"Chưng diện" bằng mọi giá!?

Thứ Bảy, 29/02/2020, 15:36 [GMT+7]
In bài này
.

“Nè, cười lên một tiếng đi anh. Sướng nhá. Phải cưng lắm, em mới bỏ công lặn lội cả ngày, phải đi đến mấy siêu thị mới tìm mua đầy đủ được cho anh nè”. Đang đứng hiên ngang giữa nhà, cô vợ thả luôn gói đồ to bự chảng vào lòng người chồng. Dù ngồi chễm chệ trên ghế nhưng chàng cũng cảm thấy bị đè nặng như muốn lún cả nệm. Quần áo đang mặc còn nhiều, nào thiếu thốn gì đâu mà phải mua thêm đến cỡ này? 

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Chàng ngạc nhiên quá, không thể thốt nên lời và lại càng ngơ ngác không thể hiểu vì sao nàng lại hoang phí đến thế? Chưa kịp há miệng ra hỏi, nàng đã rổn rảng: “Đấy, có ai quan tâm đến anh bằng em không?”. Chàng lại ngạc nhiên nốt: “Thì lâu nay em vẫn quan tâm đến anh, nhưng tại sao mua quần áo nhiều thế này?”. Với câu hỏi đó, nàng từ tốn mà rằng: “Anh cù lần lắm. Ở tuổi của anh, phải “tân trang” bằng con mắt mỹ thuật của em thì mới trẻ trung, khỏe mạnh, tràn trề sức sống”. 

Ừ, cứ cho là thế, chẳng dại gì cãi lại những lời vàng ngọc của vợ, nếu muốn giữ hòa khí trong nhà, nhất là khi đang được nàng bày tỏ sự quan tâm. 

Thế là chàng làm mặt vui lấy ra từng cái áo, cái quần mà ngắm mà nghía, săm soi. Lạ ghê, hễ cầm lấy thứ nào là chàng càng tái tê nghĩ đến lúc phải mặc vào người. Này, sắc màu thì sặc sỡ hết chỗ nói, có cái lại in vòng vèo vài dòng chữ vô thưởng vô phạt to tổ chảng, chưa kể chất liệu vải lại bóng lộn… Chàng lẩm bẩm: “Thiệt là…”, dù thốt ra từ trong cuống họng nhưng nàng vẫn nghe rõ: “Anh nói thế ngụ ý gì hả anh?”. Người chồng thật thà nhăn nhó: “Sao giống thời trang của giới showbiz quá hả em?”. Cô vợ cười xòa: “Thế mới model chứ anh?”. 

Biết phải trả lời ra làm sao, một khi không hài lòng nhưng “nửa kia” đã nói chắc như đinh đóng cột? Sở dĩ xảy ra sự éo le này, bởi do tính chất công ăn việc làm, mối quan hệ xã hội, nếu chấp hành, thực hiện theo sự tân trang của vợ, ắt trước đám đông mình trở nên lạc lõng, kỳ dị lắm. 

Đúng thế, mẩu đối thoại trên là Phước kể lại. Bạn tôi chỉ là chuyên viên bảo trì máy tính trong công ty, thỉnh thoảng còn hướng dẫn ở trung tâm dạy nghề kiếm thêm thu nhập. Cả ngày bận rộn chúi mũi vào công việc, vậy cần gì phải diện quần áo “chim cò” ấy? Xem ra không phù hợp chút nào cả. Thế nhưng Tố - vợ hắn ta lại đưa ra lý lẽ: “Thiên hạ đánh giá anh qua chuyên môn hay quần áo? Tất nhiên anh thừa hiểu rồi nhưng nếu anh ăn mặc tươi trẻ, càng dễ gây thiện cảm chứ anh?”. Đành rằng là thế, nhưng vốn không quen, Phước cảm thấy lóng ngóng như “áo ra đàng áo, người ra đàng người”. Mất hết tự tin. Nhưng rồi, với sự tân trang “quyết liệt và triệt để” ấy, chấp hành hay từ chối vẫn là sự ngổn ngang trong lòng “nửa kia”. Éo le ghê. 

