Nhà viết kịch tài ba Lưu Quang Vũ - một tượng đài của nền kịch nghệ Việt Nam đã để lại gia tài văn học quý giá trên nhiều lĩnh vực như thơ, văn xuôi, kịch, tiểu luận, báo chí. Đặc biệt với thơ, Lưu Quang Vũ đã lưu lại những dấu ấn sáng tạo đậm nét, những đổi mới không chỉ trong ngôn ngữ thơ mà còn ở chiều sâu suy tưởng.
Gia đình nhà thơ Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ảnh tư liệu gia đình |
NHƯ TÌNH YÊU THƠ ĐÃ SINH RA
Lưu Quang Vũ, SN 17/4/1948, tại Phú Thọ, là con trai nhà viết kịch Lưu Quang Thuận. Làm thơ từ thuở trung học, khi đi bộ đội, Vũ viết nhiều hơn và bắt đầu đăng báo. Năm 1968 với 20 bài thơ đầu tay chọn vào tập Hương cây - Bếp lửa (in chung với nhà thơ Bằng Việt) đã hiện diện một nhà thơ trẻ Lưu Quang Vũ tài năng và được đón nhận nồng nhiệt. “Đến bây giờ đánh giặc anh đi xa/Nhìn lại mảnh vườn xưa thấy hẹp/Biết bao điều anh còn chưa nói được/Rối rít trong lòng một nỗi em em/Rừng rậm đèo cao anh đã vượt lên/Theo tiếng gọi con tàu ngày bé dại/Vườn không níu được bước chân trở lại/Nhưng lá còn che mát suốt đường anh” (Vườn trong phố) và các tập thơ sau này càng khẳng định rõ nét hơn con đường thơ Lưu Quang Vũ đã đi: Mây trắng của đời tôi (1989), Bầy ong trong đêm sâu (1993), Lưu Quang Vũ, thơ và đời (1997), Gửi tới các anh (1998), Những bông hoa không chết (2008)…
Điểm nổi bật trong thơ tình Lưu Quang Vũ là những cảm xúc tinh tế, dịu dàng chứa chan tình cảm. Không đại ngôn, không ồn ào, náo nhiệt có lẽ bởi đời sống và tính cách của chính nhà thơ là chất liệu để tạo nên những thi phẩm trữ tình: “Giữa bao la đường sá của con người/Thành phố rộng, hồ xa, chiều nổi gió/Ngày chóng tắt, cây vườn mau đổ lá/Khi tàu đông anh lỡ chuyến đi dài/Chỉ một người ở lại với anh thôi/Lúc anh vắng người ấy thường thức đợi/Khi anh khổ chỉ riêng người ấy tới/Anh yên lòng bên lửa ấm yêu thương” (Và anh tồn tại).
Giai đoạn từ năm 1965-1970, Lưu Quang Vũ nhập ngũ, phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân. Từ 1970-1978, ông xuất ngũ và làm đủ mọi nghề để mưu sinh như làm ở Xưởng Cao su Đường sắt, làm hợp đồng cho NXB Giải phóng, chấm công trong một đội cầu đường, vẽ pa-nô, áp-phích quảng cáo… Chính những năm tháng tuổi trẻ trong quân ngũ, đối diện với cuộc kháng chiến chống Mỹ và trở về sống trong một thời kỳ khó khăn của nước nhà thời hậu chiến với nền kinh tế bao cấp, khó khăn, đã làm giàu có và phong phú thêm màu sắc thơ Lưu Quang Vũ: “Em đi, phố ngày mưa/Suốt đường dài không nói/Cánh cửa chiều khép lại/Hoa đầm đìa mưa ướt chói trên cao/Ga ngổn ngang gạch đổ, những toa tàu/Như năm tháng nặng buồn em có nhớ/Ta đi giữa cỏ hoang và gỗ đá/Giữ trong lòng ngọn thác trắng trào sôi” (Em - tình yêu những năm đau xót và hy vọng). Nhà thơ Vũ Quần Phương viết: “Đọc thơ Vũ ít thấy dấu vết của bố cục, cảm hứng liền dòng ào ạt, đầy ắp hình ảnh, ảnh thực và ảnh ảo, hiện thực và tưởng tượng, sách vở và đời sống hòa quyện thúc đẩy nhau trong các câu thơ dồn dập”.
NGHỆ THUẬT GẮN LIỀN VỚI ĐỔI MỚI
Trong thơ Lưu Quang Vũ không chỉ hiện lên tình yêu tha thiết, đắm say trong thời chiến, những vất vả, gian lao của thời quá độ mà còn là những trăn trở của một người nghệ sĩ, là dự cảm trước sự thay đổi, chuyển mình với tương lai của dân tộc và bổn phận của nhà thơ trong thời đại mình đang sống: “Một con người không phải chỉ là một cái tên trong hộ khẩu/Một con tốt trong bàn cờ/Một viên gạch một cái đinh/Để treo biển hàng và đặt ghế… Nhưng trước khi có chữ viết/Đã có thơ ca/Như tình yêu thơ đã sinh ra/Không phải vì tiền nhuận bút/Không sợ ngục tù bạo lực/Dù khổ sở dù phiền hà/Thơ không bao giờ câm lặng” (Nếu đó là tội lỗi).
Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận xét, thơ của Lưu Quang Vũ có một giọng thủ thỉ tâm giấu chất tự sự như vậy. Ông kể lại bằng ngôn ngữ của thơ những xúc động, những phát hiện, những ghi nhận của mình trong cái chuỗi ngày mệt mỏi và lận đận. Và điều ấy đã làm nên một phong cách Lưu Quang Vũ không thể trộn lẫn: “Những dòng thơ giằng xé dày vò/Là mây trắng của một đời cay cực/Vượt lên trên những mái nhà chật hẹp/Em - em là mây trắng của đời tôi/Em nơi đâu bao năm tháng qua rồi/Người ta bảo rằng em đã chết/Người ta bảo quên đi đừng phí sức/Hãy chấp nhận những vách tường có sẵn/Em làm gì có thật mà mong” (Thơ tình viết về một người đàn bà không có tên III).
Lưu Quang Vũ đã sống hết mình, yêu hết mình dẫu cuộc đời nhà thơ nhiều gian truân và kết thúc ở tuổi 40 trong một vụ tai nạn giao thông, để lại nhiều tiếc thương trong lòng công chúng. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài TNVN nhận định: “Với hơn 20 năm cầm bút, bằng sức sáng tạo mãnh liệt và bền bỉ, Lưu Quang Vũ đã để lại một khối lượng tác phẩm phong phú, đa dạng, nhiều giá trị. Trong số những tác phẩm ấy, chắc chắn sẽ có những tác phẩm đã và sẽ vượt qua sự thử thách khắc nghiệt của thời gian, trở thành tài sản tinh thần quý giá cho nhiều thế hệ mai sau”. Với những đóng góp lớn lao của mình cho nền văn học Việt Nam, Lưu Quang Vũ và nữ thi sĩ Xuân Quỳnh - vợ ông là một cặp đôi tài danh, hiếm hoi cùng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng cao quý nhất về văn học nghệ thuật của Nhà nước trao tặng. Tôi muốn kết bài bằng những câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Lưu Quang Vũ: “Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình quên áo mặc cơm ăn/Trời xanh quá môi tôi hồi hộp quá/Tiếng Việt ơi tiếng Việt xót xa tình”.
VŨ THANH HOA