Cho tới mãi sau này, tôi vẫn luôn cảm thấy có lỗi với nó, dù mỗi khi nhắc lại nó vẫn hay bật cười và tự cho rằng những lời nói lúc nóng giận vốn là những điều không nên giữ trong lòng quá lâu. Thế nhưng, chính vì là chị em, lại là chị em sinh đôi cùng cất tiếng khóc chào đời vào một ngày lạnh giá bên xứ bạn, nó mới càng cảm thấy khó quên, vì khi nó là một người biết suy nghĩ và hy sinh thì tôi lại chỉ là một người trưởng thành với suy nghĩ của một đứa trẻ chưa kịp lớn.
Minh họa: MINH SƠN |
Ngay từ khi còn nhỏ, dù bằng tuổi nhưng nó đã biết suy nghĩ hơn tôi nhiều. Khi tôi còn ham chơi với mớ búp bê hoặc thú nhồi bông ba mua sau những chuyến đi xa thì nó lại chỉ khóc mỗi khi ba về. Chính những giọt nước mắt của nó mới khiến nó cảm thấy xót xa và nỗi nhớ ba dâng trào lên ào ạt, rõ ràng trong một phút nhất thời tôi để sự ham chơi vui thú hơn là nhận ra việc ba về sau những ngày tháng dằng dặc ở xa. Còn nó, nó gạt phắt mớ đồ chơi qua một bên mà chỉ nấc lên từng tiếng bấu víu lấy bàn tay to bè của ba nghẹn ngào như không muốn ba đi nữa. Nhưng cũng chính đứa trẻ ấy, khi ba lại tiếp tục rong ruổi theo những chuyến hàng xa, khi tôi lúc này mới cảm giác được dư vị của sự mất mát nắm lấy tay ba khóc lấy khóc để, thì nó lại như một đứa trẻ chững chạc hẳn. Nó chạy đi xếp đồ cùng ba, bằng những lời nói non nớt dặn ba đủ thứ như ăn đầy đủ không bỏ bữa, mặc áo ấm vào… rồi cũng chính nó là người đã vỗ về an ủi tôi khi cánh buồm của ba chỉ còn là một dấu chấm nhỏ ngoài khơi xa. Tôi còn nhớ như in lúc tôi đang ngồi ngoài thềm vừa dỗi vừa khóc, mẹ bất lực vì đương chuẩn bị cho buổi chợ chiều, trước mặt tôi là nó, đôi môi mím chặt để tiếng khóc không bật ra, xòe bàn tay nhỏ xíu bên trong có một quả trứng nhỏ:
- Chị đừng khóc nữa, em cho chị này.
Nó biết trứng là thứ tôi thích nhất nên đã lấy phần để dỗ tôi ngừng khóc, trong khi nó cũng đang cố gắng mím chặt môi như tự an ủi mình. Khi hai đứa lớn lên một chút, trong khi tôi là con gái nhưng lại thường ham chơi, những lúc rảnh rỗi thường đi đá bóng với đám con trai trong xóm thì nó lại thường quấn lấy mẹ phụ giúp việc nhà. Nhà ngoại ở xa, cách cũng hai, ba tiếng đi xe đò, mỗi khi có việc về ngoại, dù mẹ tranh thủ cách mấy thì đi về cũng hết non ngày, thường những lúc ấy mẹ bảo hai đứa tôi cố gắng chế mì ăn, hoặc làm cơm để sẵn, nhưng tới bữa là nguội hết vì để lâu. Tôi khi ấy đã khó tính, không thức thời cứ mè nheo mỗi khi nó dọn cơm:
- Cơm nguội hết rồi chị ứ ăn, ứ ăn.
Thế mà nó nằm lòng. Sau những lần đó, nó cứ bám theo mẹ nài bày cách nấu ăn, ban đầu mẹ thấy nó còn nhỏ, sợ củi lửa không an tâm, nhưng rồi cũng chính nó trước mặt mẹ một cách thật cẩn thận kiên nhẫn làm từng bước, nấu từng món, mới lên cấp hai đã nấu được dăm bảy món, được khen là “cũng có tay nghề”. Từ đó về sau, mỗi khi mẹ về ngoại nó lại “đích thân xuống bếp” trổ tài nấu những bữa ăn nóng hổi cho tôi.
