.

Cẩn trọng lời nói lúc… cãi nhau

Cập nhật: 09:03, 11/01/2020 (GMT+7)

Chuyện cãi nhau của những đôi vợ chồng trẻ, không có một cẩm nang nào có thể liệt kê đầy đủ lý do. Có những nguyên cớ cực kỳ lãng xẹt mà người trong cuộc chẳng thể lường trước.

Minh họa: MINH SƠN
Minh họa: MINH SƠN

Đang làm món trứng cho bữa sáng, chợt cô vợ thấy anh chồng lao vào bếp trố mắt nhìn, rồi đột ngột gào to: “Cẩn thận!”. Cô vợ ngạc nhiên quá, bếp núc là chuyện thường tình mỗi ngày, anh chồng lại hét tiếp: “Hê! Thêm chút bơ vào nữa! Đảo cái chảo đi, đảo đi! Cần thêm bơ nữa, trời ạ, thế nào cũng bị dính chảo cho mà xem! Cẩn thận! Anh đã bảo em rồi cơ mà! Em không bao giờ lắng nghe anh cả! Lật quả trứng đi. Nhanh lên! Mà đừng quên cho muối. Em thì lúc nào cũng quên. Muối ấy, nhớ chưa?”.

Nín nhịn không được, cô vợ nổi cáu: “Anh bị làm sao vậy? Anh nghĩ là em không biết rán mấy quả trứng à?”. Anh chồng thản nhiên nhún vai: “Anh chỉ muốn cho em biết, anh ngao ngán thế nào mỗi khi anh lái xe, có em ngồi cạnh? Lúc ấy, em cứ luôn miệng điều khiển, chỉ đạo, căn dặn, nhắc nhở anh”.

Thế là cãi.

Có những người xa nhau thì nhớ, nhớ da diết từ lời ăn tiếng nói đến cả hơi thở của nhau nhưng khi chạm mặt, y như rằng, mới câu một, câu hai đến câu ba là cãi! Đang đi làm về mệt mỏi với những chuyện ở công sở, bước vào nhà thay vì đặt giày ngăn nắp, anh chồng mang luôn vào nhà, lập tức có tiếng vợ càu nhàu. Thế là cáu: “Có thể cho tôi yên một chút, được không?”. Nếu tinh tế, sẽ nhận ra điều bất thường của chồng, thay vì im lặng, chỉ cần cô vợ nói thêm một câu gì đó ắt ầm ĩ ngay.

Trong những cuộc “tranh luận”, thông thường đàn ông “lép vế” bởi từ việc cụ thể này, dần dà những chuyện cũ rích từ đời tám hoánh được cô nàng lôi ra tuồn tuột: “Ủa bộ anh chưa quên, hồi mới cưới nhau à? Ai đang lau nhà, thế mà ai cứ ngang nhiên đi giày rồi té cái uỵch! Khiếp! Lúc đó ai chăm sóc mỗi ngày?”. Anh chồng đấu dịu: “Anh đang mệt”. Ngay lập tức: “Ơ hay, bộ anh tưởng em không mệt à? Chẳng lẽ mệt đến độ bước vào nhà, nền nhà sạch bóng thế này mà giẫm giày lên như ngoài đường ngoài phố!”.

Vậy là cãi.

Ơ hay, chẳng lẽ vợ chồng son rỗi mới cãi, còn người già thì không? Họ vẫn cãi nhau nhoay nhoáy. Tôi nghe kể rằng, ngày nọ có cặp vợ chồng đã ngoài 80 xuân xanh. Lúc hấp hối, cụ ông thều thào nói với vợ: “Anh nhận thấy, mỗi khi anh khốn khổ đều có em bên cạnh. Khi anh bị người ta hiếp đáp, xua đuổi, cũng có mặt em. Khi anh thất nghiệp cũng có mặt em. Khi anh phá sản, đói rách cũng có mặt em. Khi anh bệnh hoạn, ốm đau cũng luôn có em bên cạnh. Giờ đây cũng chỉ có em còn ở bên anh. Em biết anh vừa nghiệm ra được điều gì không?”. Nghe những lời tâm sự chân thành của chồng lúc sắp về miền cực lạc, cụ bà run rẩy, xúc động đến thổn thức: “Điều gì vậy hả anh?”. Cụ ông thở hắt ra: “Em là người luôn mang đến... vận xui cho anh”. Thế là cãi. Họ cãi hăng đến độ, ông cụ chịu hết xiết phải ngồi bật uống thêm mấy viên thuốc trợ lực, chưa đủ, cụ phóng luôn ra đến quán nhậu lai rai chút đỉnh cho khí thế rồi quay về nhà cãi tiếp! 

