- Cháu ơi, cho cô xin vài đồng. Con trai cô… nó đang rất cần tiền để chạy thận. Nếu không… nó sẽ chết mất.
Minh họa của MINH SƠN |
- Cháu… Hương ngập ngừng nhìn người đàn bà lưng đã còng đến phân nửa, đôi mắt sâu hoắm, buồn rầu đang đứng trước mặt mình. Cháu chỉ có thể giúp cô được chừng này! Hương lấy ra tờ 10 ngàn đồng trong chiếc túi xách cũ đeo tay và đưa về phía người đàn bà. Ống tay áo của cô chẳng may bị dây túi móc lại để lộ chi chít những vết sẹo, vết kim tiêm mới, cũ tím bầm nơi cánh tay khiến người đàn bà tức thì giật mình. Đôi mắt bà chằm chằm nhìn Hương:
- Cháu… cháu cũng bị thận…? Giọng người đàn bà đứt quãng. Hương gượng cười. Cô vội kéo ống tay áo phủ kín cánh tay, nhẹ nhàng nói:
- Cháu… bị cũng hơn 10 năm rồi cô ạ.
- Cô… xin lỗi. Cô không biết cháu cũng bị bệnh như con trai cô. Cô… cô không dám lấy tiền của cháu đâu.
- Cô nhận đi ạ! Hương khẽ kéo tay người đàn bà lại đặt vào tờ tiền 10 ngàn đồng rồi mỉm cười.
- Cháu thật tốt! Cảm ơn cháu! Người đàn bà gượng gạo nhận lấy tờ tiền rồi sửa lại chiếc nón lên đầu, kéo tấm khăn trùm ngang nửa mặt, chân bước vội. Hương đang mải nhìn theo bóng người đàn bà tội nghiệp đi vào quán cà phê ven đường thì bỗng nghe giọng gọi quen thuộc từ phía sau:
- Hương! Hương ngoái đầu nhìn lại. Thì ra là bác Nhân, tài xế xe buýt. Hương mỉm cười, đon đả chào lại bác. Anh bán vé tên Tùng bước xuống, nở nụ cười trìu mến thay lời chào rồi đỡ tay Hương lên xe. Tùng bằng tuổi Hương. Hương biết vậy nhưng vẫn gọi Tùng là anh. Hương cảm ơn Tùng và ngồi vào chiếc ghế phía sau bác tài Nhân, chiếc ghế ấy vẫn được ưu tiên dành cho Hương một tuần 3 buổi đều đặn, chở cô lên bệnh viện và đón cô về. Xe chuyển bánh. Suốt đoạn đường hơn 10 cây số, những câu chuyện không đầu không cuối cứ thế nối tiếp nhau kể từ người này sang người khác.
Xe buýt dừng trước cổng bệnh viện. Tùng lại đỡ Hương xuống xe. Bác tài Nhân cười điềm đạm, giơ tay lên ra hiệu chào và không quên dặn Hương bằng cái giọng ồm ồm:
- Chiều nay, xe chạy qua đây lúc 5 giờ nghe cháu!
- Dạ. Cháu cảm ơn bác. Cháu sẽ đứng chờ ở đây ạ.
Xe chuyển bánh. Hương lần theo mấy hành lang đông kịt người rồi bước vào căn phòng quen thuộc. Đã hơn 10 năm nay, nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của cô.
Nhà Hương nghèo. Ba mẹ Hương sinh được 2 người con. Hương là con đầu. Sau cô là Thiện, cậu em trai hiện đang học cấp 3 trường huyện. Hương là cô gái nhỏ nhắn, hoạt bát, yêu Văn từ nhỏ. Cô đã từng đạt giải Nhì môn Văn cấp thành phố. Điểm Văn thi vào đại học của Hương cao nhất lớp sư phạm khiến ai cũng nể phục. Hương cũng là cô gái lãng mạn và thường hay mơ mộng.
