“Bàn tay ta làm nên tất cả/ Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Ông bà ta nói chí lí lắm! Ông Phú gật gù cái đầu tỏ vẻ hài lòng khi thu vào tầm mắt mình màu xanh ngập tràn, mướt mát của vườn na sắp sửa được thu hoạch do Vĩnh dày công làm nên. Ông vỗ vào vai Vĩnh thật mạnh, giọng chắc nịch:
- Được! Cái thằng thế mà giỏi. Đúng là không phụ lòng mẹ cháu (ý ông đang nói đến bà Xám, chị gái ông, mẹ của Vĩnh). Chị ấy ở dưới suối vàng chắc mát lòng mát dạ lắm.
- Cháu hối hận vì đã không nghe lời mẹ sớm. Để bây giờ, khi đã làm được điều mẹ kỳ vọng lại không còn mẹ bên cạnh chia sẻ niềm vui. Giọng Vĩnh bỗng chùng xuống bùi ngùi. Ông Phú im lặng trong giây lát, tay lay lay vai Vĩnh:
- Chuyện buồn cũng qua lâu rồi. Rồi cả hai cậu cháu cùng im lặng. Vườn na trên sườn núi khẽ lay theo gió. Cây nào quả cũng sai lúc lỉu đầy cành. Nhiều quả đã bắt đầu mở những kẽ mắt to, căng tròn. Khoảng một tuần nữa là được thu hoạch. Mùa na đầu tiên sau những nỗ lực bền bỉ của Vĩnh. Ai biết rằng cách đây 10 năm, nơi đây đơn giản chỉ là những sườn dốc, đất đai cỗi cằn, bạc màu, đã từng khiến Vĩnh thui chột ý chí; giờ đã trở thành “núi vàng” như lời mẹ Vĩnh nói. Thế mà hồi ấy, Vĩnh đã khiến mẹ buồn biết mấy.
Minh họa của MINH SƠN |
- Vĩnh này, mẹ nghĩ mày nên bỏ cái nghề đi đào vàng kia đi con à! Cái nghề bạc bẽo, giấc mộng vàng đâu chẳng thấy, chỉ thấy nguy hiểm, rủi ro đầy rẫy. Bà Xám ngồi trước hiên nhà, đôi mắt hấp háy, nhòe nhoẹt trước bóng nắng vàng vọt cuối chiều đổ xuống. Giọng bà trầm xuống như nốt nhạc buồn, lặng lẽ của đời mình. Rồi bà nói với Vĩnh vừa như thủ thỉ vừa như van nài. Vĩnh vẫn ngồi bất động, mắt mơ màng nghĩ ngợi. Trong đầu Vĩnh lúc ấy hiện lên thấp thoáng những thỏi vàng lấp lánh, sung sướng đưa lên miệng cắn và hả hê cười sặc sụa. Từ lâu Vĩnh đã nuôi trong lòng giấc mộng trở nên giàu có nhờ nghề đào vàng như bao người khác. Vĩnh nhìn sang mẹ, cười nhạt, chặt lưỡi bảo:
- Có khối người giàu sụ từ khi vào núi tìm vàng. Mẹ khỏi phải lo. Đến khi tôi giàu có, mẹ được nhờ, được sung sướng, tha hồ mà ngồi mát ăn chơi hưởng lạc chứ chẳng phải vất vả mỗi ngày leo lên cái triền núi đá kia mà nặn từng quả na bé tí đem ra chợ đổi lấy gạo như bây giờ.
