Giai điệu mùa Xuân

Thứ Bảy, 18/01/2020, 07:51 [GMT+7]
In bài này
.

Khi tiếng chuông đồng hồ điểm những giây phút đầu tiên cho năm mới, thế giới lại tràn ngập bao cảm xúc lẫn lộn: bồi hồi tiễn một năm cũ vừa qua và đón một năm mới đến. Có lẽ vào thời khắc giao thoa ấy, chỉ có âm nhạc mới có thể kết nối trọn vẹn những trái tim con người ở khắp mọi nơi, đủ mọi màu da, mọi quốc tịch, với những mong ước đẹp đẽ và bình dị nhất gửi đến cộng đồng. 

Ban nhạc huyền thoại ABBA với ca khúc bất hủ Happy new year.
Ban nhạc huyền thoại ABBA với ca khúc bất hủ Happy new year.

TUYỆT PHẨM  HAPPY NEW YEAR

“No more champagne/And the fireworks are through/Here we are, me and you/Feeling lost and feeling blue/It’s the end of the party...”(Không còn rượu sâm-panh nữa/Và pháo hoa cũng đã tắt rồi/Chúng ta đây, em và anh/Cảm thấy lạc lõng và buồn bã/Tiệc đã đến lúc tàn)”. 

Chỉ mới vừa dạo những nốt nhạc đầu tiên, chắc hẳn rất nhiều người đã nhận ra ngay ca khúc bất hủ, dấu son cho tên tuổi lừng lẫy của nhóm nhạc Thụy Điển ABBA. Điều đáng nói ở đây là hoàn cảnh ra đời của ca khúc này vào năm 1980. Đó là thời điểm thế giới rất phức tạp về chính trị, văn hóa và tàn dư của các cuộc chiến tranh, khiến cho trái tim những người nghệ sĩ tràn đầy sự hoài nghi và khắc khoải: “Who can say what we’ll find/What lies waiting down the line/In the end of eighty-nine.../Happy new year/Happy new year”(Ai có thể khẳng định chúng ta sẽ tìm được gì/Và điều gì đang đợi chúng ta phía trước/Khi thập kỷ 80 kết thúc.../Chúc mừng năm mới/Chúc mừng năm mới”. 

Có thể chính những suy nghĩ đầy chiêm nghiệm sâu sắc ấy trước thềm năm mới là sức hút bền vững của nhạc phẩm này. Những lời chúc tốt lành, những sôi động tiệc tùng chỉ là những thoáng vui nhất thời. Số phận của mỗi cá nhân không thể nằm ngoài sự biến chuyển của thế giới. Và thiên chức của những người nghệ sĩ là hướng tâm hồn của nhân loại về với tin yêu và tự do: “May we all have a vision now and then/Of a world where every neighbor is a friend/Happy new year/Happy new year/May we all have our hopes, our will to try/If we don’t we might as well lay down and die/You and I”(Mong rằng từ giờ chúng ta sẽ có một cái nhìn mới/Về một thế giới mà mọi người là bạn của nhau/Chúc mừng năm mới/Chúc mừng năm mới/Mong rằng chúng ta đều có những hy vọng, có ý chí để cố gắng/Nếu không chúng ta sẽ sớm đi xuống và lụi tàn/Anh và em).

Chính ban nhạc ABBA cũng không thể ngờ được Happy new year lại thành công và có sức lan tỏa lớn đến vậy. Nằm trong album đầu tay mang tên Super Trouper, sau khi phát hành vào năm 1981, bài hát đã nhanh chóng leo lên vị trí 17 trong top 200 bảng xếp hạng Billboard. Cho đến nay, có thể coi đây là ca khúc đón chào năm mới phổ biến nhất trên toàn thế giới làm thổn thức hàng triệu trái tim người nghe.

