Phim truyện Việt: Đáng mừng và đáng lo

Thứ Bảy, 23/11/2019, 06:20 [GMT+7]
In bài này
.

Sinh sau đẻ muộn nhất trong các loại hình văn hóa nghệ thuật nhưng điện ảnh - nghệ thuật thứ bảy lại là loại hình nghệ thuật hấp dẫn nhất, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng yêu nghệ thuật. Gần 100 năm qua, kể từ khi xuất hiện ở Việt Nam, điện ảnh Việt đã trải qua nhiều thời kỳ thăng trầm. Tuy nhiên dù ở thời hoàng kim hay khủng hoảng, điện ảnh Việt nói chung, phim truyện Việt nói riêng vẫn luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của cánh nghệ sĩ, truyền thông cũng như dư luận xã hội, và đề tài này càng nóng hơn trước mỗi kỳ liên hoan phim. Bàn về thực trạng phim Việt ngày nay, nhiều người bày tỏ sự lo lắng, trăn trở về chất lượng của dòng phim thị trường nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng chả có gì đáng bi quan khi mà phim Việt ra rạp ngày càng nhiều và nhất là ngày càng có nhiều phim Việt đạt doanh thu cao.

Bộ phim “Hai Phượng” đạt doanh thu lên tới hơn 200 tỷ đồng.
Bộ phim “Hai Phượng” đạt doanh thu lên tới hơn 200 tỷ đồng.

DOANH THU PHIM VIỆT LIÊN TỤC PHÁ MỐC KỶ LỤC

Phim Việt xuất hiện ngày càng nhiều là điều không có gì phải bàn cãi. Trước kia, trung bình mỗi năm Việt Nam chỉ sản xuất từ 10-15 phim truyện. Hiện tại con số này lên đến 40, thậm chí là 60 phim một năm. Từ khi có sự tham gia của các hãng phim tư nhân, doanh thu phim Việt đã có những bước tiến đáng mừng. Khán giả Việt được thưởng thức nhiều phim với thể loại, đề tài, nội dung phong phú, phù hợp với nhu cầu. Mặc dù gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt của phim ngoại, truyền hình và internet, phim Việt vẫn nhận được sự ủng hộ của khán giả nước nhà.

Nếu như những phim ăn khách của thập niên đầu thế kỷ 21 có doanh thu hàng chục tỷ đồng chỉ đếm trên đầu ngón tay như “Gái nhảy”, “Áo lụa Hà Đông”, “Dòng máu anh hùng”, “Bẫy rồng”, thì ngày nay đã có rất nhiều phim Việt có doanh thu hàng chục tỷ đồng như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Cô gái đến từ hôm qua”, “Tháng năm rực rỡ”, “Lật mặt”, “Ba chàng khuyết”, “Quả tim máu”… Số phim đạt doanh thu cao hàng trăm tỷ đồng cũng không phải là hiếm. Bắt đầu bằng bộ phim hài “Để mai tính 2” (năm 2014) với doanh thu 101 tỷ đồng, sau đó là “Em là bà nội của anh” doanh thu 105 tỷ đồng, “Siêu sao siêu ngố” 109 tỷ đồng, “Lật mặt 4: Nhà có khách” 117 tỷ đồng và tạm dẫn đầu với phim hành động “Hai Phượng” (năm 2019) với doanh thu hơn 200 tỷ đồng. 

Cuộc đua vào thị trường phim Việt có lẽ bắt đầu từ năm 2016 khi phim remake “Em là bà nội của anh” của đạo diễn trẻ Phan Gia Nhật Linh đạt doanh thu 105 tỷ đồng. Và kỷ lục về doanh thu cũng nhanh chóng bị phá vỡ. Nếu như suốt 2 năm 2017, 2018, “Em chưa 18” (ra rạp năm 2017) đứng vững ở vị trí số 1 với mức doanh thu 175 tỷ đồng thì tới đầu năm 2019, “Cua lại vợ bầu” vừa kịp thông báo mức doanh thu khủng 191,8 tỷ đồng ngay lập tức đã bị “Hai Phượng” soán ngôi vô địch với số tiền thu về lên tới hơn 200 tỷ đồng. Dù doanh thu không phải lúc nào cũng đi cùng chất lượng nhưng những con số trên vẫn là điều rất đáng mừng cho điện ảnh nước nhà.

CHẤT LƯỢNG PHIM VIỆT CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI LO

Khác với thơ ca, nhạc, họa… thường mang nặng dấu ấn cá nhân tác giả, phim ảnh là sản phẩm của tập thể và số tiền đầu tư cho một bộ phim thường tốn kém gấp nhiều lần làm ra một tác phẩm nghệ thuật loại hình khác. Do đó sự thành bại của một bộ phim cũng có thể thay đổi số mệnh của nhiều người, đặc biệt là nhà đầu tư.  Đây chính là lý do khiến cho các nhà làm phim thay vì cố gắng nghiên cứu để làm ra phim hay lại phải chuyên tâm cố sức để làm ra phim ăn khách.

Khi những bộ phim được đánh giá cao về nghệ thuật, ra mắt cùng năm với “Em chưa 18” như “Dạ cổ hoài lang”, “Lô tô”, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”, dần  bị chìm khuất trong số tiền mà “Em chưa 18” kiếm được thì dường như ít nhà sản xuất dám liều lĩnh thử sức với những kịch bản phim sâu sắc, ít yếu tố giải trí. Doanh thu đã trở thành tiêu chí lớn nhất cho những bộ phim mới của các hãng phim tư nhân. Hàng loạt những phim hài, tâm lý có yếu tố hài nhạt nhẽo và vô bổ xuất hiện. Nghịch lý là hầu hết các phim này lại đạt doanh thu rất cao. Có vẻ như cuộc sống nhiều áp lực đã khiến cho khán giả có xu hướng thích những gì nhẹ nhàng, đơn giản, vui tươi có tính chất giải trí. Sẽ là rất lãng phí khi bỏ ra rất nhiều tiền của để làm phim thuần túy nghệ thuật không có mấy người xem nhưng chạy theo thị hiếu khán giả; làm phim thuần túy giải trí thì điện ảnh Việt sẽ khó mà phát triển. 

Trước kia, vào thời kỳ bao cấp, kinh tế khó khăn, kinh phí hạn hẹp, chúng ta đã làm ra những bộ phim hấp dẫn, đặc sắc. Hiện tại trên thế giới cũng có rất nhiều phim giải trí đạt doanh thu khổng lồ nhưng vẫn được đánh giá rất cao về chất lượng nghệ thuật. Làm thế nào để làm được những phim vừa có doanh thu cao, vừa là một tác phẩm nghệ thuật sâu sắc gây tiếng vang trên trường quốc tế giống như giải một bài toán khó. Mong rằng với một thế hệ mới những nhà làm phim, đạo diễn, biên kịch trẻ, có tài, có học và dám dấn thân vì sự phát triển của điện ảnh nước nhà, chúng ta sẽ giải được bài toán đó và khán giả Việt sẽ được thưởng thức những bộ phim hay của Việt Nam trong thời gian sớm nhất.

AN AN 

;
.