- Nhưng… con thấy vợ chồng chú Sớt ở cuối làng đấy. Cũng nghề đào đãi vàng. Vàng đâu chẳng thấy. Giờ cả hai chết thảm, bỏ lại hai đứa con thơ nheo nhóc chẳng có lấy ai chăm sóc. Mẹ sợ…
- Mẹ đừng nhắc chuyện ấy nữa. Đó chỉ là gặp xui, là chuyện chẳng may, là số ít. Sao mẹ không nhìn vào cơ ngơi nhà ông Quang, bà Huyện,… ở làng mình đấy thôi. Họ giàu lên là nhờ nghề ấy cả. Chứ cái nghề trồng na mẹ bảo như “gieo vàng trên núi” ấy, nói thì nói vậy chứ còn lâu mới sánh được với nghề đào vàng. Vĩnh khua tay với cành na đang sà xuống, vặt lấy một ngọn vứt ra trước mặt rồi đứng phắt dậy, nhìn bà Xám, giọng dứt khoát:
- Tôi tính rồi. Mẹ đừng có mà bàn lùi nữa. Chuyến này tôi sẽ theo mấy người trong làng vào núi đãi vàng. Khi nào giàu tôi mới về. Vĩnh vừa dứt câu đã vụt thẳng ra ngõ. Bà Xám gọi với hai, ba lần tên con không được, chỉ biết ngồi rầu rĩ, khóc một mình.
Bà Xám góa chồng khi mới ngoài 30 tuổi. Trời cho hai đứa con. Đứa con gái đầu của bà thì lấy chồng tỉnh bên, mang tiếng chẳng xa nhà mấy nhưng một năm họa hiếm mới về thăm bà một lần, cũng chỉ vì nghèo, phải tất bật mưu sinh. Còn Vĩnh. Nhà nghèo, Vĩnh cũng không được học hành tử tế. Được dăm ba chữ gọi là cho biết mặt chữ, biết đọc, biết viết. Hai mẹ con sống vất vưởng, đói no qua ngày bằng việc phụ thuộc vào mấy sào ruộng suốt đông vụ chí kì được mất nhờ vào thời tiết. Năm Vĩnh tròn 20, bạn bè trang lứa đều tính chuyện yêu đương, lấy vợ sinh con thì Vĩnh vẫn ậm ờ:
- Có vợ con thì lấy gì mà bỏ vào mồm. Phải đi kiếm tiền đã. Vĩnh nói với mẹ mình thẳng thừng mấy bận bà Xám thúc bách chuyện vợ con. Thấy Vĩnh làm lơ, bà Xám sau đó cũng chẳng buồn nói nữa.
Cuộc sống của mẹ con Vĩnh chỉ quẩn quanh trong ngôi nhà mái lá đơn sơ đã èo ọt, xiêu vẹo. Trong vùng, ba năm trở lại đây, lác đác vài ba nhà đã mạnh dạn rủ nhau khoanh đất núi để trồng na. Giống na núi bà vẫn thường lui cui một mình với cái giỏ cói, cây gậy gỗ đi tìm hái về đem ra chợ bán đổi lấy gạo. Giống na ngọt lịm chả biết có từ thời nào. Chỉ biết từ hồi chiến tranh, người dân đói quá, lên núi tìm củ, quả về ăn, phát hiện ra loại quả dại quý này. Người ăn, chim ăn, vứt hột, hột lại mọc thành cây tươi tốt. Họ nghĩ đến việc cải tạo đất núi để trồng na vì chắc như đinh đóng cột rằng loài na quý này thích hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Mới hai, ba năm, đồi trơ trụi đã thành rừng, màu đá đất vốn xám xịt đã mỡ màu, xanh tốt.
- Thằng Vĩnh đi cũng gần một năm rồi mà chả có tin tức gì về. Không biết nó ăn ở, sống chết thế nào. Bà Xám than thở với em trai, khuôn mặt bà sụ lại, hằn lên những nếp nhăn lo lắng, sợ hãi vô hình.
