Nếu có thể đặt hai chữ tài hoa và đào hoa song hành, điều này có lẽ rất phù hợp với cuộc đời nhạc sĩ Lam Phương, tác giả của những nhạc phẩm để đời như Khúc ca ngày mùa, Kiếp nghèo, Phút cuối, Tình bơ vơ, Thành phố buồn...
Nhạc sĩ Lam Phương. |
Càng nhìn em yêu em hơn và yêu em mãi/ Dù phút êm đềm xa xưa nay đã đi vào quên lãng… Nói đi em cả đời mình mãi đi tìm/ Cả đời mình xây ước mơ/ Cho ngày mộng được nên thơ/ Cuối cùng là tình bơ vơ” (Tình bơ vơ).
THÀNH DANH KHI CÒN RẤT TRẺ
Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, sinh năm 1937, tại TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Nhà nghèo, cha của ông lại bỏ 6 người con thơ dại cho người vợ không nghề nghiệp ổn định, đi theo người đàn bà khác. Năm 10 tuổi, mẹ gửi cậu bé Phùng lên Sài Gòn học ở trường Les Lauriers. Ngoài học văn hóa, Lâm Đình Phùng tự học guitare bằng các tài liệu tiếng Pháp do lúc đó ở Việt Nam chưa có sách dạy nhạc tiếng Việt. Thấy cậu học trò nghèo nhưng chăm chỉ, các nhạc sĩ Hoàng Lang, nhạc sĩ Lê Thương tận tình chỉ dạy cho cậu mà không nhận tiền thù lao. Năm 1952, sáng tác đầu tay ký tên Lam Phương ra đời, đó là nhạc phẩm Chiều thu ấy. Lam Phương phải vay tiền của bạn bè để in nhạc, sau đó thuê xe chở nhạc đi bán lẻ khắp Sài Gòn. Năm ấy, nhạc sĩ mới tròn 15 tuổi! Ba năm sau, Lam Phương tung ra hàng loạt ca khúc viết về quê hương, trong đó nổi tiếng nhất là Trăng thanh bình, Nắng đẹp miền Nam, Nhạc rừng khuya, Khúc ca ngày mùa... Đặc biệt, nhạc phẩm Khúc ca ngày mùa thành công vượt bậc hơn cả. Bản nhạc được viết theo thể loại nhạc đồng quê, nhịp điệu Mambo, với âm giai bằng cung rê thứ. Các hãng đĩa nhựa như Dư âm, Sóng nhạc, Asia... tranh nhau ký hợp đồng với Lam Phương để được thu âm bài hát Khúc ca ngày mùa, tiếng tăm của bản nhạc mới thật sự bùng nổ. Với tiếng hát điêu luyện của đôi song ca tài danh Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết, lúc hợp, lúc bè, lúc đuổi như càng đưa bài hát lên chín tầng mây. Khúc ca ngày mùa còn được hầu hết các trường học ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long chọn để dạy cho học trò ca múa. Lam Phương đã thật sự nổi tiếng khi ông mới 18 tuổi. Đặc biệt, sau này ông còn sáng tác nhạc nền cho đoàn kịch nói Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng… và sáng tác ca khúc cho đoàn kịch Túy Hồng.
Lam Phương được coi là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu cho tân nhạc Việt với trên 200 nhạc phẩm được sáng tác và phổ biến rộng rãi tại Việt Nam cũng như hải ngoại.
TÀI HOA VÀ ĐÀO HOA
Với một gia tài gồm nhiều bản tình ca bất hủ, công chúng không khỏi tò mò về bóng dáng những người đẹp là nguồn cảm hứng trong cuộc đời của nhạc sĩ. Theo ông bộc bạch, bóng hồng đầu tiên khiến Lam Phương rung cảm để sáng tác loạt ca khúc để đời chính là danh ca Bạch Yến. Khi Bạch Yến 19 tuổi, cô quyết định sang Pháp để học hỏi thêm về ca nhạc khiến chàng trai Lam Phương dang dở mối tình đơn phương. Rồi bỗng Bạch Yến trở về, làm sống dậy mối cảm xúc tưởng đã chết hẳn trong lòng người nhạc sĩ đa cảm. Nghe tin Bạch Yến trở về sau hơn 10 năm xa cách, Lam Phương xao xuyến viết bài Chờ người. Tuy nhiên, không lâu sau, Bạch Yến lại ra đi. Nỗi xót xa khi chia tay lần thứ hai này thúc đẩy Lam Phương viết thêm một loạt tình khúc lời ca rất não nề như: Tình bơ vơ, Thu sầu, Trăm nhớ ngàn thương, Tiễn người đi, Tình chết theo mùa đông và cần nhắc đến tuyệt phẩm Cho em quên tuổi ngọc, sáng tác vào thập niên 1980 tại Pháp cũng là bài duy nhất mà Lam Phương viết cả lời Pháp lẫn lời Việt, theo tôi là đỉnh cao trong các sáng tác của Lam Phương.
