Nhà giáo và nhà thơ luôn có sự tương đồng bởi cả hai nghề ấy đều góp phần không nhỏ cho việc định hướng, bồi dưỡng tâm hồn cộng đồng đến gần hơn với chân, thiện, mĩ. Có lẽ cũng vì thế mà các thầy cô đứng trên bục giảng còn được gọi là các “kĩ sư tâm hồn”. Không thể kể hết được các nhà giáo còn là những nhà thơ, bởi đã từ lâu, hai lĩnh vực này này luôn có sự giao hòa, tương hỗ lẫn nhau. Trong phạm vi bài viết nhỏ này, chỉ xin kể một vài nhà thơ tôi quen biết khi các chị vừa đứng trên bục giảng, vừa chắp bút đem những vần thơ dâng tặng cho đời.
Từ trái qua Nhà thơ: Ngô Thanh Vân (Gia Lai); Trần Nhã My (Tây Ninh); Vũ Thị Thanh Hòa (Hải Dương). |
Là giọng thơ nữ nổi bật tại miền đất Tây Nguyên, nhà thơ Ngô Thanh Vân hiện là cô giáo dạy văn ở Gia Lai, chị là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; đã xuất bản 3 tập thơ và 1 tập truyện ngắn và nhiều giải thưởng văn chương. Thơ Ngô Thanh Vân đa chiều suy tưởng, thi ảnh gợi mở, cấu trúc hiện đại:
…Tôi hát bài hát dành cho mình
đoản khúc thu. Và những điều đã cũ
ý nghĩ cũ
ngôn từ cũ
tư duy cũ
cảm xúc cũ
con tàu chạy trên đường ray cũ
ru tôi ngủ
Trong giấc thiên di
thấy tôi bay về phía mặt trời
xé toang vỏ bọc
thiêu thân lao vào lửa
đốt mình
tái sinh.
(Trích Tái sinh – Ngô Thanh Vân)
…Nửa đời lưu lạc ngỡ thong dong
Mà giấc ngủ chập chờn nón lá
Đôi quang gánh trĩu oằn vai mẹ
Dấu hỏi cong tấp tểnh xiêu chiều
Mơ lưng trâu văng vẳng sáo diều
Mâm cơm tối dưa cà mẹ muối
Thèm một tiếng ru hời đêm vắng
Nâng con đi biển rộng sông sâu
(Trích Giấc mê – Ngô Thanh Vân)
Dù đã là hội viên hội nhà văn Việt Nam, nhưng trong một lần giao lưu, nhà thơ Ngô Thanh Vân khiêm nhường chia sẻ: “Với tôi, mỗi khi được giới thiệu với danh xưng nhà thơ, tôi thật sự ngại. Bởi lẽ, những người làm thơ chỉ muốn khẳng định bản thân bằng những trang viết. Cho nên những nhà văn, nhà thơ làm nghề chân chính đều lặng lẽ làm việc để hướng tới giá trị tốt đẹp và ai có sở trường năng khiếu ở lĩnh vực nào, cứ toàn tâm toàn lực cống hiến thì sẽ tạo ra giá trị cho bản thân và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn”.
Là giáo viên Tiếng Anh tại trường THCS Trần Hưng Đạo, Gò Dầu, Tây Ninh, nhà thơ Trần Thị Thanh Nhã với bút danh Trần Nhã My với những giải thưởng: Giải Tác giả trẻ cho tập thơ Dỗi của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2012, Giải B cho tập thơ Mảnh vỡ không lời của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam 2015, Giải Nhì (không có giải Nhất) giải thưởng Xuân Hồng của tỉnh Tây Ninh 2016…Chị hiện là gương mặt thơ nữ tài năng của Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Tây Ninh:
Em như thế nào để được anh yêu?