- Chị lo cho nó làm gì. Nó lớn rồi. Tự khắc biết lo cho mình. Nó đi được thì sẽ về được. Chị đừng lo quá mà đâm ra sinh bệnh. Ông Phú nay đã bước sang cái tuổi ngũ tuần. Ông mất vợ sớm. Được đứa con gái thì cũng theo chồng về dưới xuôi. Mình ông thui thủi. Thành ra ngày nào ông cũng qua lại nhà bà Xám, chị gái mình. Ông thương bà chị mình khổ cả đời, nay ở cái tuổi ngoài lục tuần, tưởng sẽ được nghỉ ngơi, an nhàn, ai dè vẫn cứ canh cánh nỗi lo cho con cái. Già rồi, chân đi không còn vững, đường lên núi thì dốc, thế mà bà Xám đâu có được nghỉ ngơi chân tay ngày nào. Nhìn người ta rủ nhau cải tạo đất trồng na trên núi, nhìn người ta hồ hởi thu hoạch lứa na đầu mùa trong niềm vui phơi phới, bà thấy mà thèm. Bà ước giá mình còn trẻ, còn sức khỏe, mình sẽ không bỏ phí đất đai cằn cỗi thế này… mà gửi gắm ước mơ cho con thì con lại đeo đuổi ước mơ khác, chả thèm đả động đến lời khuyên của bà. Càng nghĩ bà lại càng buồn.
Thấm thoát, lại ba năm trôi qua kể từ khi Vĩnh xa nhà. Bà Xám mong ngóng, nhớ thương, lo lắng cho con trai đến nỗi tiều tụy, héo hon. Mấy bữa nay bà nằm liệt giường không đi lại được. Chả là cách đây ba hôm, trời vừa mới mưa một trận suốt đêm, bà tiếc mấy cây na hoang chín trên núi sẽ bị chim ăn, rụng hết nên cố gắng leo lên núi để hái, nhặt về. Ai ngờ, bà trượt chân ngã, máu me loang lổ khắp mặt mũi tay chân. Cũng may có người trong làng nhìn thấy, cõng bà về. Nằm trên giường, bà vẫn nhờ em trai đi dò hỏi tin thằng Vĩnh khắp làng nhưng chả ai biết nó ở đâu. Hụt hẫng, bà nói với ông Phú như lời trăng trối cuối cùng:
- Lâu nay lên núi mót na, chị có để dành hạt và mới rải trong vườn. Cậu nhìn ra vườn thì thấy, hạt na nhiều lắm. Toàn na ngon cả. Tính đến cả mấy trăm hạt ấy chứ. Nếu chị có ra đi trước khi thằng Vĩnh về thì nhờ cậu hãy nói với nó đem giống na này lên núi, khoanh đất mà trồng. Ông trời không phụ lòng người có công đâu. Ông Phú nghe lời chị gái, nhớ như in từng câu từng chữ chị dặn. Bà còn gửi lại ngôi nhà lá với mấy trăm ngàn dành dụm được từ việc mót na trên núi đem bán bọc trong túi vải, nhờ em trai gửi lại cho Vĩnh. Mấy tháng sau, bà Xám qua đời.
- Sao bây giờ mày mới về. Mẹ mày chết, mộ đã xanh cỏ từ lâu rồi. Bà ấy chết nhưng vẫn không được thanh thản vì lo cho mày. Thế mày giàu chưa? Mày giàu rồi sao ăn vận rách rưới, luộm thuộm vậy? Rồi mặt mũi sao đầy vết thẹo thế này? Suốt mấy năm qua, mày đã sống như thế nào hả Vĩnh? Ông Phú ngồi bần thần, lưng tựa vào một góc tường đen kịt dưới hiên, đôi mắt đục ngầu rỉ ra hai giọt nước mắt khi nhìn thấy Vĩnh trở về nhà, đứng trước mặt ông.
- Cậu… cháu… cháu bị lừa. Cố gắng lắm, cháu mới trốn được về nhà. Mẹ cháu… mất rồi sao? Mẹ cháu mất khi nào? Sao mẹ lại mất hả cậu? Vĩnh xanh xám, gầy sọp. Đầu tóc như tổ quạ. Anh ngồi sụp xuống đất, lòng ngậm ngùi nỗi ăn năn muộn màng. Ông Phú kể cho Vĩnh nghe về quãng thời gian dài anh vắng nhà. Về sự thay đổi của quê hương, về những triền na xanh tốt đã dần phủ xanh những triền núi trơ trọi; về những ngôi nhà kiên cố đã và đang được dần mọc lên; về những ước mơ dang dở của mẹ Vĩnh trước khi qua đời để lại.