Từ trước đến giờ nó luôn là sự hãnh diện của tôi. Nó rất biết suy nghĩ cứ như khi ba đi rồi, nó là trụ cột tinh thần cho ba mẹ con ở nhà. Lâu dần mẹ dành thời gian ở chợ nhiều hơn để nó lo hết việc nhà, tính tôi chây lười, nói thật những ngày tháng ấy vì nó quá hoàn hảo, tôi hầu như ỷ lại hoàn toàn vào nó. Nhưng khi nó làm nhiều quá cũng dần kiệt sức, đổ bệnh. Bị đau mà nó giấu tiệt không nói, nên đau càng nặng hơn, ngất xỉu ngay tại lớp, mẹ khóc lên khóc xuống, tôi cũng hu hu bên cạnh giường. Nó, gương mặt đỏ ửng, mồ hôi nhễ nhại, tay chuyền bình nước to nhìn tôi cười: “Đừng khóc nữa, khỏi bệnh rồi em nấu cháo trứng cho chị ăn nhé?”.
Khi chúng tôi thi đại học, lại một lần nữa tôi thấy sự hy sinh của nó. Cả hai chúng tôi đều thích học tổng hợp Văn, nhưng ngành này phải đóng tiền học phí cao, trong khi ngành sư phạm lại miễn giảm hoàn toàn. Thế là không do dự, nó điền ngay vào đơn chọn sư phạm, hơi chần chừ, tôi có hỏi:
- Em thích tổng hợp Văn mà.
- Nhưng chị cũng thích.
Nó phì cười rồi lại tiếp tục điền ngành tôi thích vào cho tôi. Chỉ vì điều kiện kinh tế khó khăn, nó sẵn sàng dẹp đi ước mơ của mình không do dự, ngay giây phút ấy tôi chợt nhận ra, dù sinh đôi giống nhau như thế nào thì tôi cũng hoàn toàn thua nó. Ít lâu sau đó, nó đậu đại học, nhưng tôi lại rớt, phải chờ xét tuyển nguyện vọng hai. Việc đậu đại học là một việc quan trọng của cả đời người, thế nhưng chỉ vì tôi mà nó không hề tỏ ra vui mừng, phải đến khi tôi đậu nguyện vọng hai nó mới nước mắt ngắn dài cứ như nó đậu vậy…
Sau khi ra trường, vì tấm bằng giỏi tôi dễ dàng xin việc làm và vì nhanh nhạy tôi cũng dần thăng tiến, công việc tạm ổn ở một công ty, ngồi máy lạnh làm nhân viên văn phòng. Ngược lại vì dòng đời xô đẩy, khó xin việc, nó lại vào làm ở một tiệm giày, hôm nào cũng quần quật từ sáng sớm tới tối mịt, nhưng lúc nào về nhà nó cũng bày đủ trò chọc tôi. Nhưng có một lần vì quá nóng giận bất đồng ý kiến trong một việc, cơn giận nhất thời khiến tôi dù không thực sự nghĩ vậy nhưng lại buột miệng nói:
- Chị nghĩ mình có kinh nghiệm hơn em đó, ngày nào chị cũng tiếp xúc với mớ kiến thức ấy còn em đi làm thêm ở một tiệm giày thôi mà lấy gì làm so bì kinh nghiệm.
Ngay khi nói ra tôi đã hối hận. Từ nhỏ đến lớn nó đã luôn nhường nhịn tôi và nó thông minh hơn tôi nhiều, nếu ngày đó nó không chọn một ngã rẽ khác chỉ vì tôi thì có lẽ tương lai nó đã không như thế này. Nhìn thấy phút choáng váng của tôi, nó phì cười:
- Nhưng quan trọng là em vẫn rất vui với công việc của mình.
Tôi biết nó nói thế để tôi không cảm thấy có lỗi, nhưng tôi lại cảm thấy mình quá tệ, ngay khi tôi vừa định xin lỗi nó đã ngăn:
- Đừng nói những câu như xin lỗi, khi chị hối hận em biết mà, đừng để nó thành khoảng cách giữa chúng ta.
Tôi biết vết thương ngày đó với nó cứ như mực ghi trên giấy, dù tôi có dùng bút xóa xóa đi bao nhiêu lần thì thực chất những lớp bút xóa chỉ đè lên che dần đi vết mực chứ chỉ cần cạo đi thì lớp mực vẫn còn nguyên. Đó là bài học cho tôi để tôi biết trân trọng nó, trân trọng tình cảm chị em mà nó đã gìn giữ suốt hàng năm đằng đẵng qua. Lớp mực tổn thương tôi vẽ nên có thể không xóa hẳn đi được nhưng trang nhật ký mà đoạn đường sau này chúng tôi viết tiếp, tôi sẽ cố vẽ nó thành những dòng lưu bút thật đẹp.