Từ lâu không ít người vẫn có định kiến với những sản phẩm nghệ thuật mang tính tuyên truyền, cổ động cho các phong trào phục vụ cộng đồng. Nguyên nhân có lẽ bởi không ít các ca khúc nói riêng và tác phẩm văn nghệ nói chung phục vụ cho mục đích này thường “sớm nở tối tàn”, chưa kịp “nhớ mặt gọi tên” đã chìm nghỉm ngay khi nó vừa ra đời, chẳng còn ai biết đến dù có đầu tư khá tốn kém, quảng cáo khá rầm rộ. Thế nhưng cũng có nhiều ca khúc thành công ngoài mong đợi bởi những người sáng tác thực tâm, thực tài. Nói về điều này, nhạc sĩ, nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho rằng: “Khi người nhạc sĩ sáng tác có khả năng hòa đồng thực sự với tất cả cộng đồng thì cảm xúc sẽ đến bất kỳ lúc nào!”.
Bộ ba tác giả của Ghen Cô Vy. |
NHỮNG CA KHÚC NỔI TIẾNG VIẾT THEO ĐƠN ĐẶT HÀNG
Nhìn lại nền âm nhạc Việt có thể thấy không ít những ca khúc được số đông yêu thích gắn liền với tên tuổi các nhạc sĩ nổi tiếng như: Một thoáng quê hương của nhạc sĩ Từ Huy viết chung với nhạc sĩ Thanh Tùng. Nhạc sĩ Thanh Tùng chia sẻ: Nhạc sĩ Từ Huy là thành viên ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu áo dài năm 1989 do Báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh tổ chức. Ngoài việc tổ chức, Từ Huy còn nhận viết một ca khúc chính thức cho cuộc thi. Chỉ vài ngày trước cuộc thi diễn ra, Từ Huy đến nhà Thanh Tùng vào buổi chiều, đưa ra một đoạn ca khúc đã viết hơn một nửa bảo: “Lu bu quá, ông viết tiếp và phối âm dùm nhé!”. Lúc này nhạc sĩ Thanh Tùng phụ trách ban nhạc truyền hình và cũng là ban nhạc sẽ chơi cho cuộc thi hoa hậu. Đêm ấy, sau khi làm một giấc đến khoảng 24 giờ, Thanh Tùng thức dậy viết một mạch là xong cả phần nhạc, lời lẫn hòa âm: “Đẹp xiết bao/Quê hương cho ta chiếc áo nhiệm mầu/Dù ở đâu Paris, London hay những miền xa/Thoáng thấy áo dài bay trên đường phố/Sẽ thấy tâm hồn quê hương ở đó...”.
Và một loạt những ca khúc rất nổi tiếng của Nguyễn Cường như: Ly cafe Ban Mê, Đôi mắt Pleiku, Hơren lên rẫy, đặc biệt bản hợp xướng cà phê đầu tiên của Việt Nam - Đại bàng và giọt đắng của ông được trình bày tại Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột năm 2008 đều là các sản phẩm từ đơn đặt hàng của đơn vị với mục đích tuyên truyền, phát triển phong trào lao động sản xuất tại địa phương.
Không thể không nhắc tới ca khúc Sao em nỡ vội lấy chồng do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác năm 1990, phỏng theo bài thơ Lá diêu bông của thi sĩ Hoàng Cầm. Bài hát này nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác để tuyên truyền cho phong trào dân số - kế hoạch hóa gia đình, một phong trào được Liên hợp quốc bảo trợ. Sau đó, ca khúc đã được dàn nhạc giao hưởng New York thể hiện để đón chào Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam lên nhận giải thưởng của tổ chức này. Sao em nỡ vội lấy chồng được đón nhận nồng nhiệt và được nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện như Thu Hiền, Trung Đức, Trần Thu Hà, Quang Linh... Ngoài ra, một nữ ca sĩ người Nhật Bản cũng đã đưa bài hát này vào CD nhạc của chị phát hành hơn 20 nước trên thế giới: “Bướm vàng đã đậu trái mù u rồi/Lấy chồng sớm làm gì/Ðể lời ru thêm buồn/Ru em thời thiếu nữ xa rồi/Còn đâu bao đêm trong xanh/Tát gàu sòng vui bên anh/Ru em thời con gái kiêu sa/Em đố ai tìm được lá diêu bông/Em xin lấy làm chồng”.
