Phiền toái vì… khách

Thứ Bảy, 25/04/2020, 08:05 [GMT+7]
In bài này
.

Nhiều người than phiền, khách đến chơi nhà là làm xáo trộn mọi sinh hoạt thường nhật. Tại sao? Thật khó nói. Nói thế nào đây? Cả một ngày “đốt hết năng lượng” ở cơ quan, về nhà muốn thảnh thơi với thú vui quen thuộc hàng ngày như xem tivi, đọc sách... thì chẳng lẽ khách đến chơi mình không tiếp? Chuyện này, rồi cũng qua nhanh chóng vánh, chỉ khổ là, khách vì lý do gì đó xin tá túc dăm ba ngày. Bạn bè thân thiết như anh em từ thuở hàn vi, lẽ nào mình từ chối. Nhưng khổ nỗi, ở thành phố, nhà nhỏ như hộp diêm phải tận dụng từng mét đất, một người khách ở quê lên thăm, ở lại chơi dăm ba ngày đã là một sự “chịu đựng” ghê gớm của chủ nhà. Mà cho dù nhà cao cửa rộng thì cũng phiền toái nốt. 

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Lý do căn bản vẫn là mọi sinh hoạt thường ngày ít nhiều có sự xáo trộn. Khó có thể mở miệng nói với khách câu “nhập gia tùy tục” được. “Năm thì mười thuở” người ta đến chơi một lần, khó dễ với nhau e không phải phép. Chẳng hạn, trong nhà không ai hút thuốc lá, nhưng khách thì phì phèo liên tục như… ống tàu nhả khói. Chồng chịu đựng được, nhưng vợ và con ngấm ngầm phản đối quyết liệt thì cũng mệt. Dù vợ không nói ra nhưng đã “mặt nặng mày nhẹ” thì trong nhà cũng kém vui. Lúc ấy, nếu con bày tỏ sự khó chịu ấy với bố mẹ thì còn may, chứ nó trực tiếp phàn nàn với khách thì chỉ có “rách việc”! 

Mà lúc khách đến chơi nhà, đâu chỉ mỗi mình họ, nếu bạn của họ cũng đùng đùng kéo đến nhà mình thăm họ thì sao? Chẳng lẽ mình “kín cổng cao tường” rồi “ngăn sông cấm chợ” chăng? Coi sao được. Đành bấm bụng mà chịu. Thông thường, ở nhà có thông lệ chỉ khoảng chín, mười giờ tối là tắt đèn đi nghỉ, nhưng sau giờ ấy bạn của khách lại… đến gõ cửa! Phiền toái thật. Đành tặc lưỡi “thôi kệ”. Thầm mong thời gian qua nhanh, dăm ngày nửa tháng trôi lẹ làng để khách đi là ổn! 

Đã thế, không những khách mà ngay cả người ruột thịt, thậm chí ngay cả bố mẹ ruột ở quê lên chơi, không khéo cũng sinh chuyện. Chuyện rằng, có ông cậu ruột đến chơi nhà, sau dăm hôm cơm nước chu đáo, cô vợ tức cháu dâu không muốn cậu nấn ná thêm nữa mà đã một tuần nửa tháng rồi còn gì! Cô bèn nghĩ ra một cách khá độc chiêu. Cứ trước giờ cơm, cô nàng mặt mày bí rị, chồng hỏi: “Tại làm sao?”. Đáp: “Em vừa mới để tiền chỗ này này, chẳng rõ nó mọc cánh bay đàng nào?”. Cô nàng không dám nói lớn, chỉ nhỏ nhẹ như... sợ cậu nghe được! 

Qua ngày sau, “kịch bản” này cũng lặp lại. Rồi ông cậu cũng nghe được câu chuyện đó! Thế là ông cậu cũng quyết “dứt áo ra đi”! Chẳng lẽ, cứ ở trong nhà nó, mà nó mất tiền như thế này thì mình cũng mang tiếng oan, chi bằng... Vậy là “kịch bản” này kết thúc một cách... tốt đẹp! 

Khó có thể nói ai đúng sai trong chuyện này. Đời sống đô thị, mái ấm gia đình “thu gọn” lại với một không gian riêng biệt, ít có sự chia sẻ tình cảm “làng nước” như ngày xưa.  

Tôi đã đọc đâu đó câu chuyện thật cảm động. Đêm nọ cậu con trai đi nhậu về “quắc cần câu”, người ngợm ướt như chuột lội vì phải đội mưa mà về, đến nhà bỗng thèm một bát chè đậu đen, bảo vợ đi nấu. Vợ ngái ngủ bảo, đậu không còn, đường cũng hết, thôi anh ngủ đi, mai em nấu cho ăn! Chồng không chịu. Vợ bèn “dỗ ngon dỗ ngọt”. Dỗ rằng, “ngủ đi anh, mai em bù cho anh gấp đôi”. Nghe cũng hợp lý, chồng gật gù đồng ý. Nhưng lúc ấy, ở nhà trong bà mẹ già vẫn chưa ngủ, biết con đang thèm chè, bà lẳng lặng dậy, đội mưa ra chợ mua đường đậu về nấu con trai bát chè. Tội nghiệp bà cụ. Không biết cậu con trai ấy nghĩ gì lúc ăn bát chè, nhưng chắc chắn trên khóe mắt có lăn xuống giọt nước mắt vì thương sự tảo tần của mẹ... Còn cô vợ thì sao? Tâm trạng của cô lúc ấy cũng “ngổn ngang” như tơ vò chứ đâu có đùa! Đúng thế, chuyện tưởng đơn giản, nhưng cũng... rắc rối nhỉ? 

Lại nữa, nếu ở chung nhà mà mẹ chồng với nàng dâu không “hợp gu” nhau, không chóng thì chầy cũng “có chuyện”! Chỉ xin đơn cử một trường hợp: Ở nhà của con trai, mẹ chẳng “ăn không ngồi rồi” bao giờ, mẹ lo công việc nấu nướng cho cả nhà. Ăn uống xong, vợ chồng gắn chặt mắt vào cái ti vi. Còn bà thì lặng lẽ lui cui dưới bếp, xong lên giường nghỉ. “Năm thì mười họa” mẹ con mới trò chuyện với nhau, còn con dâu với bà thì hầu như cả hai cùng giữ quan điểm... “im lặng là vàng”! Trường hợp này, anh con trai có vui?

Chà, chẳng lẽ khách ở quê ra, khách đến chơi nhà thì ta lắc đầu chối phắt à?  Không ai làm thế! Thôi thì trước hết ta nhớ đến lời dạy của Đức Khổng Tử, đại khái rằng, “Những gì không muốn người khác làm cho mình, thì mình đừng làm cho người khác”. Vậy, nhiều khi đi công tác xa nhà, đến một nơi xa lạ, dù có nhà người thân quen, nhưng để giữ mãi tình thân ấy, đừng để họ phải “bấm bụng” chịu đựng vì ta, cách tốt nhất là ta nên chọn... khách sạn! Dù mình mất tiền, nhưng bù lại là không gian và thời gian hàng ngày của gia đình bạn không bị “phá vỡ”. 

Hoặc bằng không, nếu có điều kiện thì khi xây dựng nhà cửa nên tính toán trước phòng ốc dành riêng cho bạn bè, người thân từ quê nghỉ ngơi “năm thì mười họa” mới đến “tạm trú” dăm ngày nửa tháng. Mà phải thế thôi. Đó là cách giữ một không gian thư giãn cho riêng mình trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù là lúc có người đến thăm, ở lại vài hôm! 

LÊ MINH QUỐC

;
.