NHỮNG HOAN CA MÙA XUÂN

Nhưng dù thế nào thì những giai điệu hoan ca vẫn luôn là ưu tiên cho năm mới. Chúc cho một năm mới với bao điều tốt lành từ những điều tốt đẹp cũ và cả những điều cần lãng quên, cần hóa giải: “For auld lang syne, my dear/For auld lang syne/We’ll take a cup o’ kindness yet/For auld lang syne/We twa hae run aboot the braes/And pou’d the gowans fine/We’ve wander’d mony a weary foot/Sin’ auld lang syne”(Cho những ngày tươi đẹp cũ, bạn ơi/Cho những ngày tươi đẹp cũ/Chúng ta cùng nâng ly vì điều tốt lành/Cho những ngày tươi đẹp cũ/Hai ta cùng nhau trèo lên dốc/Và hái những đóa hoa đồng nội/Chúng ta cùng nhau thơ thẩn đến chân mỏi rã rời/Từ những tháng ngày tươi đẹp cũ).

Đó chính là ca từ trong bài hát Auld Lang Syne, một ca khúc rất phổ biến trong năm mới được các giọng ca đình đám của các thập niên trước trình bày như Jimi Hendrix (1970), Aretha Franklin & Billy Preston (1987), Barbra Streisand (2000)… Và gần đây là Mariah Carey: Ca khúc đã được phối lại với phong cách nhạc dance trẻ trung, sôi động đầy cuốn hút. Nguyên tác từ một bài thơ Scotland được viết từ năm 1788, sau khi được phổ nhạc, Auld Lang Syne đã trở thành bài hát truyền thống của rất nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là những nước nói tiếng Anh. Giai điệu du dương của bài hát vang lên vào mỗi đêm giao thừa như một lời từ biệt năm cũ và chào mừng năm mới tạo nên nhiều cảm xúc tích cực cho người nghe.

Tháng 10/2010, nữ ca sĩ Katy Perry phát hành ca khúc Firework (Pháo hoa) rất thích hợp cho những ngày đầu năm mới: “Cause baby you’re a firework/Come on show ‘em what your worth/Make ‘em go Oh, oh, oh!/As you shoot across the sky/Baby you’re a firework/Come on let your colors burst/Make ‘em go/Oh, oh, oh!/You’re gunna leave ‘em fallin’ down” (Bởi vì bạn yêu quý, bạn là pháo hoa/Đến đây và cho người khác thấy được giá trị của bạn/Hãy khiến bọn họ phải thốt lên Oh,oh,oh/Khi bạn vút qua bầu trời xanh cao rộng/Bởi vì bạn yêu quý, bạn là pháo hoa/Đến đây nào, hãy để cho những màu sắc trong bạn bừng cháy lên/Hãy khiến bọn họ phải thốt lên Oh, oh, oh/Rồi bạn mặc kệ họ rơi rụng tơi bời).

Firework đã gặt hái nhiều giải thưởng và đề cử tại những lễ trao giải lớn: hai đề cử giải Grammy ở hạng mục Thu âm của năm và Trình diễn đơn ca pop xuất sắc nhất tại lễ trao giải thường niên lần thứ 54. Tại Hoa Kỳ, Firework đạt vị trí số 1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 trong bốn tuần, đồng thời tiêu thụ được hơn 7,2 triệu bản tại đây. Ca khúc còn đứng đầu các bảng xếp hạng ở Canada và New Zealand, cũng như lọt vào top 10 ở hầu hết những quốc gia nó xuất hiện. 

Gioachino Rossini - nhà soạn nhạc lừng danh người Ý từng nói rằng: “Ngôn ngữ của âm nhạc là ngôn ngữ chung của tất cả mọi thế hệ và mọi dân tộc; ai cũng hiểu được nó, bởi nó được hiểu bằng trái tim”. Có lẽ, ngôn ngữ của trái tim mỗi người khi mùa xuân đến chính là khát vọng về một thế giới công bằng hơn, thanh bình hơn cho tất cả mọi người trên trái đất này.

VŨ THANH HOA

;
.