.
NẾP NHÀ TRONG 3 NGÀY TẾT

Làm sao để đừng nhạt, đừng phai...?

Cập nhật: 09:03, 11/01/2020 (GMT+7)

“Nếp nhà có sức mạnh khủng khiếp với con người, đặc biệt là với trẻ em. Cái đẹp của vòng tay chào và gật đầu sâu; cái hay của hành vi chúc Tết rất lễ phép, giàu tình cảm, cái tự giác của việc phối hợp lao động ngày Tết…”, PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn chia sẻ.

“Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, câu nói như một sự nhắc nhớ nhẹ nhàng mà hầu như người dân Việt nào cũng nghe và cũng biết. Thế nhưng, trong thời đại 4.0, liệu điều đó có còn quá quan trọng?
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện đầu năm với PGS. TS Tâm lý Huỳnh Văn Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.Hồ Chí Minh.

* Phóng viên: Thầy nghĩ sao về chuyện lễ nghĩa thời nay trong giới trẻ, nhất là thái độ ứng xử của họ đối với gia đình và người thân mỗi độ Tết đến xuân về?

- Trước hết, cho phép tôi xin gửi lời chúc mừng năm mới đến những độc giả cùng đồng hành với trang báo cũng như tác giả bài viết này. Chúc thật ấm áp, hạnh phúc và nhiều may mắn.

Thứ hai, ứng xử của họ đối với gia đình và người thân mỗi độ Tết đến Xuân về không chỉ là lễ nghĩa mà là văn hóa. Tôi nghĩ, chính suy nghĩ có văn hóa sẽ có thái độ ứng xử văn minh và hành vi hiện đại. Nói thế nghĩa là việc chúng ta thực hiện sự tôn kính, thăm viếng người thân... thể hiện sự văn minh của chính mình trong cuộc sống dù thế giới có đi đến mấy chấm đi nữa.

Thứ ba, lễ nghĩa nếu nó xuất phát từ nhận thức, từ tấm lòng, từ sự trân trọng dành cho nhau thì không chỉ có ba mùng. Nói thế để nhận ra mỗi người cần có cách ứng xử mang tính khác nhau nhưng tâm trí và thái độ thể hiện rõ nhất chúng ta là ai trong cuộc sống. Chắc chắn lễ nghĩa sẽ mãi mãi tồn tại, nhưng cần phả vào trong ấy hơi thở hiện đại, chút suy nghĩ tích cực, chút cảm thông, chút tinh tế...

* Có phải vì không còn coi trọng lễ nghĩa như xưa nên nhiều bạn trẻ chọn cách đón giao thừa ngoài phố, xách va li đi du lịch phương xa để mặc bố mẹ già muốn đón Tết với ai thì đón?

- Tôi nghĩ đó là sự lựa chọn chứ không hẳn là kiểu không coi trọng hay xem thường hoặc phá cách. Chúng ta dễ có kiểu quy gán có - không; kiểu đúng - sai. Nếu đặt trong biên độ của sự ứng xử, có thể đánh giá là ứng xử phù hợp hay chưa phù hợp, tinh tế hay không chứ thật ra bảo rằng tôn trọng hay không tôn trọng là không thỏa đáng.

Đặt trong từng cá nhân, tiến trình của cá nhân cũng như bối cảnh, chắc chắn mỗi người sẽ có thể có những sự cân nhắc. Cụ thể, nếu mọi thứ đã được sắp xếp trước Tết, các bạn trẻ có thể lựa chọn vài ngày xuân để tái tạo năng lượng cho chính mình; cũng có thể là sự quyết định chưa hợp tình hợp lý để sau ngày Tết, mới thấy mình cần thay đổi; cũng có thể đó là bối cảnh gia đình đã có sự thống nhất hay có sự điều tiết của cá nhân khi đã quá rõ cuộc sống gia đình ngày Tết nhiều năm... Xét trên bình diện con người và xã hội, chúng ta nên khẳng định lễ nghĩa mãi trường tồn nhưng không phải lễ nghĩa nghĩa là phải thế này, thế khác; lễ nghĩa là không được vắng nhà ngày Tết, nếu ngày mùng 1 đến mùng 3 mà đi xa nghĩa là... thiếu tôn trọng.

