Mấy ngày Tết trôi qua cái vèo. Không khí thư giãn, ồn ào, náo nhiệt của sinh hoạt vui xuân đón Tết xem như đã thuộc về… năm cũ. Ai nấy bắt đầu đi làm lại. Sau thời gian nghỉ ngơi dài ngày, mọi người sẽ hăm hở, sung sức hơn chăng? Sáng nay, chị bảo: “Cái Tún đâu? Chuẩn bị vào trường nhá”. Nghe câu nói nghiêm nghị ấy, cô nhóc biết rằng Tết đã hết, cảm thấy tiếc ngày vui qua mau bèn thút thít: “Má ơi, con nhớ Tết quá”. Chị bật cười: “Hết Tết rồi cô ạ. Mau mau ngoan giùm. Má thương”.
Minh họa: MINH SƠN |
Những tưởng chỉ những cô cậu nhóc mới ham vui, nào ngờ không ít người lớn cũng có tâm trạng ấy. Họ muốn níu kéo thêm ngày Tết để còn có dịp bù khú, thù tạc cùng nhau. Dù rằng, ai cũng biết chẳng nên chút nào.
Suốt mấy ngày xuân, ăn uống bữa đực bữa cái, bia bọt vô tội vạ, phải tiếp đãi bạn bè, họ hàng khách khứa, rồi đi chúc Tết xa gần… nên sức khỏe cũng rêm rêm, mỏi mệt. Rồi nào có thời gian quán xuyến, quét dọn nhà cửa gì đâu. Mọi thứ bày biện không còn ngăn nắp, chỉnh chu, phải sắp xếp lại thôi. Ấy là chưa kể, sau Tết các mối mang làm ăn với bạn hàng phải “kết nối” lại; mọi việc bán buôn phải “khởi động” lại sau dịp nghỉ Tết…
Tóm lại, còn có nhiều việc phải làm.
Đến cơ quan trong ngày đầu năm, hầu như công việc chẳng có gì nhiều. Từ sếp đến lính cũng đều còn trong tâm trạng lâng lâng vui xuân, chưa bắt tay ngay vào công việc. Do đó, nhiều người tranh thủ về nhà sớm với kế hoạch đã bàn với vợ/chồng. Đêm qua, người chồng còn nói một câu chắc nịch: “Vui Tết như vậy là đủ rồi. Chiều mai, em nhớ về nhà sớm dọn nhà phụ với anh một tay đấy”. Người vợ nghe vui quá bởi vì rằng, sinh hoạt gia đình bắt đầu đi vào nề nếp, không còn ăn uống, ngủ nghỉ ngẫu hứng nữa. Mà cũng phải thế thôi. Dù muốn dù không, lịch làm việc của mọi người đều bắt đầu.
Trên đường về nhà, cô vợ mường tượng ra cảnh người chồng đang hăng hái chỉ huy lũ nhóc dọn đầu này, bưng bê đầu kia loạn xị cả lên. Hình ảnh ấy, ấm áp, nhộn nhịp lắm. Tất nhiên, cô cũng xông vào phụ một tay cho mọi việc hoàn thành nhanh chóng. Rồi vợ chồng con cái cùng ăn bữa cơm chiều, không đãi đằng khách khứa và nhất là không hề có giọt bia giọt rượu nào. Tưởng là tưởng thế thôi.
Ối dào, cái gì thế này?
“Dzô trăm phần trăm. Bắc Kạn nhá. Nào, 1, 2, 3… Chúc mừng năm mới”. Tiếng hô của người chồng hoành tráng quá. Mọi người đồng thanh hưởng ứng: “Chúc mừng năm mới” nghe rền vang quá. Đã thế lại còn nghe: “Vào nhập tiệc luôn đi em”, giọng người chồng oang oang. Đúng là “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chẳng lẽ nặng nhẹ với chồng vì đã quên lời hứa hôm qua?
Ngày đầu năm, bạn bè có quý, có mến mới ghé chơi, dù đã “qua mồng” nhưng cũng phải tiếp đón đàng hoàng chứ? Phải vậy thôi. Khó có cách lựa chọn nào khác. Thế đấy, dù đã “ra Giêng” nhưng có cả hàng trăm, hàng ngàn lý do để người ta kéo dài cái Tết. Khó có thể từ chối, nếu mình không cương quyết.
Trước đây, hễ cơm nước xong, anh có trách nhiệm dạy kèm cô nhóc, chị soạn giáo án. Vì vui Tết nên cả chục ngày qua, lịch sinh hoạt quen thuộc đã bỏ bê, anh rất muốn “lập lại trật tự”. Do đó, chiều nay, anh vừa gọi con vào bàn ngồi học, bỗng nghe vợ gọi: “Chuẩn bị quần áo xong chưa anh? Đến giờ rồi đó”. Ơ hay, đi đứng gì bất ngờ thế này? Anh ngạc nhiên: “Đi đâu vậy nàng?”. Cô vợ cười khì khì: “Chàng không nhớ lời hẹn hôm mồng Hai Tết à?”. Hẹn với ai nhỉ? Chẳng thể nào nhớ ra nổi. Nhìn thấy chồng ngắc ngứ, cô vợ bảo: “Sếp của em hôm ấy đã hẹn mọi người sang nhà chơi, anh quên rồi à?” Do xem lịch thấy sau Tết ngày đó hanh thông nên sếp mới hẹn mọi người đến liên hoan đầu năm. Thế là, dù không còn ham hố bia bọt nữa, nhưng làm sao có thể né tránh?
Có người lúc xách xe đi làm ngày đầu năm, cô vợ dặn dò: “Tan sở là về ngay phụ việc nhà với em. Đừng có tụt tạt, lê la quán xá, say xỉn với đồng nghiệp nữa. Hết Tết rồi đó. Nhớ kỹ giùm”. Tất nhiên, người chồng gật đầu đồng tình. Mà cũng phải thôi, suốt cả tuần, ngày nào cũng… vui như Tết nên cảm thấy oải lắm rồi. Anh chồng quả quyết: “Em yên tâm đi. Xong việc là em thấy anh về trình diện ngay. Dẫu bạn bè có cho vàng đi nữa, anh cũng chẳng thèm. Bởi vì anh là… người chồng gương mẫu nhất trên thế gian”.
Vâng, người chồng ấy gương mẫu đến độ mãi đến sau 21 giờ mới về đến nhà với giọng nói lè nhè: “Em thông cảm. Bạn bè trong phòng rủ nhau mừng hội ngộ tân niên. Ai cũng tham gia, chẳng lẽ anh lại né?”.
Cũng bởi vì không kiên quyết né, tranh né những cuộc vui sau Tết nên vào những ngày đầu năm, đồng nghiệp trong phòng tôi phải kéo nhau vào… bệnh viện thăm Ngô. Vợ của Ngô mếu máo kể lể: “Do ảnh nể nang bạn bè mà ra. Hễ ai mời cũng “dzô, dzô, dzô” nên mới xảy ra cớ sự. Ham vui thế này, chỉ có vợ con là khổ”. Nhìn thấy hắn ta nằm xụi lơ vì ngộ độc bia rượu, ai nấy đều giật thót cả người. Chà, chính mình cũng phải hạn chế đi thôi. Ra Giêng là hết Tết rồi, nếu cứ níu kéo cái Tết dài thêm nữa thì biết đâu…
Ừ nhỉ, dẫu đã hết Tết nhưng “nửa này” cứ ham hố, không kiềm chế thì “nửa kia” than phiền là phải rồi.
LÊ MINH QUỐC