Trong cuộc sống này, đôi khi chẳng dư dả nhưng lúc nào cũng mang trong mình một trái tim có phần hơi lãng tử thì chỉ có nước húp cháo cầm hơi. Gã cũng vậy, không đến nỗi nghèo đói, một nam thanh niên trai tráng sức dài vai rộng lại không cầu kỳ ăn ở thì thể nào làm gì cũng có chút của sống qua ngày. Gã không có bạn, tôi cũng chẳng lạ lắm, gã có lối suy nghĩ hơi khác người, gã mang trong mình một cái chí lớn như những gã trai thời xưa, cứ như gã đang đóng vai một nam nhân nào đó từ những cuốn tiểu thuyết kiếm hiệp bước ra. Người như gã có khi nói chuyện với các cụ lại hợp.
Minh họa: MINH SƠN |
Gã chỉ có mình tôi nói chuyện. Hai thằng tôi mỗi khi rảnh rỗi lại có chút rượu rồi ngồi cạnh nhau mà nói sự đời. Tôi chẳng phải bạn gã, tôi cũng nói rõ với gã như thế, tôi đặt mối quan hệ rõ ràng vì tôi vốn không thích một mối dây ràng buộc từ cái định nghĩa “bạn bè” mà gã tạo ra.
- Bạn bè là phải giúp đỡ nhau khi cần, “lăn xả” nếu được gọi. Mình có gì thì phải hỗ trợ bạn, tương thân tương ái.
Vớ vẩn! Câu nệ! Sách vở! Thế mà đi đâu gã cũng nói.
Gã mồ côi, lớn lên nơi cửa chùa. Năm gã 15 tuổi thì sư thầy mất, gã cũng bỏ chùa đi dựng cái chòi ở rồi ai thuê gì làm nấy. 30 tuổi, trong khi đám nít ranh ngày nào chọc gã nghèo túng đã vợ con đuề huề thì gã vẫn phòng không. Tôi có hỏi han thì gã bảo:
- Tớ nuôi mình tớ thì được chứ nuôi ai nữa thì khổ người ta.
Rồi lại lè nhè đủ thứ chuyện trên đời bên bầu rượu. Gã uống rượu chỉ khi rảnh rỗi và như giải trí chứ không phải phường bợm rượu phá làng, phá xóm. Xóm tôi mỗi cuối tuần cứ hay tụ lại 5-7 người rồi cùng nhậu nhẹt sau một tuần lao động. Có lần vui thì cho gã vào, còn khi mà bực bội thì tống gã như tống hủi. Nói thật, tôi thấy thương gã. Đôi khi tôi đang trên đường đến “cuộc vui” ấy thì thấy gã đang đứng ngoài không vào. Ánh mắt của gã nó cô đơn đến tội, đến mức một người vốn không liên quan như tôi cũng thấy nỗi lòng của kẻ đứng ngoài cuộc chơi. Đã nhiều lần tôi bắt gặp tình cảnh ấy, những gã đàn ông chè chén nói đủ chuyện trên trời dưới đất, và bên ngoài, một gã khác đứng như trời trồng, một khoảng cách rất gần mà như có khoảng cách vô hình. Người ta thậm chí giống như không thấy gã, không thèm mời chào gã. Thực, có lần tôi cũng rủ gã vào cùng, họ cũng đồng ý, tôi cũng lấy lạ nhưng cũng vui thay cho gã. Đến tan chầu nhậu, tính tiền thì một thằng trong bọn lại chỉ ngay gã:
- Hôm nay cậu này mời.
Rồi hất tay cho chủ quán, quảy quảy cả bọn kéo về.
Tôi định lên tiếng thì gã ngăn. Thực trước giờ, dân làm nông như chúng tôi vốn chẳng nhiều tiền, ăn uống toàn chia nhau, lần này… tôi cứ thấy như đang lợi dụng gã. Ngược lại, gã lại rất vui, gã móc túi trên túi dưới ra vét tiền, tôi có ý góp thì gã gạt phắt:
- Tớ thấy bạn bè mà không câu nệ tiền bạc thế mới thân. Chứ hóa ra cậu lại khách sáo hơn họ à?
Bạn bè? Tôi thấy đầu lưỡi hơi cay cay nhưng không muốn dập tắt một niềm vui đâu đó của gã.