* Có sự chuyển dịch nào trong nếp nghĩ của người trẻ thời nay với thời trước không, theo thầy?

- Tôi rất thích câu hỏi này bởi đây là mạch ngầm của cuộc sống cần được xem xét. Nhiều chương trình hành động vì các giá trị truyền thống cũng như các dự án dành cho người trẻ chưa thành công bởi không rà soát được mạch ngầm này, không dự đoán được sự chuyển dịch về tâm lý của đối tượng.

Vậy, có sự chuyển dịch nào trong nếp nghĩ của người trẻ thời nay với thời trước về cách ăn Tết? Ngày nay, người trẻ không còn ăn Tết như xưa, như chính người không còn trẻ ngày xưa, như chính họ cách đây không lâu thì tại sao vẫn khư khư với những gì chậm nhịp. Hiện nay, người trẻ cũng không còn ăn Tết mà là chơi Tết. Nếu ta hiểu đúng chữ chơi, sẽ có hoàn cảnh, tình huống để chơi mà học? Và cũng cần tôn trọng nếu người trẻ thích chơi Tết nếu đó là chơi an toàn, văn minh? Thời nay, người trẻ nếu không ăn Tết, chơi Tết mà nghỉ Tết thì càng cần phải tôn trọng. Đó là 10 ngày nghỉ ngơi, tái tạo năng lượng; là thời gian dành cho bản thân; là điều kiện để hoạch định và thực hiện mục tiêu cuộc đời... thì quá cần phải tôn trọng.

Sự chuyển dịch nào trong nếp nghĩ của người trẻ còn cho thấy sự phát triển của xã hội chứ không phải là sự phản ánh thụt lùi nếu ta nhìn một cách công bằng và đa chiều. Vậy nên, không có cớ gì buộc giới trẻ phải đứng im mà nếu cần chia sẻ thì hãy chia sẻ rằng giới trẻ nên cân bằng và sử dụng cái Tết thông minh.

Ngày nay, đã có sự chuyển dịch trong nếp nghĩ của người trẻ với thời trước về cách ăn Tết. Người trẻ bây giờ không còn ăn Tết mà là chơi Tết.
Ngày nay, đã có sự chuyển dịch trong nếp nghĩ của người trẻ với thời trước về cách ăn Tết. Người trẻ bây giờ không còn ăn Tết mà là chơi Tết.

* “Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy”, câu này còn chính xác bao nhiêu phần trăm và những thầy cô giáo ngày nay sẽ ứng xử thế nào với học sinh của mình?

- Thật ra, cuộc sống nên đặt trong những bối cảnh khác nhau và thích ứng với hiện tại. Là người rất quan tâm đến kỹ năng thích ứng, tôi nghĩ chúng ta cần công bằng và làm chủ tình huống, tập thích ứng với hoàn cảnh.

Nếu trả lời chính xác bao nhiêu phần trăm thì thật khó nhưng tôi cho rằng chúng ta cần đảm bảo mọi thứ tương tác tích cực để dù tình huống nào xảy ra cũng cần có thể “ứng phó”. Như đã khẳng định, đừng đứng im với ba mùng khi chúng ta có kỳ nghỉ dài hơn. Nhưng cũng cần hiểu hoàn cảnh của nhau để tránh những đánh giá, phán xét không đáng có để đau lòng nhau.

Thầy cô giáo là người đưa đò bao thế hệ, là người truyền lửa tri thức, lửa đam mê... Dẫu là thầy, cũng từng là trò; đang là trò, sẽ có thể là thầy... nên chúng ta cần cân nhắc ứng xử thực tế, văn minh và tôn trọng. Chữ tình dành cho nhau muôn màu lắm vì thế một lời chúc, một cánh thiệp, một tin nhắn hay một lời thăm gửi thậm chí là một phút tưởng nhớ về nhau cũng đáng trân quý. Đừng cụ thể hóa hay thực tế hóa mọi thứ nếu đó là ứng xử mang tính nhân văn. Và đánh giá thế nào về tấm lòng cũng có thể có nguy cơ “thô ráp” là vậy.

* Khi văn hóa có sự giao thoa, bản sắc là điều người ta thường mang ra cân nhắc và so sánh. Theo thầy, điều gì làm nên bản sắc Việt và chúng ta có nhất thiết phải lo lắng sự phai mờ bản sắc theo thời thế?

