Chánh Tín với những dấu ấn để đời

Chủ Nhật, 05/01/2020, 20:14 [GMT+7]
In bài này
.

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín - diễn viên tầm cỡ, một trong những biểu tượng của điện ảnh Việt đã đột ngột qua đời vào sáng ngày 4/1/2020, tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh.

NSƯT Nguyễn Chánh Tín với vai diễn để đời trong phim Ván bài lật ngửa.
NSƯT Nguyễn Chánh Tín với vai diễn để đời trong phim Ván bài lật ngửa.

CHÀNG CA SĨ HÀO HOA

Nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín sinh ngày 29/11/1952, tại Bạc Liêu. Ông là con trai của “hào kiệt” xứ Bạc Liêu Nguyễn Chánh Minh và Hoa khôi Lưu Ngọc Lan. Từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Chánh Tín đã sớm bộc lộ năng khiếu văn nghệ và lòng đam mê với nghệ thuật. Ông hát rất hay và thường được chọn biểu diễn đơn ca ở trường trong các dịp lễ. Không chỉ giỏi ca hát, ông còn biết tạc tượng, vẽ tranh.

Sinh thời, cha Nguyễn Chánh Tín lúc nào cũng mơ ước con mình nếu không theo nghiệp võ thì sẽ trở thành kỹ sư, bác sĩ. Nhưng cái nghiệp nghệ thuật dường như đã trở thành số phận của ông. Ngay từ khi còn là học sinh cấp 3 trường Mạc Đĩnh Chi (thành phố Hồ Chí Minh), ông đã theo đuổi đam mê ca hát. Ông bắt đầu được mọi người biết đến sau một cuộc thi hát tại trường với 2 ca khúc “Tìm nhau” và “Nghìn trùng xa cách” của Phạm Duy.

Năm 1972, với gương mặt nam tính, giọng ca nam trầm có nội lực, Chánh Tín đã được mời đi hát tại các phòng trà ca nhạc nổi tiếng Sài Gòn lúc bấy giờ. Sau khi vào trường Luật, ông đã gặp cô ca sĩ trẻ Bích Trâm - một cô gái thuộc dòng dõi “trâm anh thế phiệt” - rồi sau đó cả hai đã kết hôn và trở thành cặp hát song ca ăn ý nổi danh tại các phòng trà ở Sài Gòn cho mãi tới sau năm 1975.

Dù sau này đã nổi tiếng với vai trò một diễn viên điện ảnh nhưng Chánh Tín vẫn đi hát. Cặp Chánh Tín-Bích Trâm vẫn thường nhận lời đi theo các chương trình lưu diễn cũng như tham gia hát tại các đài phát thanh và truyền hình. Sau này khi lớn tuổi, sức khỏe giảm sút nên vợ ông ít đi hát cùng với chồng, còn ông vẫn tiếp tục tham gia một số chương trình. Ông được giới phê bình đánh giá là thành công trong nhiều ca khúc như “Ơi cuộc sống mến thương”, “Xa thành phố yêu dấu”, “Tuyết rơi”, “Mưa hồng”, “Tạ ơn”...

TÀI TỬ NỔI TIẾNG CỦA ĐIỆN ẢNH VIỆT NAM

Ngoại hình thư sinh, lãng tử, cùng với chất giọng trầm ấm, nam tính đã giúp ca sĩ Nguyễn Chánh Tín chinh phục được trái tim của biết bao người hâm mộ.

Từ đó, ông cũng bắt đầu được các nhà làm phim chú ý và mời thử sức với đủ các vai diễn lớn nhỏ trong các bộ phim như “Tình đất Củ Chi”, “Đời chưa trang điểm”, “Vĩnh biệt mùa hè”, “Con mèo nhung”, “Hạnh phúc ở quanh đây”, “Điệp khúc hy vọng”...

Và năm 1973 được xem là năm đại thành công trong sự nghiệp của Nguyễn Chánh Tín. Năm đó, ông được trao Huy chương Vàng điện ảnh, và giải Kim Khánh về âm nhạc do 40 tờ báo hàng đầu Sài Gòn bình chọn. Con đường nghệ thuật của cậu học trò trường Mạc Đĩnh Chi từ đó ngày càng thênh thang rộng mở.

Năm 1982, Chánh Tín được chọn đóng vai đại tá Nguyễn Thành Luân trong bộ phim “Ván bài lật ngửa” của đạo diễn Lê Hoàng Hoa.

Bằng tài năng của mình, ông đã chinh phục hoàn toàn khán giả trong suốt 8 tập phim. Hình ảnh Nguyễn Thành Luân lái chiếc xe Peugeot đến một cánh rừng cao su, bước xuống xe với vóc dáng cao ráo, gương mặt cương nghị, đầy chất lãng tử đã trở thành biểu tượng mới của điện ảnh Việt Nam lúc bấy giờ.

Khán giả thời đó và các thế hệ sau này đều cho rằng Chánh Tín như sinh ra để đóng vai này và ông là linh hồn của toàn bộ “Ván bài lật ngửa.”

Vai diễn đã ghi tên ông vào lịch sử làng điện ảnh với giải thưởng Nam diễn viên chính xuất sắc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 7 năm 1985.

Cơn sốt và sức ảnh hưởng của bộ phim tình báo “Ván bài lật ngửa” kéo dài trong suốt 6 năm (1982-1987), với ước tính khoảng 10 triệu lượt người xem/tập.

Thậm chí, sau này, khi Chánh Tín ra Hà Nội, mọi người vẫn nhận ra ông và nói với nhau: “Nguyễn Thành Luân kìa!”. Và đối với một người nghệ sĩ, có một vai diễn để đời đến 20 năm sau, người xem vẫn nhận ra, đó là một hạnh phúc không gì có thể kể xiết.

Sau “Ván bài lật ngửa,” Nguyễn Chánh Tín trở thành cái tên đắt giá để bán vé ở các rạp chiếu những năm 80, 90 của thế kỷ trước.

Ông cũng tham gia đóng tiếp nhiều bộ phim như “Chiếc mặt nạ da người”, “Bản tình ca cuối cùng”, “Khi đàn ông có bầu”, “Dòng máu anh hùng”, “Em chưa 18”…

Thời gian trôi qua, Nguyễn Chánh Tín vẫn luôn giữ được nét phong độ, lịch lãm của mình. Năm 2000, ông tiếp tục tạo dấu ấn với bộ phim truyền hình “Bến sông trăng”.

Không dừng lại ở đó, nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín còn thử sức với vai trò người dẫn chương trình và từng rất được yêu thích với gameshow “Rồng Vàng” trên sóng HTV.

Ngoài ra, ông còn là đạo diễn, giám đốc Hãng phim Chánh Phương và kinh doanh trong nhiều lĩnh vực khác.

Bộ phim kinh dị “Cái chết lúc nửa đêm” do ông làm đạo diễn từng đoạt 2 Giải thưởng Cánh diều Vàng cho hạng mục phim truyện nhựa và đạo diễn xuất sắc nhất.

Có thể nói, cuộc đời của nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Chánh Tín có thành công, có thất bại nhưng tất cả chắc chắn không thể xóa mờ hình ảnh Nguyễn Thành Luân năm xưa trong mắt khán giả.

Những người yêu điện ảnh vẫn luôn nhớ về một nam diễn viên tầm cỡ, người trở thành một trong những biểu tượng của điện ảnh Việt Nam.

PHƯƠNG NAM

;
.