Mẹ đặt tên chị là Nhàn, còn tên tôi là Hương. Nhàn là nhàn hạ, an nhàn. Hương là hương thơm, tỏa hương cho đời. Mẹ muốn hai chị em tôi sau này đều được sung sướng, không phải lặp lại cuộc đời cơ cực, bất hạnh như mẹ.
Mẹ tôi, người đàn bà đơn thân, cho đến khi qua đời, vẫn bị người làng xì xầm với bao điều tai tiếng.
- Ôi cái bà Nháng, cả làng này ai mà chẳng biết. Cứ nhìn khuôn mặt hai đứa con của bà đủ nhận ra cha chúng là con ai. Giống nhau như đúc khuôn thế kia mà. Chỉ là người ta không muốn dính dáng đến mẹ con bà, không muốn chịu trách nhiệm với hai đứa con rơi, con rớt nên người ta mới ngậm bồ hòn thôi.
Minh họa: MINH SƠN |
- Bà ấy một thời sống về đêm. Chẳng có đêm nào mà người ta không thấy bà ở ngoài đồng. Khi thì đi đào trộm khoai, khi thì đi bẻ trộm ngô. Nhớ hồi bà ấy mang thai con Nhàn, giữa đêm đi trộm khoai, đau đẻ nên đẻ ngay ở ruộng khoai nhà bà Áy đấy thôi!
- Ngày đó, gia đình bà Nháng khổ nhất cái làng Thiên Hòa này. Mẹ mất sớm, một mình bà ấy tự bươn chải kiếm sống. Mà đúng là mẹ nào con nấy. Nghe bà cụ nhà tôi kể, hồi bà Xòi (mẹ của bà Nháng bây giờ) cũng chả có chồng. Quá lứa lỡ thì, thèm con nên đi vụng trộm với người đàn ông đã có vợ ở làng Thanh Xá bên cạnh, sinh ra mụ Nháng. Rồi bà cụ ấy chết. Mụ Nháng sau này lại nối gót mẹ…
Người ta nói về mẹ bằng những lời khinh khi, miệt thị. Chính vì vậy, cả đời mẹ chỉ quẩn quanh trong lũy tre làng. Ra đồng thì làm bạn với con cua, cái hến; về nhà thì làm bạn với con. Mẹ mặc cảm, tự ti nhưng mẹ hạnh phúc vì đời này, kiếp này có chị em tôi.
Mẹ bảo, dù khổ thế nào, dù người làng có chê cười, có mỉa mai thế nào, mẹ cũng sẽ lo cho hai chị em tôi đi học như người ta. Trước là để biết cái chữ. Sau nữa là để sống có ích, để không bị người đời coi thường như họ coi thường mẹ. Mùa nào việc ấy. Khi mót lúa, mót khoai; khi mò cua, bắt ốc; khi lại kéo tép, tát cá. Mẹ có thể nhịn đói; có thể ăn khoai, ăn sắn chứ nhất định không để chị em tôi thiếu bữa cơm trắng. Mẹ lại bảo, mẹ đã sinh ra con thì phải có trách nhiệm với con và để không hổ thẹn với lòng mình. Hai chị em tôi cứ thế lớn lên từ đôi bàn tay chai sần, đen đúa của mẹ. Nhưng rồi… khi chị Nhàn lên 9, tôi lên 7, mẹ ra đi đột ngột giữa một ngày mưa tầm tã ngoài đồng. Mẹ nằm gục bên bờ ruộng, toàn thân tím tái, tay vẫn nắm chặt mấy con ốc nhặt được. Thương mẹ, chị em tôi khóc cạn nước mắt.
Người trong làng xúm tay giúp chị em tôi chôn cất mẹ. Mẹ ra đi chẳng một lời trăng trối, bỏ lại chị em tôi chơ vơ giữa dòng đời xuôi ngược. Tôi ngồi sụp bên bàn thờ mẹ rưng rưng khóc. Chị Nhàn thì ngồi lặng im như pho tượng. Chị không còn khóc nữa. Mặc cho tôi lay chuyển, tôi bắt đền, vùng vẫy thế nào, chị cũng chẳng nói chẳng rằng. Mãi một lúc lâu sau, chị nhẹ nhàng đến bên, nắm lấy tay tôi, giọng khản đặc:
- Chị… sẽ thay mẹ chăm sóc em! Tôi sà vào lòng chị, khóc nức nở. Hai chị em cứ thế ôm lấy nhau, lặng nhìn ra ngoài trời, mưa vẫn trút từng cơn não nề.