- Bản sắc là yếu tố quan trọng để tạo nên những điểm nhấn, những đặc trưng thậm chí là dấu ấn với người khác. Ý nghĩa tích cực là thế nhưng xác định bản sắc đã là rất khó và duy trì bản sắc trong bối cảnh càng khó hơn. Thực ra, người ta cố tình quy gán triết lý bằng những từ ngữ, bản sắc bằng những thuật ngữ đã là sự khiên cưỡng. Bởi cái tư tưởng mới là yếu tố có sức sống chứ không phải từ ngữ.

Bản sắc cần được gìn giữ đặc biệt đó là văn hóa. Ngày Tết Việt, bản sắc của nó là gì, chắc chắn cần được phân tích kỹ lưỡng. Chỉ đơn cử trong phạm vi hay biên độ của bài phỏng vấn này, tôi cho rằng bản sắc của Tết Việt vẫn là sum vầy, đoàn viên; là gắn kết yêu thương, trân trọng; là nghĩa tình và nhân văn... Có thấy ngày tảo mộ, những nấm mộ hoang vẫn được trang hoàng mới hiểu đủ hơn về bản sắc; có thấy một giọt mồ hôi rơi giữa đêm lạnh khi đi phát bánh ngày xuân mới hiểu về nhân văn; có nhận ra chúng ta đang hạnh phúc khi còn đủ đầy cha mẹ ăn cơm ngày Tết mới rõ hơn về sum vầy - đoàn viên.

Lo lắng về bản sắc bị mất đi, bị phai nhạt là đúng bởi nếu không cân bằng, không “rà” được sự chuyển dịch nào trong nếp nghĩ của người Việt ngày Tết sẽ tạo ra nguy cơ phai nhạt. Tuy vậy, cũng đừng quá căng thẳng bởi hiểu được chuyển dịch trong nếp nghĩ này cần có thời gian, chiến lược. Chỉ cần không quá chủ quan, cảm tính, vấn đề sẽ được khơi thông.

Hình ảnh làng quê, Tết quê, ông đồ viết câu đối, gợi nhớ về không gian Tết cổ truyền tại Hội hoa Xuân Vũng Tàu 2019.
Hình ảnh làng quê, Tết quê, ông đồ viết câu đối, gợi nhớ về không gian Tết cổ truyền tại Hội hoa Xuân Vũng Tàu 2019.

* Ngày xưa nếp nhà ngày Tết rất đẹp. Thế nhưng, nếp nhà rất đẹp này đến nay trở thành quá hiếm và gần như không còn ở chốn thị thành. Thầy có cảm thấy tiếc khi nét đẹp nếp nhà đó đang bị lơ là?

- Tôi nghĩ, nếp nhà có sức mạnh khủng khiếp với con người đặc biệt là với trẻ em. Cái đẹp của vòng tay chào và gật đầu sâu; cái hay của hành vi chúc Tết rất lễ phép, giàu tình cảm, cái tự giác của việc phối hợp lao động ngày Tết; lời dặn không bẻ cây cối, hoa quả 3 ngày xuân; hay việc thăm viếng ngày xuân, chia sớt quà bánh... thể hiện những giá trị rất sâu sắc... Chính những ảnh hưởng ấy làm chúng ta lớn lên, trưởng thành với những giá trị sống và kỹ năng sống song hành... dù có thể chưa đặt tên, chưa định danh.

Ngày nay, nếp nhà có vẻ bị ảnh hưởng khá đáng kể. Và chính khi nếp nhà bị “nhạt”, bị “lung lay” thì khó có thể làm cho đứa trẻ cân bằng và trưởng thành. Tôi cho rằng chúng ta cần có trách nhiệm chứ không hẳn là phân tích hay phê bình. Làm sao để nếp nhà ngày Tết sắc màu, tạo thành bệ phóng phát triển con trẻ, điều này chắc chắn là bài toán khó cần có sự chung tay của nhiều người.

* Cảm ơn những chia sẻ vô cùng thú vị của thầy nhân dịp đầu xuân.

TRƯƠNG QUỐC PHONG (Thực hiện)

.
.
.