Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm lần thứ 4 diễn ra từ ngày 4-13/10 tại Hà Nội là cơ hội để các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật trong nước và quốc tế giao lưu, trao đổi kinh nghiệm; từ đó, thúc đẩy sự phát triển, đổi mới của nghệ thuật sân khấu.
Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho biết, so với kỳ liên hoan trước (năm 2016), chương trình năm nay có sự tăng lên về số lượng đơn vị nghệ thuật và số lượng vở diễn tham gia. Theo đó, có 7 đoàn nghệ thuật quốc tế tham dự liên hoan, bao gồm: đoàn Hungary (vở “Tháng Tám”), đoàn Israel (vở “Bpolar”), đoàn Ấn Độ (vở “Macbeth Mirror”), đoàn Hàn Quốc (vở “Hai vạn dặm dưới biển”), đoàn Trung Quốc (vở “Câu chuyện về bức tranh cổ”), đoàn Singapore (vở “Ngôi đền quỷ ám”) và đoàn Hy Lạp (vở “Cánh đồng đẫm máu”). Ngoài ra, nước chủ nhà Việt Nam có 14 tác phẩm (của cả các đơn vị nghệ thuật công lập và các đơn vị xã hội hóa) tham dự: “Nhật thực”, “Mơ rồng”, “Hà Nội của những giấc mơ”, “Thân phận nàng Kiều”, “Hai mươi”, “Niềm khát”, “Sự sống”, “Cậu Vanya”, “Ngàn năm mây trắng”, “Nỗi u sầu”, “Huyền thoại gò Rồng Ấp”, “Nữ ca sĩ hói đầu”, “Dưới nước là cát” và “Câu Kiều ru một đời người”.
Các tác phẩm tham dự liên hoan có thời lượng từ 50-120 phút, đa dạng về đề tài, phong phú về loại hình (cải lương, kịch nói, múa rối…). “Đặc biệt, các vở diễn có ngôn ngữ, cách thức thể hiện mới mẻ, mang tính thử nghiệm cao, cho thấy những nỗ lực khám phá, tìm tòi của các nghệ sĩ”.
Theo NSND Lê Tiến Thọ, “Sân khấu thử nghiệm” là một thuật ngữ để chỉ các phong trào nghệ thuật nhằm cách tân sân khấu bằng những đổi mới mang tính tiên phong về phong cách, ngôn ngữ thể hiện, cấu trúc tác phẩm… “Chúng ta nên có cái nhìn cởi mở và công bằng khi tiếp nhận những tác phẩm sân khấu thử nghiệm, không nên mang những quy chuẩn quen thuộc đến cũ mòn trước đây để áp đặt vào những vở diễn này. Bởi đó là những tác phẩm mang tính “thử nghiệm” nên đôi khi sẽ tạo ra những tranh luận gay gắt. Tuy nhiên, nếu nghệ sĩ e dè trước những luồng ý kiến trái chiều thì nghệ thuật sẽ không thể có những đổi mới, sáng tạo”.
Chia sẻ thêm về thực trạng sân khấu Việt Nam hiện nay, ông cho rằng, loại hình nghệ thuật này còn chậm đổi mới, chưa có nhiều cách tân ấn tượng. Nhiều vở diễn ra mắt thời gian qua cho thấy sự cũ mòn (từ đề tài tới cách thức dàn dựng, biểu diễn…), không hấp dẫn khán giả. Ở chiều ngược lại, một số tác phẩm (như “Cậu Vanya”, “Nữ ca sỹ hói đầu”…) cho thấy nỗ lực “làm mới” sân khấu của các nghệ sĩ Việt. Từ những kịch bản quen thuộc của sân khấu thế giới, các nghệ sĩ Việt Nam đã “phá bỏ” những công thức dàn dựng cũ, đưa thêm những chất liệu, chi tiết mới, gần gũi với cuộc sống đương đại để tạo nên những vở diễn mới lạ. “Tiếc rằng, những vở diễn như vậy còn chiếm số lượng ít; hơn nữa, lại không được biểu diễn nhiều, liên tục” nghệ sỹ nhân dân Lê Tiến Thọ bày tỏ.
Liên hoan quốc tế Sân khấu thử nghiệm 2019 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với Cục Nghệ thuật Biểu diễn (Bộ VH-TT-DL), Sở VH-TT Hà Nội tổ chức.
AN NGỌC