Trang phục và văn hóa luôn song hành. Vì thế, sử dụng trang phục sao cho đẹp, đứng đắn, lịch sự, chính là thể hiện văn hóa, năng lực thẩm mĩ và cả bản lĩnh của người mặc. Với ai thì việc mặc cũng quan trọng nhưng với những người của công chúng thì trang phục không chỉ để làm đẹp mà còn góp phần tạo nên diện mạo, phong cách, hình ảnh của họ.
Trang phục đẹp độc đáo của diễn viên Angela Phương Trinh tại LHP Cannes 2018. (Ảnh minh họa) |
Bất kể trên sân khấu hay trên mạng xã hội thì trang phục của các ca sĩ, người mẫu cũng có hàng ngàn hàng triệu người quan tâm. Thế nên chuyện họ sử dụng trang phục xấu, đẹp ra sao không chỉ ảnh hưởng tới bản thân họ mà còn ảnh hưởng tới cộng đồng, xã hội và có khi là cả quốc gia, dân tộc. Chính vì vậy mỗi khi xuất hiện ở các sự kiện thì trang phục của người nổi tiếng phải là việc được quan tâm chú trọng hàng đầu. Thế nhưng, thời gian gần đây lại liên tiếp xảy ra những sự cố về trang phục và cách lựa chọn trang phục của người nổi tiếng.
Vài chục năm trước, trên các kênh thông tin đại chúng không hề thấy nhắc tới chuyện nghệ sĩ ăn mặc phản cảm. Thế nhưng hơn chục năm trở lại đây thì chuyện ăn mặc lố lăng, lập dị, phản cảm của giới nghệ sĩ, người mẫu càng ngày càng nhiều. Những bộ quần áo cũn cỡn thiếu vải, những chiếc váy xuyên thấu “mặc mà như không mặc” được thấy trên một người vô danh nào đó ở các nơi công cộng như đường phố, bến xe, công viên, rạp hát, bình thường đã không nhận được ánh mắt thiện cảm của những người xung quanh, huống chi những bộ quần áo ấy lại được khoác lên người một người mẫu nổi tiếng ở một sự kiện quan trọng được truyền hình trực tiếp. Khán giả sẽ không chỉ đánh giá văn hóa, nhân cách của cá nhân người mặc trang phục phản cảm mà còn lên án, phê phán cả ê kíp làm chương trình, đài truyền hình, ban tổ chức sự kiện đó.
Còn nhớ chuyện người mẫu Ngọc Trinh xuất hiện ở liên hoan phim Cannes trong bộ váy xuyên thấu phản cảm khiến dư luận xôn xao bàn tán hồi tháng 5/2019. Mặc dù cũng có một số ý kiến bênh vực cô theo kiểu “Em đẹp em có quyền”, “Cục điện ảnh Việt Nam không cử cô ấy đi, cô ấy không đại diện cho bất cứ tổ chức nào thì mặc sao là quyền của cô ấy”…Thế nhưng đa phần các ý kiến đều lớn tiếng phản đối lối ăn mặc phản cảm của cô. Những người chỉ trích cô có lý vì họ hiểu: Truyền thông quốc tế không cần biết Ngọc Trinh là ai, họ sẽ chỉ nhắc tới “một cô gái Việt Nam ăn mặc trần trụi, gợi dục ở liên hoan phim Cannes” và thế là có thể không cố ý nhưng “trò lố” của Ngọc Trinh đã vô tình làm xấu hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.
Ai cũng biết chuyện ăn mặc, phát ngôn và đời tư của giới showbis luôn là chuyện bị quan tâm nhắc nhở không chỉ ở Việt Nam. Thế nhưng nếu như ở các nước khác việc ăn mặc kỳ dị, hở hang phần lớn là do các nghệ sĩ có tên tuổi vô tình gặp sự cố hoặc do quan niệm thẩm mỹ của họ có phần khác lạ thì ở Việt Nam việc ăn mặc phản cảm và phát ngôn gây sốc phần lớn lại là chủ ý của những người kém tài năng với mục đích lôi kéo sự chú ý của công chúng. Họ có suy nghĩ sai lệch là càng gây sốc thì càng nổi tiếng và càng nổi tiếng càng kiếm được nhiều tiền.
Ông cha ta xưa đã dạy: “Y phục xứng kì đức”. Trang phục, như đã nói, không chỉ thể hiện gu thẩm mỹ mà còn thể hiện cả năng lực và tính cách của người mặc. Có thể luôn khoác lên mình cái vỏ tử tế, đàng hoàng chưa hẳn đã là người tử tế đàng hoàng nhưng việc thường xuyên sử dụng những bộ cánh “thảm họa” cũng phần nào thể hiện tính cách ngông cuồng, nông nổi và năng lực tầm thường, kém cỏi của người mặc. Nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh đã từng nhận xét “Sự phô trương quá lố chính là biểu hiện của trình độ hạn chế, lạm dụng hình thức để tạo ra những ánh hào quang giả tạo xung quanh mình là điều không bền vững. Sự thể hiện này “tố cáo” nội lực của mỗi người, nhất là trong lĩnh vực nghệ thuật. Nếu điều này trở thành số đông thì cũng chính chúng ta tự “tố cáo” một cách rõ rệt nhất trình độ, bản lĩnh văn hóa của mình và văn minh của xã hội”.
Bộ văn hóa thông tin đã có chế tài xử phạt với các nghệ sĩ mặc trang phục phản cảm trong các cuộc trình diễn nghệ thuật nhưng với những cá nhân không phải là nghệ sĩ muốn dùng cách lột đồ, khoe thân để bước chân vào showbis thì lại chưa có cách xử lý rõ ràng cụ thể. Thế nên những vụ việc như Bà Tưng, Ngọc Trinh hay các hot girl cởi đồ khoe thân trong hồ sen, trên nóc nhà phố cổ Hội An mới đây thường chỉ dừng lại ở việc bị phê phán và chuyện ăn mặc phản cảm càng ngày càng trở nên trầm trọng.
Phong cách ăn mặc của người dân nói chung, phong cách ăn mặc của nghệ sĩ nói riêng có thể cho thấy sự phát triển văn hóa của đất nước đó. Chính vì thế rất mong các cơ quan hữu trách có biện pháp nặng tay với những đối tượng “cởi đồ khoe thân”, phát ngôn gây sốc bất chấp dư luận để tạo dựng “thương hiệu”. Ngoài ra cũng mong các đơn vị hoạt động nghệ thuật và công chúng hãy lên án, tẩy chay những cá nhân có hành vi lệch lạc, trái thuần phong mỹ tục gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh người Việt trong mắt cộng đồng thế giới.
AN AN