Rõ ràng, có những chuyện bé tẹo tèo teo nhưng cũng cãi, người ta bảo do “khắc khẩu”. Có lẽ, cách giải quyết hay nhất vẫn là một trong hai người biết im lặng trước. Mà khó quá, bởi ai ai cũng giữ bo bo cái tôi to tổ chảng. Rằng, ý kiến này, suy nghĩ nọ của mình là đúng, “đối phương” là sai.

Ngày nọ, vợ chồng tôi cùng xắn tay vào làm bếp. Tự hào là tay đầu bếp thuộc hàng trứ danh như Yan Can Cook, tôi không thể không dặn vợ: “Em à, cái nồi hầm chân giò với măng lưỡi lợn, muốn ngon chỉ nên cho một muỗng muối. Em thêm muối nữa là không đúng đâu”. Lập tức, nàng tuôn một tràng véo von như chim sơn ca: “Cái gì? Anh nói cái gì? Em không đúng à? Anh nói thế ngụ ý gì? Anh định nói em hoàn toàn sai chứ gì? Em sai nghĩa là em dối trá phải không? Em dối trá nghĩa là em ăn nói không như con người ta? Anh định nói là em sủa bậy như con cún phải không?”. Hoảng quá, tôi im bặt. Đâu chỉ than vãn cho riêng tôi, tiện tay nàng bấm điện thoại ỉ ôi với bà mẹ vợ xa tít tận bên Mỹ: “Ôi! Mẹ ơi, chồng con kêu con là cún!”. Tôi “đo ván” luôn.

Lại có vợ chồng nọ, sau khi cơm nước vui vẻ, cả hai cùng xem truyền hình. Nàng khoái xem phim, chàng thích kênh bóng đá. Chỉ có thế. Chẳng ai nhường ai. Cuối cùng, chẳng ai xem được gì ráo bởi họ đang bận đấu khẩu! Kinh nghiệm của nhiều người cho biết, sự nhường nhịn vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu. Nhường nhau một chút, dù nhỏ nhưng cũng là sự lựa chọn khôn ngoan nhất. Nhiều người chẳng nghĩ đơn giản vậy, cứ “trầm trọng hóa vấn đề” loạn xị cả lên. Trước lúc cưới nhau, có đôi mừng thầm bởi tuổi tác đôi bên “tam hạp”, nhưng rồi cũng cãi. Tại làm sao? Do “khắc mạng” vì nàng mạng thổ, chàng mạng thủy nên chẳng ai chịu ai chăng? Chẳng phải thế đâu. Bình tĩnh lại đi, nguyên cớ nào cũng có lý do của nó. Không có lửa làm sao có khói?

Trước hết, do cả 2 ứng xử từ hành động đến lời nói đã thể hiện sự thiếu tôn trọng nhau. Bình thường âu yếm ngọt ngào như xuống xề câu vọng cổ: “Mình ơi! Mình à!”, nhưng lúc giận lại “ông”, “tôi”, “bà”, “cô” như súng thần công đoành đoành xuyên qua tai. Ai chịu nổi? Vậy là sự bực mình đang mới ngấp nghé, nghe lối xưng hô “ác liệt” ấy khác gì đổ thêm dầu vào lửa. Rồi khi biển yên gió lặng, cả hai mắc cỡ vì sao lúc ấy lại có thể thốt ra những lời nặng nề...

Tâm lý chung của nhiều người cũng vậy thôi. Do đó, chuyện khắc khẩu là điều khó tránh khỏi, chẳng ai tài thánh gì có thể không để xảy ra những tình huống ấy. Có điều hãy nên đắn đo trước lúc buông ra một lời nói nào. Tốt nhất, “im lặng là vàng”, hãy đợi khi người kia “hạ hỏa” rồi hãy có ý kiến phân trần. Ăn đời ở kiếp còn được, vậy nén lòng chờ giây phút sau hãy nói thì cớ gì lại không làm nổi?

LÊ MINH QUỐC

 
.
.
.