- Sau này trở thành cô giáo dạy Văn, con sẽ dạy các em biết yêu thương, biết sẻ chia, biết ước mơ và khát vọng; biết nỗ lực cố gắng, đứng dậy sau mỗi nghịch cảnh, thất bại để khẳng định chính mình. Con sẽ lấy chồng và sẽ sinh con. Chồng của con… công việc mỗi ngày của con… Hương đã từng nói với bà Lam, mẹ mình về tương lai của chính cô bằng tất cả niềm háo hức, say mê, dạt dào sức sống của tuổi thanh xuân. Nhưng cuộc đời bỗng rẽ ngang không như những điều Hương mong muốn.
Hương cầm trên tay tờ giấy khám bệnh kèm theo đơn thuốc, khuôn mặt trĩu nặng, nước mắt chan hòa xuống hai hõm má. “Không thể như thế được. Mình sao có thể bị…”. Hương cảm thấy suy sụp tinh thần khi nhớ lại lời bác sĩ Thành vừa thông báo trong phòng bệnh:
- Cô bị suy thận nặng. Bệnh này phải uống thuốc, lọc máu thường xuyên. Nếu không… Nếu như không có cánh cửa làm điểm tựa, chắc Hương đã quỵ ngã xuống hành lang của bệnh viện. Cô ngồi một lúc thật lâu ở ngoài hành lang, khóc một mình, sau đó mới về nhà.
- Hương! Con… Có khi nào bác sĩ chẩn đoán nhầm bệnh không con? Hương thẫn thờ. Ông Niệm ngồi đờ đẫn, im bặt, khuôn mặt tái mét. Bà Lam thì khóc sụt sùi. Bà nắm chặt tay con gái chốc an ủi, chốc lại im lặng. Rồi bà tự vỗ vào ngực mình đau khổ:
- Sao người bị bệnh lại là con gái tôi. Sao ông trời lại đối xử bất công với đứa con gái của tôi như vậy cơ chứ? Sao có thể? Nó hãy còn quá trẻ, còn nhiều mơ ước... Bà Lam hết than thở rồi lại khóc, lại kéo vạt áo lên thấm nước mắt, lại nắm chặt tay con, ôm lấy con. Không khí gia đình Hương trở nên im ắng, lạnh lẽo. Nỗi buồn bao phủ lên từng viên ngói trên mái nhà, từng đám rêu phủ trên tường.
Từ ngày biết bệnh, Hương trở nên tiều tụy, người gầy rạc. Hương nằm vò võ trong phòng một mình. Vậy là bao ước mơ… giờ đành dang dở. Nên tiếp tục đi học hay nghỉ? Liệu mình có đủ sức khỏe để tiếp tục học? Căn bệnh suy thận này cần phải có nhiều tiền để chạy chữa. Ba mẹ biết lấy tiền đâu ra? Cũng vì lo lắng cho mình, dạo này sức khỏe của ba mẹ đã yếu đi. Tóc ba đã lấm tấm nhiều sợi bạc. Khuôn mặt mẹ hằn nhiều hơn những nếp nhăn ngang dọc. Đêm, Hương nghe rõ cả tiếng thở dài đau đáu của ba, nghe cả tiếng trở mình trằn trọc của mẹ. Đã có lúc, Hương bi quan, chán nản và tuyệt vọng muốn chết đi cho rồi. Ngay cả đến hơi thở thôi, cô cũng cảm thấy mỏi mệt. Trong đầu cô xuất hiện những cảm xúc hỗn độn xen lấn. Càng nghĩ, càng luẩn quẩn. Càng nghĩ, Hương chỉ biết ôm mặt khóc.
- Dậy ăn chút cơm đi con! Con cứ thế, ba mẹ… Bà Lam nén lòng, gượng vui để an ủi con gái.
- Mẹ ơi, con… con sẽ chết phải không mẹ?