Một bóng hồng khác mang đến cho ông nhiều khổ đau lẫn hạnh phúc là ca sĩ Minh Hiếu: “Em ơi suốt đêm thao thức vì em/Vì lời giã từ lúc anh ra về…”. Bài hát này đến giờ mọi người vẫn gọi Thao thức vì em. Tuy nhiên, theo tác giả, tên chính xác “Em là tất cả” mới đúng. Ông kể tiếp, trong một buổi văn nghệ tại Nha Trang, sau khi chương trình kết thúc, hai người đã cùng nhau đi dạo trên một bãi biển thật đẹp. Đó là buổi gặp gỡ theo ông lãng mạn nhất để viết Biển tình.
Sau đó, nhạc sĩ từng có mối tình say đắm với ca sĩ Hạnh Dung. Bài Bọt biển hay Giọt lệ sầu ông viết cho Hạnh Dung khi chuyện tình yêu của họ rơi vào bế tắc. Lúc tâm trạng tuyệt vọng ông viết Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi rồi Lạy trời con được bình yên… Nhưng nổi bật nhất là Thành phố buồn - Bài hát được nhạc sĩ nhớ lại, đó là lần ông đi công tác Đà Lạt (Lâm Đồng) nhưng không có Hạnh Dung bên cạnh (bởi Đà Lạt với họ có quá nhiều kỷ niệm). Vì nhớ người yêu trong một khung cảnh lãng mạn giữa phố núi sương mù trong ngôi nhà trọ be bé mà ông… rút ruột viết lên Thành phố buồn, bài hát đã tạo nên cơn sốt cho giới trẻ bấy giờ: “Thành phố nào nhớ không em?/Nơi chúng mình tìm phút êm đềm/Thành phố nào vừa đi đã mỏi/Đường quanh co quyện gốc thông già/Chiều đan tay nghe nắng chan hòa/Nắng hôn nhẹ làm hồng môi em/Mắt em buồn trong sương chiều anh thấy đẹp hơn”. Bài Phút cuối nhạc sĩ viết lúc ông ra công tác ngoài Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu) vào đêm cuối cùng mọi người họp mặt nhau để chia tay nhóm ca sĩ về Sài Gòn, trong đó có Hạnh Dung: “Chỉ còn gần nhau một giây phút thôi/Một giây nữa thôi là xa nhau rồi”. Viết cho Hạnh Dung còn có bài Chuyện buồn ngày xuân khi ông phải chia tay người yêu đến Mỹ.
Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến bài hát mà ông dành cho vợ mình - kịch sĩ Túy Hồng ca khúc Ngày hạnh phúc. Lam Phương - Túy Hồng cưới nhau năm 1959. Lúc đó, ngoài phần phụ trách nhạc cho ban kịch Dân Nam, Lam Phương còn viết nhạc nền cho các ban kịch lừng danh thời đó như: Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng. Đến năm 1968, với sự động viên của chồng, Túy Hồng đứng ra thành lập riêng một đoàn kịch - Đoàn kịch “Sống - Túy Hồng”. Chính đoàn kịch này đã đưa tên tuổi của Lam Phương và Túy Hồng lên tột đỉnh vinh quang. Nhưng đáng tiếc, sau này khi định cư ở Mỹ, Túy Hồng đã chủ động rời xa chồng. Thời gian này, nhạc sĩ Lam Phương đã sống những chuỗi ngày mang nặng đau buồn. Một loạt ca khúc ra đời như như Lầm, Một đời tan vỡ, Điên, Say, Tiếc… Tất cả đều để ghi nhớ cuộc sống mưu sinh đầy cực khổ trên đất Mỹ và cuộc tình đẫm nước mắt ấy...
Trong thời gian này ông gặp và kết hôn với một người phụ nữ khác. Đó là giai nhân Lê Thị Cẩm Hường. Hạnh phúc hôn nhân giúp ông viết nên những ca khúc vui tươi. Lúc ấy, Lam Phương đã bước vào tuổi trung niên nên ông viết ngay bài Nửa đời yêu em, rồi nối tiếp luôn một loạt tình ca chan hòa hạnh phúc như: Bài tango cho em, Thiên đường ái ân, Mùa thu yêu đương, Chỉ có em… Lời ca của ông bây giờ vui tươi và thực tế bởi Lam Phương vừa “phục sinh” sau những ngày dài mất hết niềm tin trong cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này tan vỡ, điều này được đánh dấu qua bài hát Tình vẫn chưa yên.
Sau đó, bài Một mình ra đời như một dự báo về cuối đời lẻ bóng của người nhạc sĩ tài hoa. Đến tháng 3/1999, ông bị tai biến mạch máu não, liệt một nửa người. Tuy sức khỏe không tốt nhưng nhạc sĩ vẫn lạc quan, yêu đời và những ca khúc của ông vẫn liên tục góp mặt tại nhiều chương trình ca nhạc trong nước lẫn hải ngoại. Nhạc sĩ cũng cởi mở, nhiệt tình trả lời nhiều cuộc phỏng vấn với báo chí. Ông tâm sự: “Tôi luôn giữ niềm hy vọng cho đời sống của mình. Dù bệnh nhưng chưa bao giờ ngừng hy vọng, nhất là hy vọng ngày trở về Việt Nam gặp khán giả yêu mến âm nhạc Lam Phương”.
VŨ THANH HOA