- Dường như càng ngày tôi lại càng hay nhớ về những chuyện quá khứ, về những năm tháng còn là một nhà báo chiến trường, lăn lội trong các trận địa để đưa tin. Nhiều khi chuyện xảy ra gần đây thì chẳng nhớ được mà lại đi nhớ những chuyện năm nào. Kể cũng lạ thật. Con cháu cứ nói tôi chắc già lẩn thẩn mất rồi. Có lẽ là vậy. Tôi già rồi. Hơn 80 tuổi thì còn trẻ trung với ai nữa. Người xưa hay nói “Nhân sinh thất thập cổ lai hy” là nói cái chuyện con người bình thường sống được đến 70 tuổi đã là hiếm. Còn tôi, phải coi là may mắn khi chìm trong khói lửa đạn bom mà vẫn có ngày trở về. Sống được đến hôm nay đã là quá nhiều rồi.
Bà vừa rót ly nước đẩy về phía tôi, vừa chậm rãi nói. Thực tình, ở tuổi ngoài 80 mà bà còn được như vậy kể cũng mừng. Bà giục tôi:
- Kìa, cô uống nước đi. Hay cô uống nước trà tôi pha nhé.
Minh họa: MINH SƠN |
Bà đứng lên, định đi phà trà. Tôi ngăn bà lại, xin phép được uống nước lọc. Trước khi bà ngồi xuống, tôi kịp để ý thấy bước chân của bà hơi lệch, bước nặng bước nhẹ. Bà tinh ý thật. Vừa thoáng qua đã đoán được ý tôi. Bà ngồi xuống cười:
- Cái chân trái ngày trước bị thương nên thành ra như vậy đấy cô.
Xong bà cứ nhìn vào khoảng không trước mặt, lặng đi một lúc rồi kể: Lần đó là trận pháo binh của ta hun khói đội hình máy bay của giặc, tôi muốn có những thước phim thật chân thực, diễn tả được tất cả những cái oai hùng nhất của bộ đội ta cũng như vẻ khốc liệt của chiến tranh nên đã lăn ra cùng các đồng chí bộ đội. Dù mọi người cũng đã cảnh báo tôi là ở góc chụp của tôi trên đài Ra-đa rất dễ bị ăn đạn của bọn giặc nhưng cô biết không? Đã ra chiến trường, người lính nào chẳng như nhau. Tôi nghĩ vậy đấy, sao lại có ưu tiên nam nữ, sao lại phân ra nhà báo với lính. Tôi cũng là một người lính đấy nhé - lính cầm máy ảnh và cầm bút.
Bà đưa tay chỉ bức ảnh đen trắng có hình một cô gái tóc đen dài, chiếc áo bà ba, quần ống rộng ngồi bên tảng đá cạnh một con suối. Trên tay cô là một cuốn sổ nhỏ và cây bút. Cô đang cắm cúi ghi chép điều gì đó. Tôi nhìn hình, đoán chắc đó là bà.
- Năm tôi 22 tuổi đấy. Trẻ, hăng hái lắm. Đâu cũng lăn lộn được. Đèo cao, suối sâu, rừng rậm đi hết. Chẳng ngán gì. Chỉ sợ mỗi vắt.
Bà nhìn tôi cười:
- Cô không biết đâu. Đi rừng ngày đó sợ nhất bọn vắt. Nó nhỏ tí, bám cắn vào thịt cứ ngọt xớt, nhiều khi nó hút máu no căng mình mới phát hiện. Nó gớm y như con đỉa ở đồng bằng mình vậy. Nghĩ lại vẫn rợn người cô ạ. Này, nhắc đến nó mà tôi nổi cả da gà lên đây.
Bà vui vẻ chìa cánh tay cho tôi nhìn, như để tôi kiểm chứng cái vụ nổi da gà mà bà vừa nói.
- Ngày đó đi rừng là bọn tôi phải mang theo bên mình ít muối hoặc ít vôi tôi, hễ phát hiện ra bọn vắt đu vào mình cắn là rắc vào chỗ miệng chúng, chúng xót sẽ tự nhả ra. Cái giống ấy á, miệng nó hút chặt vào thịt mình, không tài nào kéo ra được…
Bà ngừng một lúc lâu, như thể để nhớ điều gì đó. Đôi lông mày nhíu lại, các vết nhăn trên trán, quanh mắt xô cả lại với nhau. Lát sau, bà nhìn tôi:
- Tôi vừa kể cho cô chuyện gì nhỉ?
- Thưa, chuyện con vắt cắn thật chắc không kéo ra được!
Bà xua tay:
- Không phải, trước chuyện đó cơ!
- Dạ, vậy chuyện cái chân trái bị thương ạ!
- Đúng, đúng rồi. Đấy, già rồi nó như vậy đấy cô. Cứ chuyện nọ xọ chuyện kia. Ấy, cô uống nước đi, rồi tôi kể tiếp cho nghe.
Bà nhấp ngụm nước, rồi lại chầm chậm kể:
- Lúc đang chụp tôi thấy chân mình nhói đau, rồi thì máu chảy ra, bết cả vào ống quần. Tôi cũng không biết mình bị thương từ khi nào nữa. Đau nhưng tôi vẫn cố chụp thêm vài tấm nữa. Khi trở về trạm quân y kiểm tra vết thương, tôi mới biết mình bị mảnh đạn pháo xén qua bắp chân. Lúc ở ngoài trận địa thì chẳng sợ, vậy mà lúc ở trạm quân y, nhìn cái bắp chân há toang hoác ra thì lại ngất đi cô ạ. Lạ thế chứ. Với lại do tôi dữ da nên vết thương bị nhiễm trùng mấy lần, mãi sau mới khỏi được. Đấy, giờ nó thành ra thế này đây, bên chân trái như bị ngắn lại chút ấy cô.