Chị Nhàn có mái tóc dài và rất mượt. Chị thường cột gọn nó bằng sợi dây thun nhỏ. Từ nhỏ, chị đã học giỏi còn làm đủ mọi việc trong nhà giúp mẹ. Chị nói với tôi, sẽ làm công việc của mẹ đã từng làm, sẽ không để tôi phải bỏ học giữa chừng.
- Nhưng chị học giỏi hơn em. Chị nên đi học tiếp. Còn em, em sẽ không học nữa đâu.
- Không được. Em phải học. Đợi khi nào em học xong, có công việc ổn định, chị sẽ xin học lại vẫn chưa muộn. Tôi nghe lời chị và tiếp tục đến trường.
- Em ăn đi, ăn nhiều vào có sức mà học! Tháng ba ngày tám, bữa cơm chỉ toàn khoai trộn. Chỉ có lưng chén cơm trắng chị cẩn thận lọc ra dành cho tôi.
- Còn chị, sao chị có thể ăn khoai mãi được?
- Chị thích ăn khoai hơn. Ăn cơm trắng ngán lắm... Tôi lặng nhìn chị. Tôi biết chị nói dối. Những lần khác cũng vậy. Chị mua cho tôi cái áo mới còn chị thì mặc áo vá lia chia. Chị bảo, em đi học nên cần có áo mới, chị ở nhà mặc áo vá không sao cả. Có mớ cá bắt được ngoài đồng kho làm thức ăn, chị cũng lựa phần thịt gắp hết cho tôi. Chị cười, nói chị thích ăn đầu và đuôi cá. Ngon lắm! Cứ như thế, chị nhường cho tôi tất cả những gì tốt đẹp nhất.
Tôi học lên cấp ba rồi vào đại học, chị vẫn cặm cụi làm bạn với đồng làng, với cua, với hến. Đôi tay chị vốn gầy gầy xương xương giờ lại thêm nhiều vết trầy xước; khuôn mặt trắng trẻo ngày nào giờ sạm đen, lỗ chỗ chấm tàn nhang, đồi mồi. Mấy ngày nghỉ lễ, tôi về nhà và không quên mua tặng chị chiếc kẹp tóc. Đó là món quà đầu tiên tôi tặng chị vì nghĩ nó hợp với mái tóc dài của chị. Tôi mua nó từ số tiền tiết kiệm hàng ngày chị gửi cho. Tôi háo hức nghĩ đến khoảnh khắc nhìn thấy nó, chị sẽ ngạc nhiên và thích thú đến nhường nào. Nhưng… Vừa thấy chị, tôi đã ngỡ ngàng. Mái tóc dài đến tận gót chân của chị bỗng nhiên đã bị cắt ngắn cũn từ lúc nào.
- Sao chị lại cắt đi mái tóc? Giọng tôi trở nên hụt hẫng.
- Chị đổi ý rồi. Giờ chị thích tóc ngắn thế này hơn. Chị xem trên ti vi người ta bảo cắt tóc ngắn nhìn sẽ trẻ trung hơn. Nói rồi chị gượng cười quay đi. Còn tôi thì hiểu ra mọi chuyện. Không phải chị thích kiểu tóc ấy mà vì chị đã bán đi mái tóc để có tiền cho tôi nộp học. Nhớ tháng trước có đợt đi thực tế, cần một khoản tiền nộp, tôi gọi về nhà, chị bảo phải ráng hơn một tuần nữa mới có. Nhưng chỉ 3 ngày sau, chị đã gửi đủ số tiền cho tôi cần nộp.
- Thì ra… Giọng tôi càng sụt sùi. Tôi chạy đến gục đầu vào lòng chị khóc như một đứa trẻ. Chiếc kẹp tóc, tôi lén cất giữ chờ tóc chị dài ra sẽ đem ra tặng lại.