- Con đừng có mà nói gở. Bệnh tật thì ắt có thuốc thang, có cách chữa. Dù thế nào, ba mẹ cũng sẽ cố gắng để chữa bệnh cho con.
- Nhưng… Đôi mắt Hương lại giàn dụa. Hình ảnh của buổi chạy thận đầu tiên ở bệnh viện lại chập chờn hiện về khiến cô vô cùng sợ hãi.
Hương bước vào phòng lọc thận. Ai nấy chằm chằm nhìn cô với ánh mắt lạ lẫm.
- Trẻ thế mà đã bị thận rồi hả cháu?
- Cháu bị lâu chưa? Bác đây 2 năm rồi.
- Tôi thì 3 năm.
- Tôi đã 5 năm rồi. Đây này… Người đàn ông tóc hoa râm đang nằm trên giường bệnh, đôi mắt bơ phờ buông nhìn qua ô cửa bé tí tiếp lời.
- Phòng này đi 2 người rồi. Người đàn ông khoảng chừng 60 tuổi nhìn Hương, giọng thản nhiên nói để lộ cái môi cười trề ra thâm tím. Thấy Hương có vẻ chưa hiểu. Người đàn ông 50 tuổi ngồi bên, giải thích:
- Đúng đấy. Đầu thu năm ngoái là anh chàng mới vừa 20 tuổi. Trẻ măng à. Đẹp người lắm. Vì bi quan, chán nản nên uống cả một vốc thuốc ngủ và đi trong đêm. Tháng trước, bà cụ Phận gần 60 tuổi cũng ra đi vì kiệt sức.
- Nhớ hôm ấy, buổi sáng chúng ta còn ngồi ăn bún cùng nhau. Vậy mà chiều mỗi người mỗi thế giới rồi. Người đàn ông tóc hoa râm buông lời. Rồi ông lại thủng thẳng:
- Những người như bọn mình, kiên trì thì sống mà buông xuôi thì chết, thế thôi! Ai nấy nghe. Người gật đầu, người im lặng. Hình như tất cả đều hiểu rõ, những người bị bệnh thận giai đoạn cuối như họ thì chỉ còn cách đó thôi. Rồi họ quay nhìn về phía Hương như chờ đợi câu trả lời.
- Cháu… cháu mới được chẩn đoán nhưng cũng đã ở giai đoạn nặng rồi. Hương nhìn từng khuôn mặt mệt mỏi, u ám, uể oải, giọng nhỏ nhẻ. Rồi cô ngồi xuống cái ghế cạnh góc tường. Trong khi chờ bác sĩ, câu chuyện của những người đồng bệnh cứ thế được giãi bày, được bộc bạch. Hương nghe mà lạnh buốt cả người.
- Cháu ăn miếng táo đi! Lát nữa lọc máu phải mất 3-4 tiếng. Sẽ mệt và đói lắm đấy. Ăn đi. Táo ăn tốt lắm! Người đàn bà ngoài tuổi 50, có hai bọng mắt sa xuống, sưng húp bước đến bên và đưa cho Hương nửa quả táo. Hương nhận lấy, mỉm cười cảm ơn bà. Bà tên là Trúc. Sở dĩ Hương biết được điều đó là vì bác sĩ bước vào và gọi tên: “Bệnh nhân Hoàng Thị Trúc chuẩn bị lọc máu!”. Người phụ nữ nhìn Hương rồi lên giường nằm. Dường như đã quen, bà không hề sợ sệt hay lo lắng. Bà còn mỉm cười vui vẻ chuyện trò với Hương và mọi người. Rồi cũng đến lượt Hương. Sau khi được bác sĩ kiểm tra cân nặng, cô cũng bắt đầu quy trình lọc máu. Chưa bao giờ Hương hoảng hốt, run sợ như lúc này. Nỗi sợ hãi hiện hữu trên khuôn mặt xám ngắt của cô gái mới bước sang tuổi 22, lần đầu tiên nhìn thấy chiếc kim tiêm to hơn bình thường. Đau đớn nhất là khi chiếc kim bắt đầu đâm vào tay. Cảm giác choáng váng choáng ngợp trong đầu cô, lan ra từng thớ thịt, rần rần trong cơ thể. Rồi thì khi sưng nề; khi buồn nôn, chóng mặt; không thể tự đi lại một mình… những biến chứng từ bệnh khiến Hương bải hoải, những tưởng sẽ khiến cô gục ngã.