Bà đưa tay kéo ống quần cho tôi xem, bắp chân trái co lại, chỗ vết thương năm xưa đỏ lên, bóng nhẵn. Bà đứng lên, bước đến bên chiếc tủ đứng phía cuối phòng khách, lấy ra một chiếc hộp gỗ cỡ 30cm2, nước gỗ đen nâu, bóng nhẵn. Bà vừa mang lại bàn uống nước, vừa vui vẻ:
- Mấy năm trước, thằng cháu nội tôi nó mua cho cái hộp này, để đựng những tấm phim ngày tôi chụp ở chiến trường.
Bà mở hộp gỗ ra, vừa lấy kính đeo lên mắt vừa lật tìm. Những tấm phim chụp năm xưa bà nâng niu như báu vật, cẩn thận bọc trong những bao gói và ghi bên ngoài đầy đủ tên tuổi, quê quán, lần gặp gỡ… Một lúc bà hỏi tôi:
- Cô nói, cô là cháu của Minh Huệ phải không? Đây, mấy tấm phim này tôi chụp Huệ, giờ tặng lại cô và gia đình.
Tôi đón lấy túi phim nhỏ bà đưa. Trần Minh Huệ, sinh năm… quê… ảnh chụp ngày… Tôi cẩn thận kẹp phim trong cuốn sổ nhỏ rồi cho vào trong ba lô. Bà chỉ cho tôi hình một người con gái khác đang ngồi chải tóc ngoài cửa hầm lán được kẹp trên chiếc bàn kính. Mặc dù ảnh đen trắng nhưng tôi vẫn nhận thấy đôi mắt long lanh và khuôn miệng đang cười vui. Một cảm giác thật khó tả dâng lên trong lòng, sống mũi tôi cay cay. Bà bảo:
- Cô nhận ra phải không?
Tôi gật đầu. Bà Minh Huệ, bà út nhà tôi. Dù tôi chưa từng gặp bà lần nào nhưng nhìn hình là nhận ra ngay. Bà giống hệt bà Tâm, bà Tam, ông Tính và ông nội tôi. Mấy anh chị em của ông đều có khuôn mặt tròn đầy đặn, phúc hậu y như nhau. Từ đôi mắt đến điệu cười cũng giống nhau nữa.
- Lần đó, tôi có nhiệm vụ lấy thông tin từ các “điển hình” chiến đấu nữ. Huệ là một điển hình gan dạ, dũng cảm, mưu trí mà tôi cần “khai thác”. Để ghi lại tỉ mỉ, chi tiết mọi hoạt động cũng như cách đánh của tiểu đội của Huệ, tôi đã có 2 ngày cùng ăn, cùng ở, cùng nằm với nhân vật. Hai ngày thôi mà chị em trở nên thân thiết đấy. Tấm này tôi chụp lúc Huệ vừa gội đầu xong, đang ngồi hong tóc cho khô.
Đang kể thì bà ngừng lại, nhìn tôi ngạc nhiên:
- Mà làm sao cô biết mà vào tận đây tìm được tôi?
Tôi kể cho bà nghe, gia đình tôi mới tìm được hài cốt của bà Huệ đưa về quê nhà. Lại tình cờ tôi được người bạn chia sẻ một trang mạng có ghi thông tin về một nữ nhà báo chiến trường, người từng chụp và đang lưu giữ rất nhiều tấm hình của các người lính xưa kia tại chiến trường khu B. Dò hỏi, tìm hiểu mãi, lần theo địa chỉ thì cuối cùng cũng tìm đến được nhà bà.
- Vậy là Minh Huệ hy sinh sau khi chúng tôi chia tay đúng 1 tháng. Trang mạng đó là của thằng cháu tôi lập lên đấy. Tôi không biết mình còn sống được bao lâu mà giữ mãi những kỷ niệm này. Nhờ nó đưa lên để biết đâu có người cần đến. Sắp tới nó về, chắc tôi nói nó tráng tất cả số phim này ra, đưa lên mạng luôn. Bao kỷ niệm một thời mà, phải tìm cách giữ lại cô ạ. Đất nước ta có được thanh bình ngày hôm nay là phải đánh đổi bằng bao máu xương đã đổ đấy.
Bà lại ngồi kể rành rọt cho tôi nghe 2 ngày ăn, ở với bà Minh Huệ nhà tôi và các nữ bộ đội khác. Lời kể lúc hào hứng, vui vẻ, lúc lại ngậm ngùi, thương xót. Đến cuối ngày, tôi chào tạm biệt bà để ra về cho kịp chuyến xe, bà tiễn tôi ra tận cổng rồi dặn:
- Về đó, cô thắp giùm tôi nén nhang lên mộ Huệ, nói rằng nhà báo L.T vẫn nhớ.
Bà chỉ nói đến vậy rồi rưng rưng. Phải chăng đó không chỉ là nỗi nhớ về một người mà còn là nỗi nhớ về một thời. Một thời khói lửa đau thương mà hào hùng của dân tộc. Một thời với những con người vừa bình dị nhưng rất đỗi phi thường, dù gian lao vẫn giữ trọn lời thề chiến đấu vì Tổ quốc thân yêu.