- Đấy, mày thấy không? Bốn năm mày không ở nhà mà quê ta đã thay đổi như thế đấy! À còn cái này nữa. Ông Phú bảo Vĩnh ngồi chờ mình. Ông về nhà, một lát sau cầm sang một chiếc túi vải được quấn kỹ bằng mấy lớp vải ngoài và cột cẩn thận. Rồi ông dẫn Vĩnh ra vườn, chỉ tay về phía những cây na lớn nhỏ đang chen nhau mọc chi chít, bảo:
- Đây là tất cả những gì mẹ mày để lại cho mày trước khi ra đi. Ngôi nhà tuy đã cũ nát nhưng còn có chỗ che mưa che nắng. Giống na quý mẹ mày đã gieo cả xuống vườn, giờ đã mọc lên xanh. Và trong túi vải này là số tiền mẹ mày gửi lại… Đấy, mày tính thế nào thì tính. Ông Phú đặt vào tay Vĩnh túi tiền rồi lẳng lặng bước vào nhà.
Vĩnh ngồi bên mộ mẹ mình một hồi lâu. Bao nhiêu chuyện xảy ra khi xa nhà, Vĩnh đem ra kể hết cho mẹ nghe. Vĩnh hi vọng mẹ sẽ nghe được, sẽ hiểu và sẽ tha thứ cho Vĩnh… Chiều về trên sườn núi lô nhô, gió thổi vi vu, mát lạnh. Bên những khoảng na tươi tốt xanh còn rất nhiều khoảng xám ngắt, trơ trụi. Vĩnh đưa mắt quan sát cả triền đồi mênh mông tít tắp rồi lại thu về nhìn tấm bia trên mộ mẹ. Tuần nhang đã hết, ông Phú đứng phía sau giục:
- Muộn rồi! Về nhà thôi! Vĩnh nán lại lầm rầm khấn vái trước mộ mẹ mình:
- Con sẽ nghe lời mẹ. Mẹ hãy tin ở con! Nói rồi anh lững thững bước theo sau ông Phúc về nhà.
Vĩnh phần tự lực cánh sinh, phần đi khắp vùng học hỏi kinh nghiệm trồng na của những người đi trước. Những lúc khó khăn chồng chất, bên cạnh Vĩnh có ông Phú cổ vũ. Rồi niềm an ủi động viên to lớn hơn với anh chính là Thảo, cô gái dưới xuôi theo gia đình lên núi làm kinh tế. Dẫu ít hơn Vĩnh cả đến 10 tuổi nhưng khi gặp Vĩnh lần đầu, Thảo đã có cảm tình và quyết định trao trái tim mình cho Vĩnh. Gia đình Thảo thấy Vĩnh tu chí làm ăn nên đã tác hợp cho hai người. Cuộc sống của Vĩnh thay đổi từ đó.
Sau cơn mưa đêm, trời thoáng đãng. Gió dìu dịu. Nắng vàng như rót mật. Cả triền na đã dậy hương thơm mới. Mùi thơm của na chín phả vào gió thu thơm ngọt. Vợ chồng Vĩnh đã có mặt trên triền na từ rất sớm. Tay kéo, tay giỏ, ai nấy hồ hởi, vui vẻ thu hoạch. Đầu ra của quả thì đã có chính quyền địa phương quan tâm, giúp đỡ. Ông Phú nhìn những giỏ na vợ chồng Vĩnh vừa thu hoạch mà vui như chính mình được mùa.
Vĩnh chọn mấy quả na mắt to, mọng vừa chín, đặt lên bàn thờ của mẹ. Anh thắp nén nhang thơm, lòng thành kính khấn mẹ. Hương trầm thoang thoảng quyện hòa trong hương na ngọt dịu. Trên tấm di ảnh, Vĩnh thấy mẹ như đang ngắm nhìn mình với nụ cười thanh thản.
Truyện ngắn của LÊ THỊ XUYÊN