó vốn là một công ty du lịch, và ngành du lịch cũng là ngành chịu ảnh hưởng nặng nề kể từ khi các tour bị cấm hẳn và các chuyến bay bị hủy liên tục để bảo đảm sức khỏe cộng đồng. Sự đào thải dần len lỏi từ việc giảm ngày làm, cắt lương và sau cùng là sa thải. Đã mấy đêm Bảo mất ngủ, trụ cột chính trong nhà, Bảo thậm chí không dám mở miệng nói ra suy nghĩ của mình với bất cứ ai trong gia đình.
- Đi uống không?
Huyền rủ Bảo một cách nhẹ tênh, nhìn liếc qua tờ quyết định sa thải trên tay Huyền, Bảo thậm chí không thể từ chối. Những con người cùng cảnh ngộ lúc này vô tình là nguồn sống và động viên an ủi cho nhau hoặc chỉ đơn giản là để làm nơi trút giận cho nhau lúc tức thời. Những giọt nước mắt rơi lã chã trên bàn nhậu, hơi men khiến người ta yếu đuối và trở nên tức giận, nhưng sự thật không thể đổi dời.
- Nói đi cũng nghĩ lại, doanh nghiệp cũng đang gặp khó khăn nhất định, trách được ai, họ không sa thải mình thì họ cũng đủ khốn đốn thua lỗ rồi, chắc phá sản cũng chỉ là vấn đề thời gian.
- Thì nghiệt nỗi là thậm chí tìm người để trách cũng thấy bản thân mình vô lý, họ còn không cứu được chính họ huống hồ cưu mang mình. Có trách thì trách con COVID-19…
- Đúng là nên ở nhà tránh dịch nhưng làm sao để vẫn có tiền sống qua những ngày tránh dịch thì không ai nói.
Cả hai bật cười nhẹ tênh nhưng mỗi người mang trong mình những suy nghĩ khác nhau. Bảo không cho phép mình uống say vì nếu về nhà ngay lúc này hơi men dễ khiến Bảo nói thật, mà với bản tính vốn trước giờ không để gia đình lo lắng bất cứ gì khiến Bảo trở nên đau đầu.
Mỗi ngày Bảo vẫn đều đặn ra khỏi nhà như giờ làm và về nhà lúc tối mịt, Bảo bị sa thải nhưng anh chỉ còn mẹ, anh không muốn mẹ phải lo lắng vì mẹ già rồi. Hoàn cảnh nhà Bảo vốn éo le, mẹ là vợ lẽ trong nhà nên vô hình chung anh là đứa con vô thừa nhận, nhất là sau khi ba anh mất, vợ cả đã đuổi hai mẹ con anh ra khỏi nhà, anh đã tự hứa với lòng sẽ không để cho bất cứ gì làm mẹ anh đau khổ hay lo lắng vì cuộc đời bà chịu đựng và hy sinh đủ rồi.
Đường phố vắng tênh một cách đáng kinh ngạc, dịch bệnh thu hẹp khoảng cách giữa những người thân trong gia đình theo một cách không ai muốn. Anh nhẩm tính thời gian qua đi làm quần quật vẫn có một ít tiền để dành hẳn cầm cự được 1-2 tháng, nhưng hơn thì… Thậm chí mới nghỉ 1 ngày sau khi bị đào thải Bảo đã thôi thúc muốn có công việc mới. Nhưng bây giờ, khi doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, một người với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi hay kinh nghiệm công việc làm việc tốt suốt mấy năm cũng trở nên quá dư thừa.
Bản thân trong đầu mỗi con người là một cá thể với những mâu thuẫn xung đột nhau mỗi ngày: Một mặt Bảo muốn nhanh chóng có việc để trang trải cuộc sống, mặt khác nó trở thành áp lực khiến Bảo trở nên khó tính dần mà chính Bảo cũng không nhận ra. Bảo làm thêm đủ chỗ nhưng vốn là một thanh niên sức dài vai rộng, dần dà những công việc như phục vụ hay rửa chén bát thuê bỗng trở thành việc giết thời gian vô ích. Ra ngoài làm bây giờ cũng đề phòng đủ thứ phòng, chống bệnh nhưng khi về nhà nhìn mẹ ăn ngày một ít đi vì lo lắng khiến Bảo càng không an lòng lại quay đi.