em hỏi vào chiều
ánh hoàng hôn dần lụi tắt
em hỏi vào đêm
đêm thẳm sâu suy nghĩ nhiều lắm
rồi cũng lặng câm mắt đêm nhìn em chực khóc
Em hỏi sợi tóc
sợi buồn dài thừa thãi vào nhau
em ngồi chải chuốt niềm đau…
(Trích Hỏi – Trần Nhã My)
Thơ Nhã My luôn bắt nhịp hơi thở đương đại với cách viết phóng khoáng đầy ngẫu hứng nhưng đọc kĩ sẽ nhận ra đằng sau người phụ nữ tự tin, thông minh ấy là một tâm hồn mong manh, đa cảm. Nhà thơ Nguyễn Thánh Ngã nhận xét: “Thơ Trần Nhã My là những huyễn hoặc, thảng thốt không nguôi, chiếm lĩnh trái tim người đọc bằng những kí tự ngầm, trong trẻo nhưng đầy bão tố”:
Em không trốn nắng
sao lẫn vào góc khuất quán nhỏ
chắc cũng không thấy được mát rượi cây si già
cà phê không thơm, sữa cũng chẳng ngọt
Ừ thì khóc
em có dối anh đâu
em đang khóc
em đang đau
(Trích Về với tinh khôi – Trần Nhã My)
Nhà văn Vũ Thị Thanh Hòa (Hội văn học nghệ thuật tỉnh Hải Dương) cũng sáng tác nhiều thơ đăng trên các báo trong và ngoài tỉnh. Học Khoa Nga, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, chị hiện đang công tác tại Trường THCS Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Đọc thơ Vũ Thị Thanh Hòa luôn gặp những thi ảnh đẹp, những xao động nhẹ nhàng mà tinh tế, gợi mở được thể hiện qua giọng thơ trong trẻo, dào dạt tình cảm:
Phố của em không có cây cơm nguội vàng
Phố chỉ có những rặng bàng với hai hàng cây xanh chạy dài rợp mát
Những tán bàng như thể những bàn tay xinh hình quạt
đan lợp vào nhau
như những chiếc ô thời gian đậm màu
ngăn ngắt lưng trời
trong vắt buổi ban trưa…
(Trích Mùa thu phố - Vũ Thị Thanh Hòa)
Trong thơ Vũ Thị Thanh Hòa còn thấp thoáng một nước Nga hiền hòa đẹp đẽ qua những thi ảnh đặc trưng của văn hóa Nga cùng với một quá khứ bi tráng, hào hùng đã in dấu trong trái tim nhiều thế hệ người Việt:
Khi đàn sếu bay qua
Gió hát lời vàng lay cây lá
Reo thầm thĩ điều gì?
Ấm Samovar thơm mùi trà quế
Những chiến sỹ Hồng quân ánh mắt nhìn tưởng niệm
Có ai nghĩ cuộc chiến khốc liệt từng rải qua nơi này?
Máu thắm đổ bao anh hùng ngã xuống
Hóa tượng đài bất tử quanh đây
Bãi cỏ xanh
hoa dại thoáng nở đầy...
(Trích Khi đàn sếu bay qua - Vũ Thị Thanh Hòa)
Có lẽ nghề giáo đã phần nào ảnh hưởng đến thi tứ, ngôn từ khiến cho thơ của Vũ Thị Thanh Hòa cũng như các nữ nhà thơ, nhà giáo dễ lan tỏa những cảm xúc và tình yêu thương đến nhiều đối tượng người đọc
Với thiên chức vừa làm vợ, vừa làm mẹ, vừa làm công tác chuyên môn, đã có thể coi là quá bận rộn cùng với bao áp lực đối với một cô giáo. Nếu những người phụ nữ “ba đảm đang” ấy còn dành số thời gian ít ỏi để viết văn, làm thơ nữa thì quả là một sự nỗ lực đáng tôn vinh.
Lại mượn những áng thơ của nữ thi sĩ Xuân Quỳnh trài lòng khi chị đã vượt qua bao định kiến của xã hội, những thử thách của số phận để đi đến tận cùng đam mê thi ca của mình:
Em trở về đúng nghĩa trái tim
Biết làm sống những hồng cầu đã chết
Biết lấy lại những gì đã mất
Biết rút gần khoảng cách của yêu tin
Em trở về đúng nghĩa trái tim em
Biết khao khát những điều anh mơ ước
Biết xúc động qua nhiều nhận thức
Biết yêu anh và biết được anh yêu.
(Tự hát - Xuân Quỳnh)
VŨ THANH HOA