Hơn ai hết, tôi gần như là người hiểu gã nhất vì từ bé tôi đã hay đi chùa rồi chơi với gã, khi gã lớn lên có chuyện gì, gã cũng hay kể cho tôi dù tôi ít khi quan tâm. Tôi biết gã cô đơn, đã không có gia đình nên gã coi cái xóm nhỏ này là gia đình lớn của gã. Nếu quả thật được họ “thừa nhận”, gã sẽ rất vui. Nhưng rồi cứ một lần sẽ có lần hai, gã trở thành một gã trai hào phóng trong các cuộc nhậu cuối tuần, và thậm chí đôi khi được “bạn bè” nhờ vả, gã lại làm không công nhiều chuyện. Nhiều lúc, tôi thấy gã ngồi ăn cơm nguội cầm hơi, mắt nhìn vô định đâu đó, tôi thực không biết là gã ngốc thật hay thật chẳng nghĩ ngợi gì.
Thế rồi xóm tôi mất trộm, cũng chẳng nhiều nhặn gì, có khi con gà, có khi mớ rau củ nhưng đủ bán niềm tin giữa người và người. Người ta đùn đẩy nhau, trách cứ nhau và cả e dè nhau. Thi thoảng bắt gặp một ai đó chửi đổng lên nhưng chả biết đang chửi ai. Rồi người ta bỗng dưng nghi gã. Chẳng vì lý do gì hết, họ nghĩ những kẻ mồ côi luôn có tội. Sự thiếu thốn tình thương đâu có nghĩa phát sinh thèm vật chất? Họ né gã, nghiệt thay gã biết, đôi khi gã kiếm được con gà, cái bắp, gã lại cho những nhà đã mất. Gã muốn bù đắp, còn người ta nghĩ đó là nghĩa vụ.
Rồi năm ấy lũ về. Cơn lũ to đến độ những căn nhà ven sông như xóm tôi cuốn gói lên cao hết. Nhà nhà lo đồ chưa xong, những đứa trẻ nheo nhóc chỉ biết bám áo cha mẹ. Lũ đến nhanh và đột ngột. Tôi nhớ như in tiếng kêu cứu của đứa nhóc nhà hàng xóm giữa dòng nước lũ, ba mẹ nó bất lực kiếm đủ mọi cách kéo nó lên bờ. Tiếng khóc, tiếng í ới rền vang cả một góc trời. Rồi tôi thấy gã, gã vừa nghe tiếng chẳng nghĩ gì nhảy vội ngay xuống… Mà tôi biết gã cũng chẳng kịp nghĩ. May đứa nhỏ trượt xuống vùng nước nông, nhanh tay cứu được, chậm hơn nữa thì…
Lúc đó, khi lũ qua, xóm tôi tan hoang nhưng may không tổn thất về người. Khi những người trong xóm đi qua chấn động, họ mới chợt chú ý tới gã. Gã lăng xăng đi giúp hết đầu trên xóm dưới, người dựng lại nhà, người thu gom đồ đạc. Rồi, tối đến gã vò võ quay lại mảnh đất trống, nơi từng có cái chòi nhỏ của gã trên đó mà giờ chỉ còn vài mảnh bạt rách tàn dư. Người ta chợt nhận ra nơi ở của gã, gã còn chưa lo, nền đất lạnh ngắt không chỗ dựa. Ai đi qua nhìn vào thấy gã, gã chỉ cười hì hì như một gã điên. Ừ, gã điên, người ta hồi giờ vẫn nhìn gã như thế mà. Một gã điên vô tư đúng là tốt hơn những người tỉnh tính toán. Có lẽ điên như gã, cũng chẳng thấy buồn hay lo trước tình cảnh này đâu. Thấy tôi tỏ vẻ lo, gã phất tay: “Xây lại mấy hồi”. Đột nhiên, trong đám đông người ấy, một người đi ra, là ba của đứa bé mà gã cứu, ông cứ nắm chặt tay gã nước mắt lưng tròng không nói gì, gã tự nhiên cũng bật khóc hu hu như trẻ con. Có lẽ gã mừng vì có người thừa nhận gã.
Vài bữa sau, gã rủ tôi đi nhậu, gã bảo gã đãi, gã mới kiếm được công việc mới, người mang ơn gã giới thiệu cho gã vào làm ở xưởng mộc, gã làm được một tuần rồi, được cái siêng nên chủ thương. Tất cả chỉ mới bắt đầu với gã, chưa quyết định được gì ở tương lai nhưng tôi thấy mừng cho gã. Tôi tin với sự chân thành của gã thì rồi gã sẽ được trân quý. Cái chòi nhỏ của gã cũng được người trong xóm chung tay dựng lại, mỗi người một thứ cũng tạm trú qua ngày. Tôi bông đùa:
- Thế có nghĩ tới việc kiếm một cô vợ không nhỉ?
Gã cười hề hề:
- Có nên chăng?