Cũng không biết từ lúc nào ở nhà vắng dần những bữa cơm chung, mỗi khi về nhà Bảo hay mệt nhoài với những công việc ít lương, nhưng luôn phải tính toán chi tiêu sao không cho vượt mức mỗi ngày.
- Con ăn ít quá, thôi ráng ăn hết bát này rồi làm tiếp con ạ. Công việc gặp khó khăn hả con?
- Con đã nói là vẫn ổn, con không muốn ăn thêm sao mẹ cứ ép con vậy?
Bảo đã không nhận ra bản tính mình thay đổi, vô hình chung nỗi lo gây nên khoảng cách giữa hai mẹ con mà thậm chí Bảo còn không để ý. Anh vốn luôn là người con hiếu thảo và lo cho mẹ, chỉ có điều trận dịch kéo dài khiến anh tự đặt lên vai mình quá nhiều trách nhiệm. Thêm nữa, việc một mình bản thân chịu đựng tất cả khiến anh cảm thấy bức xúc như mẹ không hiểu mình, trong khi chính ra anh mới là người che giấu tất cả để mẹ không phải lắng lo.
Bảo ốm. Lẽ bình thường. Mẹ lo lắng còn đòi cấp cứu xét nghiệm đủ cả, vì bây giờ mỗi tiếng ho đều cần một lời giải thích rõ ràng trong tình hình dịch bệnh. Tiền viện phí ngốn đi ít nhiều những đồng tiền để dành còn lại khiến lần đầu tiên Bảo bật khóc như trẻ nít.
- Mẹ biết con đã bị cho thôi việc, lúc giặt đồ mẹ đã thấy nó trong áo con - Bà bắt đầu câu chuyện như thế - Mẹ rất muốn san sẻ mọi việc với con nhưng mẹ biết con có lý do không nói nên mẹ im lặng. Nhưng mỗi ngày thấy con cố gắng rồi chịu đựng một mình như thế khiến mẹ rất đau lòng.
Bảo chợt nhận ra anh đã không hề nghĩ đến cảm nhận của mẹ, trước giờ anh luôn tự cho rằng suy nghĩ của mình là tốt, là đúng mà không nhận ra bản thân anh cũng quá ích kỉ trong lối sống.
- Đúng là nếu con bị thôi việc tình hình kinh tế gia đình mình sẽ rất khó khăn, nhưng đã rất nhiều năm trôi qua, đâu có khó khăn nào chúng ta không cùng nhau trải qua, quan trọng là cùng nhau, con biết không?
- Nhưng con không muốn mẹ lo lắng…
- Và giờ mẹ đã lo lắng - Bà ngắt lời Bảo - Nếu có bất kỳ lo lắng nào mà cả hai mẹ con cùng nhau trải qua thì vẫn hơn là mỗi người đều chịu đựng một mình. Con đã luôn hiếu thảo, nhưng con không nhận ra con đã bị cuốn vào guồng quay công việc rất nhiều. Mấy năm qua đúng là con mang về nhiều tiền hơn, nhưng cùng với đó là thời gian ở bên nhau cũng ít dần đi. So với một cuộc sống đầy đủ về vật chất mẹ mong hai mẹ con mình dành thời gian ở cạnh nhau nhiều hơn, mọi thứ có thể nhín dần ít lại được mà con…
Dường như mọi đứa con trước mắt mẹ mình luôn bé lại, đến đó Bảo đã khóc rất nhiều và cũng nói rất nhiều về những lắng lo, cảm xúc và cả áp lực, cũng như luôn muốn hai mẹ con có cuộc sống tốt hơn. Mẹ đã lắng nghe và khuyên bảo anh rất nhiều, anh đã quá lo lắng và nóng vội khi tất cả vừa kết thúc… Sau khi ra viện, Bảo vẫn đi làm thêm, vẫn cố gắng, cũng có mệt mỏi, nhưng quan trọng là Bảo biết, mỗi khi về nhà Bảo sẽ có một người luôn lắng nghe những nỗi lòng của Bảo. Gia đình là vậy, đôi khi phải biết chia sẻ cùng nhau…
Truyện ngắn của LÊ HỨA BẢO TRÂN