Gần đây, ca khúc Việt Nam ơi của nhạc sĩ Bùi Quang Minh (nghệ danh Minh Beta) ra đời từ năm 2011 nhưng được phổ biến rộng rãi từ năm 2018, khi bóng đá Việt Nam khởi sắc. Vì thế, Việt Nam ơi được coi như một bài hát cổ động bóng đá được phát trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng: “Từ nơi đồng xanh thơm hương lúa/Về nơi nhà cao xe giăng phố/Hòa một niềm tin reo ca”.
GHEN CÔ VY ĐÁNH BẠI COVID-19
Đầu năm 2020, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 tại Việt Nam, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường đã liên hệ nhạc sĩ Khắc Hưng để sáng tác một ca khúc mới tuyên truyền phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này. Nhạc sĩ thấy việc sáng tác một ca khúc hoàn toàn mới có thể không kịp nên đã tìm và lựa chọn viết lại lời ca khúc Ghen trong 10 ngày. Ghen vốn là một bản hit của Min và Erik từ năm 2017. Ghen có trên 110 triệu lượt xem, thu hút vì giai điệu vui nhộn và MV sáng tạo. Lời mới của Ghen Cô Vy đề cập đến các biện pháp vệ sinh cá nhân và phòng tránh lây nhiễm virus Corona trong cộng đồng. Sau khi bộ ba Min, Erik và Khắc Hưng sửa lời và thu âm, Ghen Cô Vy đã tạo một hiệu ứng tích cực, nhanh chóng được các bạn trẻ Việt đón nhận và lan tỏa ra quốc tế. Điểm thu hút của bài hát, theo số đông công chúng nhận xét là đoạn điệp khúc dễ nhớ, dễ thuộc với thông điệp đơn giản nhưng đầy đủ: “Cùng rửa tay xoa xoa xoa đều/Hạn chế đưa tay lên mắt mũi miệng/Và hạn chế đi ra nơi đông người”. Tạp chí âm nhạc hàng đầu của Mỹ Billboard nhận xét: “Việt Nam đang có chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức rất hiệu quả khi phát hành MV Ghen Cô Vy. Ca khúc cực kỳ hấp dẫn và bắt tai, tích cực thúc đẩy các biện pháp phòng ngừa như rửa tay và vệ sinh trong mùa dịch”. Ghen cô Vy được chú ý sau khi xuất hiện trong chương trình Last Week Tonight With John Oliver của HBO hôm 1/3/2020. MC của chương trình John Oliver rất phấn khích khi nghe “Vũ điệu rửa tay” của vũ công Quang Đăng trên nền nhạc của Ghen Cô Vy và cho biết nhiều bạn trẻ quá thích ca khúc này tới nỗi còn tạo ra trào lưu “dance challenge” - thử thách nhảy múa trên mạng xã hội video TikTok. Tối 2/3, ê kíp của Min cập nhật phụ đề tiếng Anh để giúp công chúng nước ngoài hiểu nội dung ca từ. Nhiều trang tin tức như BBC News, Fox News, New York Post đồng loạt đăng tải bài viết đề cập đến ca khúc Ghen Cô Vy và điệu nhảy rửa tay do các nghệ sĩ Việt Nam thực hiện.
Trước thành công này, nhạc sĩ Khắc Hưng chia sẻ: “Tôi vui vì chính quyền và Bộ Y tế Việt Nam trân trọng tác giả khi họ mời chúng tôi hợp tác. Điều này cho thấy tiếng nói người trẻ được lắng nghe và việc trẻ hóa không khiến chúng ta đánh mất sự nghiêm túc và ý nghĩa của âm nhạc”.
VŨ THANH HOA