Tôi ra trường và có công việc ổn định trên thành phố. Tôi đã hứa với lòng mình rằng sẽ chăm sóc, sẽ bù đắp cho chị khi tôi đã thành danh.
- Giờ em đã có việc làm, lương tháng cũng tạm ổn. Em có thể lo cho chị. Chị đừng đi mò cua bắt hến ngoài đồng vất vả nữa. Chị hãy tiếp tục đi học lại đi. Chị mỉm cười, nắm lấy tay tôi:
- Em chưa lập gia đình, chị vẫn chưa thể yên tâm. Còn chuyện học thì…
Ngày tôi lấy chồng, chị khóc rất nhiều. Chị bảo mừng cho tôi nên chị khóc. Tôi bàn với chồng năn nỉ chị lên thành phố ở cùng. Chị xua tay từ chối, nói không quen với cuộc sống thị thành. Thực ra, chị không muốn phiền hà, cũng không muốn trở thành gánh nặng cho tôi nên mới nói vậy. Tôi hiểu nên không nhắc chuyện ấy nữa. Tôi giục chị tính chuyện chồng con. Chị ậm ờ:
- Ngần tuổi này, ai dám yêu thương chị. Vả lại, chị… Tôi biết, trong cái bỏ lửng ấy là sự mặc cảm, tự ti về bản thân của chị.
- Nhưng… chị không thể vì em mà sống một mình cả đời như thế này được. Chị gượng cười:
- Hồi bà ngoại, rồi mẹ chúng ta cũng vậy, rồi cũng qua.
- Nhưng bà và mẹ ngày xưa vì quá nghèo khổ nên mới thế. Còn chị… bây giờ có em, em sẽ lo cho chị. Vòng tay ôm lấy chị, nước mắt tôi rơi lã chã.
Một ngày, chị kể cho tôi nghe về anh, người từ lâu đã thương chị và chị cũng thương anh. Anh tên Tân, người ở làng Bái Ân, hơn chị 1 tuổi. Anh mồ côi ba mẹ, ở với gia đình dì ruột. Công việc hàng ngày của anh là thả lưới bắt cá, phụ giúp vợ chồng dì lo bữa hôm bữa mai. Mấy lần chị gặp anh ngoài đồng. Ban đầu hai người chỉ chào hỏi mấy câu. Dần dà, tình cảm anh dành cho chị ngày một nhiều. Anh ngỏ lời muốn chung sống với chị. Thấy chị im lặng, anh hiểu chị còn lo cho em gái nên không đề cập chuyện cưới hỏi nữa.
- Bây giờ, chị hãy đồng ý lời đề nghị của anh ấy đi!
- Chờ đợi suốt một thời gian dài, chị không trả lời, nghe đâu anh ấy đã lên thành phố tìm việc làm. Cũng gần 1 năm rồi, chị không còn gặp anh ấy, cũng chẳng có liên lạc gì nữa. Chắc anh ấy... Giọng chị chùng xuống trĩu nặng. Còn tôi, tôi nghĩ mình phải làm một điều gì đó.
- Nhàn!
- Anh Tân!
- Em… em vẫn chờ anh chứ?
- Em… Chị tôi bẽn lẽn, hai má ửng hồng khi đặt trọn bàn tay mình trong bàn tay anh. Rồi họ cùng nhau bàn chuyện đám cưới. Mãi sau này, tôi mới tiết lộ cho chị biết rằng vợ chồng tôi đã nhờ người hỏi thăm và tìm đến nơi anh Tân đang làm việc. Tôi muốn chị được hạnh phúc để bù đắp cho những tháng ngày chị đã hy sinh, vất vả vì tôi.
Ngày cưới, chị mặc bộ áo dài truyền thống, đầu đội khăn xếp. Không phấn son, trang điểm nhưng chị vẫn đẹp mặn mà. Mắt chị lệ nhòa khi được anh trao nhẫn cưới. Hạnh phúc ngập tràn khiến chị chẳng nói nên lời. Tôi đứng bên nắm chặt tay chị, rưng rưng niềm vui sướng xen lẫn yêu thương…