Nói đi cũng phải nói lại, sự thay đổi này xuất phát từ thương mến thương, từ sự quan tâm muốn “nâng cấp” của vợ/chồng dành cho nhau. Tuy nhiên, nếu ý định đó được tham khảo, hỏi ý kiến và nhất là xét về công việc của “một nửa” mà mua sắm thì tốt quá. Nhiều người lại không nghĩ thế. Họ cho rằng “người của mình” chẳng rành, chẳng biết gì về thời trang, mình cứ việc chủ động “ra tay” thì sự thay đổi mới diễn ra theo ý muốn. Mà ý muốn đó cũng không ngoài mục đích là làm đẹp hơn nữa, trẻ hơn nữa kia mà?  

Chà, cái lý của “nửa này” dù thiện chí, nhưng chắc gì đã hợp lý với “nửa kia”? Tôi có người bạn thân, có lần cô bảo: “Về chuyện ăn mặc, nếu chồng quan tâm quá mức, có lúc cũng cảm thấy phiền toái lắm”. Không đợi tôi hỏi: “Vì sao?”, cô chậm rãi tâm tình, đại khái, vốn là giáo viên nên trang phục ưa thích và phù hợp khiến cô tự tin vẫn là lúc mặc áo dài. Đành rằng, có những lúc tiệc tùng, gặp gỡ có tính cách riêng tư, không dính dáng gì đến công việc, cô vẫn mặc trang phục khác cho phù hợp. 

Thế nhưng, dạo gần đây chẳng rõ cơn cớ gì, người chồng lại buộc cô phải thay đổi màu sắc, chất liệu vải áo dài, cách may. “Trời đất, đứng trước lớp dạy học trò mà diện thế này, cậu thấy sao?”. Nhìn hình các mẫu trang phục qua chiếc điện thoại cầm tay, quả thật, tôi cảm thấy lòe loẹt quá, chẳng khác gì ăn diện lúc dự dạ hội nhưng cũng chẳng sao, đẹp thôi mà, do đó, tôi phát biểu ý kiến: “Yên tâm đi. Áo dài may thế này là model rồi. Chẳng thua gì các người mẫu lúc trình diễn thời trang đâu. Vậy thích nhé”.

Khi nói như thế, nhiều người chỉ đơn giản nghĩ rằng, nếu chàng/nàng đó mặc trang phục đó mà người ngoài cảm thấy đẹp, phù hợp thì cứ việc “tới luôn bác tài”, việc gì phải đắn đo, chần chừ? Nào ngờ cô bạn tôi trả lời: “Cậu thử nghĩ đi, học trò thì nghèo, quần áo luộm thuộm, vá víu mà cô giáo ăn mặc “sang chảnh” thế này, liệu có nên chăng?”. Tôi giật mình. Thì ra ở môi trường sư phạm lại khác, không thể ăn mặc theo ý thích mà còn phải “nhìn trước ngó sau” nữa chứ?

Khi bàn về chuyện này, còn nhớ Phước - bạn tôi bảo: “Ai cũng thích người vợ/chồng trẻ trung hơn, tươi tắn hơn qua quần áo bề ngoài. Tuy nhiên, điều quan trọng là đừng quên môi trường làm việc của “nửa kia”, không khéo…”. Nói đến đó, hắn ta lấp lửng, nhưng tôi lại bật ra tiếng cười vì nhớ lúc bất ngờ từ Hà Nội bay vào Nam, sếp tổng vào triệu tập ngay cuộc họp toàn cơ quan, Phước ngồi bên tôi nói khẽ: “Kìa, sếp nhìn tớ chằm chằm có lẽ cứ nghĩ tớ là… “dân chơi cầu Ba Cẳng” chăng?”.

LÊ MINH QUỐC

;
.