Thế nhưng… Hương là cô gái mạnh mẽ vô cùng. Hương luôn tin vào một điều kì diệu ở phía trước. Điều kì diệu ấy chính là nụ cười luôn nở trên môi cô trong mọi hoàn cảnh. Nụ cười an yên của cô đã vực dậy niềm tin nơi ba mẹ. Nụ cười đã cứu rỗi cô và giúp cô bước tiếp dẫu đoạn đường phía trước đầy rẫy những chông gai, nguy hiểm. Nụ cười đã cho cô nghị lực để hoàn thành 4 năm đại học, thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo. Dù không đứng trên bục giảng nhưng với những cô cậu học trò trong xóm, trong làng, Hương luôn là thần tượng. Đứa trẻ nào cũng thích được Hương dạy học. Chúng được vui vẻ nói cười, được thỏa niềm đam mê với môn học mà chúng yêu thích. Đặc biệt, điều chúng thích nhất ở Hương chính là nụ cười luôn rạng rỡ, lạc quan.
- Cô hãy luôn mỉm cười như thế nhé! Học trò thường nói với Hương như thế! Hương thấy cuộc đời mình trở nên đáng sống. Mỗi ngày, cô luôn tự nhủ phải sống cho thật tốt, thật ý nghĩa dù có như thế nào đi chăng nữa.
Tiếng còi xe kêu lên ba bốn tiếng. Xe buýt dừng lại. Cánh cửa xe mở ra. Tùng bước xuống rồi quay lại vui vẻ nói với bác tài Nhân:
- Cô ấy kia rồi! Anh chạy đến cầm lấy cái túi xách và đỡ Hương lên xe. Xe buýt lại chuyển bánh. Những câu chuyện vô số chủ đề lại bắt đầu. Nụ cười, sự im lặng, cái gật đầu... đủ mọi cung bậc cảm xúc trên xe cứ thế tiếp diễn.
Từ ngày ba Hương rời quê vào Nam đi làm, mẹ Hương càng phải bận bịu với công việc ruộng đồng. Nếu những ngày đầu Hương mới biết bệnh, bà Lam còn khỏe, bà thường chở con gái bằng xe máy lên thành phố để lọc máu. Khi ông Niệm quyết định vào Nam làm thêm để kiếm tiền chữa bệnh cho Hương, bà bận việc, Thiện thay mẹ chở chị. Rồi Thiện cũng bận học kín tuần, Hương đành tự đi xe buýt một mình. Cũng may gặp bác tài Nhân, gặp anh Tùng tốt bụng. Suốt mấy năm nay, Hương được hai người đàn ông tốt bụng ấy xem như người thân trong nhà. Họ chung nhau tặng Hương vé xe buýt đi về một tuần 3 buổi gần 10 năm nay. Hương cảm thấy may mắn và biết ơn vì điều đó.
“Nếu chỉ còn một ngày để sống…”. Những ca từ bỗng vang lên từ chiếc loa của xe buýt qua giọng ca của Khánh Ly khiến ai nấy lặng người. Không ai nói với ai điều gì. Qua tấm gương chiếu hậu, bác tài Nhân nhận ra nụ cười tươi tắn trên gương mặt hao gầy, phờ phạc của Hương. Nụ cười trên môi cô gái giàu nghị lực ấy càng khiến ông nhận thấy cuộc đời vẫn luôn có những điều tốt đẹp, đáng sống đến vô cùng.
Truyện ngắn của: LÊ THỊ XUYÊN