Cá chép hóa Rồng (Nhà XB Văn hóa - Văn nghệ) là cuốn sách thứ 13 của nhà báo Phạm Quốc Toàn mang dấu ấn thời cuộc rõ nét, tính thời sự nóng hổi. Tôi vẫn nói vui: Phạm Quốc Toàn (nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo VN) là “ông Trạng thời @” của làng báo Việt. Đúng Vu Lan - báo hiếu - Rằm tháng Bảy Kỷ Hợi - 2019, người viết mấy dòng này nhận được cuốn sách mới của Phạm Quốc Toàn. Tôi đọc ngay, đọc một mạch và có đôi điều cảm nhận.
Cá chép hóa Rồng là một góc nhìn mở, là bức tranh toàn cảnh của xã hội đương đại từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến xã hội, từ trong nước ra ngoài nước.Và đôi khi là cả chuyện đời tư đẹp, chưa đẹp, được trình bày rõ, sáng, đậm tình, đậm nghĩa, đậm hướng đi lên kể cả khi có đan xen những khoảng tối của thời kinh tế thị trường. Người đọc sẽ thấy cái đẹp chưa thật hoàn chỉnh, nhưng đầy ắp Chân - Thiện - Mỹ. Đó cũng là cái hay, nếu không nói là nghệ thuật… báo và văn tải đạo cho đời của Phạm Quốc Toàn.
Với hơn 300 trang, Phạm Quốc Toàn chuyện trò nhẹ nhàng, dí dỏm, nhân văn. Nội dung cuốn sách gồm 2 phần, như chính tác giả đã phân định: Phần tiểu luận gồm 9 bài viết hàm súc, luận bàn sắc sảo - hợp hướng của một người từng làm Tổng biên tập ở nhiều tờ báo. Phần tiểu phẩm gồm 40 bài viết ngắn gọn, mỗi bài là một bức tranh VH-XH, châm biếm nhẹ nhàng mà xây dựng. Phạm Quốc Toàn có thế mạnh viết tiểu phẩm & chính luận. Anh đã từng làm chủ chòm chuyên mục Tư Mã Tấu và bình luận ngắn trên nhật báo Quân đội Nhân dân, thập niên 70, 80 của thế kỷ trước. Ngòi bút tiểu phẩm của Phạm Quốc Toàn có duyên, mềm mại. Tính nhân văn của ngòi bút Phạm Quốc Toàn từ các cuốn sách đã xuất bản trước như Tôi nói bằng mồm tôi (Nhà XB Hội Nhà văn, 2014; Con voi chui lọt lỗ kim (Nhà XB Văn hóa - Văn nghệ, 2018); Đời và nghề (Nhà XB Văn học, 2013)… và đến lượt Cá chép hóa Rồng là nhất quán…
Cách đây không lâu, Phạm Quốc Toàn ra mắt tập bút ký & tiểu luận Lốc xoáy thời cuộc (Nhà XB Hội Nhà văn, 2017) - đạt giải Báo chí quốc gia và tập bút ký chân dung với tựa sách Ký Giả (Nhà XB Thanh Niên, 2015), một tập hợp 50 chân dung nhà báo đương đại. Lốc xoáy thời cuộc và Ký Giả đang được yêu cầu tái bản. Đường đi, nước bước khi dựng chân dung nhân vật trong tác phẩm báo chí - văn học của Phạm Quốc Toàn có nhiều thú vị, đáo để, dung dị mà sắc, không kể lể nhàm chán, nội tâm sâu lắng, đọc là cảm ngay.
Phạm Quốc Toàn quê ở Phúc Trạch (Hương Khê, Hà Tĩnh). Có người gọi anh là nhà báo “lão làng”. Cũng đúng thôi, bởi anh cất tiếng chào đời vào mùa Thu năm Kỷ Sửu, cầm tinh con trâu. Năm Kỷ Hợi - 2019, anh qua ngưỡng “Thất thập cổ lai hy” có lẻ. Nhưng bút lực Phạm Quốc Toàn vẫn còn rất sung mãn, anh vẫn đi, vẫn đọc, vẫn nghĩ và vẫn viết hằng ngày. Sự cuốn hút, tính hữu ích, mẫn cán, thông tuệ khi đọc sách của Phạm Quốc Toàn tựa như thủ pháp của Đường thi, hễ mở cửa là thấy núi. Đã đọc trang đầu không thể không đọc hết cả bài, cả cuốn.
NGUYỄN XUÂN LƯƠNG